Những biến chứng nguy hiểm khi dùng corticoid bôi ngoài da tùy tiện

Bài viết được viết bởi Dược sĩ Cao Thanh Tú - Khoa Dược - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City

Từ lâu corticoid bôi ngoài da đã được sử dụng để điều trị nhiều bệnh ngoài da do có tác dụng chống viêm mạnh, giúp cải thiện triệu chứng rõ rệt. Tuy nhiên, thuốc không điều trị tận gốc nguyên nhân gây bệnh và việc lạm dụng thuốc làm gia tăng nguy cơ gặp tác dụng phụ.

1. Corticoid là thuốc gì?

Corticoid là nhóm thuốc có tác dụng chống viêm mạnh. Thuốc corticoid bôi ngoài da là loại thuốc được dùng trực tiếp trên da để làm giảm đỏ, ngứa, ban sẩn. Vì vậy nhóm thuốc này thường được sử dụng trong các bệnh như eczema, viêm da tiếp xúc, vẩy nến, phát ban, côn trùng đốt...

Thuốc bôi ngoài da corticoid có nhiều dạng dùng (mỡ, kem, gel, lotion, bọt, dầu gội... ) và hàm lượng khác nhau.

2. Tại sao không được tự ý dùng?


Trường hợp bị bệnh vẩy nến nặng cần sử dụng loại corticoid mạnh
Trường hợp bị bệnh vẩy nến nặng cần sử dụng loại corticoid mạnh

Thuốc bôi ngoài da corticoid có chỉ định rộng rãi trên nhiều bệnh lý da khác nhau. Trên thị trường cũng có nhiều sản phẩm corticoid khác nhau về thành phần, hàm lượng, dạng bào chế. Việc sử dụng loại corticoid nào phụ thuộc vào loại bệnh cần điều trị và mức độ nặng của bệnh.Do đó, hai bệnh nhân mắc hai bệnh khác nhau hoặc hai bệnh nhân mắc cùng một bệnh nhưng mức độ nặng khác nhau hoặc vị trí mắc bệnh khác nhau có thể cần sử dụng các loại corticoid khác nhau.

Ví dụ, bệnh nhân vảy nến nặng có thể cần dùng các loại corticoid mạnh nhưng nếu tình trạng bệnh nhẹ, tại các vùng da mỏng (như da mặt) nên sử dụng corticoid yếu. Không lựa chọn đúng loại corticoid phù hợp có thể dẫn tới không cải thiện triệu chứng hoặc gia tăng nguy cơ gặp tác dụng phụ nghiêm trọng, đặc biệt ở những bệnh nhân có bệnh da mãn tính.

Hơn nữa, người bệnh thường không phân biệt được triệu chứng gây bởi viêm da hay gây bởi các nguyên nhân khác (mà khi sử dụng corticoid có thể không có hiệu quả). Corticoid cũng có thể làm nặng thêm một số bệnh ngoài da (như nấm da, viêm da herpes). Vì vậy không nên tự ý dùng thuốc mà không có sự tư vấn của dược sĩ hoặc bác sĩ.

3. Cách nhận biết các thuốc chứa corticoid

Để biết loại thuốc mình đang sử dụng có chứa corticoid không, bạn có thể kiểm tra thông tin trong tờ hướng dẫn sử dụng thuốc đi kèm. Thông thường thông tin này có tại mục “các đặc tính dược lý” hoặc “dược động học”. Lưu ý rằng trong tờ hướng dẫn sử dụng, nhà sản xuất có thể dùng các tên gọi khác của corticoid là glucocorticoid hoặc corticosteroid. Hoặc bạn có thể xem mục “thành phần” để biết thuốc chứa hoạt chất gì. Các hoạt chất phổ biến của corticoid là hydrocortisone acetate, triamcinolone acetonide, mometasone furoate, clobetasone butyrate, clobetasol propionate, betamethasone valerate, betamethasone dipropionate, fluocinolone acetonide.

Trên thị trường hiện nay có nhiều loại kem trộn không rõ nguồn gốc xuất xứ. Trong thành phần của các loại kem này có thể chứa corticoid dù trên nhãn sản phẩm không đề cập tới. Người tiêu dùng không thể nhận biết được bằng mắt thường. Vì vậy cần lưu ý chỉ sử dụng các loại thuốc có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.

4. Những biến chứng nguy hiểm khi dùng corticoid bôi ngoài da


Trường hợp tự ý sử dụng corticoid hiệu lực mạnh liên tục có thể gây ra hội chứng Cushing
Trường hợp tự ý sử dụng corticoid hiệu lực mạnh liên tục có thể gây ra hội chứng Cushing

Nhìn chung, Corticoid bôi ngoài da thường không gây tác dụng phụ nghiêm trọng nếu được sử dụng đúng như liều khuyến cáo. Tuy nhiên, nếu sử dụng thuốc trong thời gian dài hoặc sử dụng corticoid mạnh hoặc trên một diện tích da lớn, nguy cơ gặp tác dụng phụ sẽ cao hơn. Người cao tuổi và trẻ em là những đối tượng dễ gặp tác dụng phụ của thuốc.

Tác dụng phụ thường gặp của thuốc corticoid bôi ngoài da là cảm giác châm chích, bỏng rát nhẹ. Cảm giác này thường biến mất sau vài lần sử dụng. Ngoài ra, thuốc có thể gây ra các tác dụng phụ khác như teo mỏng da, rạn da, thay đổi sắc tố da, da dễ bị bầm tím, tổn thương, chậm lành vết thương, mụn hoặc trứng cá đỏ, rậm lông ở vùng điều trị, bội nhiễm nấm, vi khuẩn.

Dù chỉ dùng tại chỗ, một lượng thuốc vẫn có thể đi qua da và hấp thu vào dòng máu. Thông thường lượng thuốc này nhỏ và không gây ra các tác dụng phụ toàn thân. Nhưng nếu sử dụng corticoid hiệu lực mạnh liên tục, dài ngày trên diện tích da lớn, lượng thuốc được hấp thu này có thể đủ lớn để gây ra các tác dụng phụ khác như chậm lớn ở trẻ em, hội chứng Cushing.

5. Những lưu ý khi dùng thuốc


Hãy đến cơ sở y tế uy tín để được bác sĩ khám và kê đơn thuốc khi mắc các bệnh ngoài da
Hãy đến cơ sở y tế uy tín để được bác sĩ khám và kê đơn thuốc khi mắc các bệnh ngoài da

Để sử dụng corticoid tại chỗ một cách an toàn và hiệu quả, cần lưu ý các vấn đề sau:

  • Với dạng kem và thuốc mỡ: chỉ dùng một lượng thuốc đủ để tạo một lớp mòng che kín vùng da bệnh, xoa nhẹ nhàng cho tới khi không còn nhìn thấy thuốc. Với dạng xịt, phun bọt hoặc dầu gội, tham khảo cách sử dụng được khuyến cáo bởi nhà sản xuất hoặc theo hướng dẫn của bác sĩ/dược sĩ.
  • Liều dùng thông thường là từ 1-2 lần/ngày. Không tự ý sử dụng nhiều lần hơn hoặc sử dụng trên vùng mặt, bộ phận sinh dục, hậu môn trừ khi được chỉ định bởi bác sĩ. Không sử dụng trên vùng da không lành lặn hoăc vùng da cọ xát vào nhau, không che vùng da bôi thuốc bằng băng gạc (trừ khi có hướng dẫn khác bởi bác sĩ).
  • Thời gian điều trị cho một đợt cấp thông thường là 1-2 tuần. Với vài bệnh da, đợt điều trị có thể dài hơn hoặc cần điều trị lập lại nhiều đợt. Trong trường hợp bạn đang sử dụng một corticoid bôi ngoài da kéo dài (từ vài tuần trở lên), không dừng thuốc đột ngột và cần giảm liều dùng từ từ để tránh triệu chứng tái phát trở lại.
  • Khi sử dụng đồng thời nhiều thuốc dùng ngoài, nên dùng cách nhau (ví dụ cách nhau 30 phút) để tránh làm pha loãng nồng độ của corticoid hoặc tránh lan rộng thuốc đến những vùng da không bị bệnh. Nếu sử dụng corticoid ngoài da cùng với sản phẩm dưỡng ẩm, nên bôi sản phẩm dưỡng ẩm trước, đợi khoảng 30 phút trước khi bôi corticoid tại chỗ.

Khi bị mắc các bệnh ngoài da, bạn nên đến cơ sở y tế uy tín để được bác sĩ khám và kê đơn thuốc, không nên tự ý mua và sử dụng thuốc để tránh làm bệnh nặng hơn, gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là cơ sở y tế chất lượng cao tại Việt Nam với các bác sĩ được đào tạo bài bản, chuyên sâu, trình độ chuyên môn giỏi, giàu kinh nghiệm, thường xuyên tham gia các khóa đào tạo tại nước ngoài để nâng cao chất lượng chuyên môn. Hệ thống thiết bị y tế được trang bị đầy đủ, hiện đại, nhập khẩu từ Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hà Lan.

Để đăng ký khám và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, Quý Khách có thể liên hệ đến Hotline Hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc, hoặc đăng ký khám trực tuyến TẠI ĐÂY.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe