Bệnh đậu mùa khỉ có thể lây sang người khi tiếp xúc với động vật nhiễm bệnh hoặc lây từ người bệnh sang người lành. Vậy đối tượng nào có nguy cơ nhiễm bệnh đậu mùa khỉ?
1. Bệnh đậu mùa khỉ là gì?
Đậu mùa khỉ là bệnh truyền nhiễm được gây ra bởi vi rút đậu mùa khỉ thuộc họ Poxviridae. Hầu hết các ca bệnh thường xuất hiện ở gần các khu rừng nhiệt đới, là nơi sinh sống của động vật mang vi rút gây bệnh.
Đây là bệnh truyền nhiễm từ động vật do vi rút gây ra, tức là bệnh có thể lây truyền từ động vật sang người. Bệnh cũng có thể lây truyền từ người sang người thông qua các con đường như tiếp xúc với máu, dịch cơ thể, vảy vết thương của người hoặc động vật bị nhiễm bệnh, tiếp xúc với các sản phẩm có nguồn gốc từ động vật như lông, da, ăn phải thịt động vật đã bị nhiễm đậu mùa khỉ khi không được nấu chín, chạm vào những đồ dùng, vật dụng mà người bệnh đã từng sử dụng. Tiếp xúc với vết thương của người bệnh, tiếp xúc với giọt bắn đường hô hấp khi người bệnh ho hoặc hắt xì, tiếp xúc với máu hoặc dịch cơ thể của người mắc đậu mùa khỉ.
Bệnh đậu mùa khỉ có các biểu hiện như nóng, sốt, đau đầu, đau mỏi cơ, mệt mỏi, ớn rét và sưng hạch bạch huyết.
2. Những ai dễ mắc đậu mùa khỉ?
Bệnh đậu mùa khỉ có thể lây truyền từ động vật qua dịch cơ thể, bao gồm các giọt bắn lớn từ đường hô hấp hoặc tiếp xúc với dịch tiết từ vết thương,... vì vậy, đối tượng có nguy cơ mắc bệnh đậu mùa khi rất đa dạng, bao gồm nhóm đối tượng sau:
- Người sống cùng hoặc tiếp xúc gần (bao gồm quan hệ tình dục) với người bị mắc bệnh đậu mùa khỉ.
- Người tiếp xúc thường xuyên với động vật bị bệnh có nguy cơ cao nhất mắc bệnh. Nhân viên y tế cần thực hiện các biện pháp phòng chống nhiễm khuẩn để bảo vệ chính họ khi chăm sóc cho bệnh nhân mắc bệnh đậu mùa khỉ.
- Trẻ sơ sinh, trẻ em và người bị suy giảm miễn dịch có nguy cơ mắc triệu chứng nghiêm trọng hơn, và có thể tử vong do bệnh đậu mùa khỉ.
Các đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh nặng là trẻ em, đặc biệt là bệnh nhân dưới 8 tuổi; Phụ nữ có thai hoặc đang cho con bú. Những người có một hoặc nhiều biến chứng (ví dụ: nhiễm trùng da thứ phát do vi khuẩn; viêm dạ dày ruột với buồn nôn hoặc nôn dữ dội, tiêu chảy hoặc mất nước; viêm phế quản phổi; bệnh đồng nhiễm hoặc các bệnh đi kèm khác).
Bất cứ ai có tiếp xúc gần gũi với người có triệu chứng bệnh đậu mùa khỉ, hoặc với động vật nhiễm bệnh đều có nguy cơ nhiễm bệnh cao.
Người đã tiêm vắc xin ngừa đậu mùa có nhiều khả năng được bảo vệ trước bệnh đậu mùa khỉ. Tuy nhiên, người trẻ tuổi ít có khả năng đã được tiêm phòng bệnh đậu mùa vì tiêm chủng đậu mùa đã chấm dứt trên toàn thế giới sau khi bệnh này đã được thanh toán vào năm 1980. Người đã được tiêm phòng đậu mùa vẫn cần tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng bệnh để bảo vệ bản thân và người khác.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.