Bệnh đậu mùa khỉ có lây qua đường tình dục không?

Tổ chức Y tế Thế giới đã tuyên bố bệnh đậu mùa khỉ là tình trạng khẩn cấp toàn cầu, ở mức cảnh báo cao nhất. Căn bệnh này lây truyền qua tiếp xúc gần như hôn, sờ, chạm vào người nhiễm... Vì vậy nhiều người thắc mắc rằng bệnh đậu mùa khỉ có lây qua đường tình dục không?

1. Bệnh đậu mùa khỉ là gì?

Bệnh đậu mùa khỉ được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1958 trên khỉ. Đây là căn bệnh do virus có liên quan đến đậu mùa gây ra.

Ước tính có hàng nghìn ca mắc bệnh đậu mùa khỉ ở châu phi mỗi năm, chủ yếu tập trung ở Congo và Nigeria. Tại Việt Nam, ca bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên là ở thành phố Hồ Chí Minh.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), các vaccine đậu mùa có hiệu quả lên đến 85% với bệnh đậu mùa khỉ, tuy nhiên chiến dịch tiêm chủng đã ngừng hoạt động từ khi bệnh đậu mùa được loại trừ.

2. Bệnh đậu mùa khỉ có triệu chứng là gì?

Bệnh đậu mùa khỉ thường kéo dài 2 – 4 tuần. Hầu hết người mắc có thể phục khỏi bệnh sau vài tuần, tỷ lệ tử vong khi mắc bệnh chỉ 3-6%. Mặc dù vậy, có những trưởng hợp tử vong do bệnh, đặc biệt là người suy giảm miễn dịch, tiếp xúc lâu dài với virus.

Triệu chứng của bệnh là:

  • Sốt;
  • Đau đầu dữ dội;
  • Mệt mỏi, uể oải;
  • Ớn lạnh;
  • Đau mỏi cơ, đau lưng.
  • Nổi hạch ở mặt, mắt, miệng, lòng bàn chân, lòng bàn tay, cơ quan sinh dục, ...

Nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, bệnh đậu mùa khỉ có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm như:

  • Nhiễm trùng máu;
  • Viêm não;
  • Viêm phế quản phổi;
  • Nhiễm trùng giác mạc;
  • Mất thị lực.

3. Bệnh đậu mùa khỉ lây qua đường nào?

Bệnh đậu mùa khỉ là một căn bệnh truyền nhiễm, lây lan bằng nhiều hình thức khác nhau. Vì vậy, không ít người thắc mắc bệnh đậu mùa khỉ lây qua đường nào. Biết được những kiến thức này sẽ giúp mọi người có thể chủ động phòng ngừa bệnh, bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người xung quanh. 3 con đường lây truyền chính của bệnh đậu mùa khỉ là:

3.1. Lây từ người sang người

Bệnh đậu mùa khỉ lây từ người sang người khi tiếp xúc với vết thương, các nốt phát ban trên da hoặc niêm mạc của người bệnh.

Thêm vào đó, chúng ta cũng có nguy cơ mắc bệnh nếu tiếp xúc trực tiếp với dịch thể người mắc bệnh (nước bọt, máu, tinh dịch). Ngoài ra, phụ nữ mang thai mắc đậu mùa khỉ có thể lây bệnh cho con qua nhau thai.

3.2. Lây từ động vật sang người

Nguồn gốc chính gây bệnh đậu mùa khỉ trong tự nhiên được cho là có liên quan đến các loài động vật gặm nhấm ở châu phi như sóc, chuột cống, họ chuột sóc, ... Ngoài ra, khỉ và các loại động vật khác cũng có thể nhiễm bệnh và lây cho người thông qua vết cắn, xước trên da. Người có thể bị nhiễm bệnh đậu mùa khỉ nếu ăn thịt động vật nhiễm bệnh chưa được nấu chín.

3.3. Lây từ đồ vật mang virus đậu mùa khỉ

Nguy cơ mắc bệnh đậu mùa khỉ có thể xảy ra khi tiếp xúc với đồ dùng có chứa virus của người bệnh (khăn tắm, bàn chải đánh răng, dao cạo râu, quần áo, chăn màn, ...).

4. Bệnh đậu mùa khỉ có lây qua đường tình dục không?

Đậu mùa khỉ không phải là bệnh lây lan qua đường tình dục (STDs), tuy nhiên quan hệ tình dục có thể là yếu tố thuận lợi làm tăng nguy cơ mắc bệnh.

STDs là các bệnh có đường lây truyền chủ yếu qua quan hệ tình dục (bao gồm cả quan hệ tình dục đường miệng, hậu môn). Herpes sinh dục là STDs và có thể lây lan khi tiếp xúc với da, nhưng không phải là đường lây chính. Ngược lại, bệnh đậu mùa khỉ có nhiều con đường lây truyền, chủ yếu là qua tiếp xúc với tổn thương da của người bệnh, vật dụng trung gian như quần áo, bàn chải răng, ... Ngoài ra, virus có thể lây truyền khi tiếp xúc với chất tiết đường hô hấp như nước bọt, chất nhầy, ... Vì vậy, bệnh đậu mùa khỉ không được xem là bệnh lây truyền qua đường tính dục.

Hiện nay, chưa biết rõ được virus đậu mùa khỉ có lây qua tinh dịch, dịch âm đạo như STDs không. Tuy nhiên, hành vi quan hệ tình dục sẽ làm tăng sự tiếp xúc gần gũi và tăng nguy cơ lây qua đường tiếp xúc với da và chất tiết đường hô hấp.

5. Phòng ngừa bệnh đậu mùa khỉ

Hiện nay chưa có vaccine đặc hiệu giúp phòng ngừa bệnh đậu mùa khỉ. Tuy nhiên, tiêm vaccine đậu mùa có hiệu quả bảo vệ lên đến 85%. Ngoài ra, các biện pháp sau có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh:

  • Tránh tiếp xúc gần gũi, da kề da (ôm, hôn, quan hệ tình dục, ...) với người có triệu chứng của bệnh đậu mùa khỉ.
  • Người mắc bệnh đậu mùa khỉ được khuyến cáo sử dụng bao cao su trong 12 tuần sau khi khỏi bệnh cho tới khi biết thêm về khả năng lây nhiễm trong giai đoạn hồi phục.
  • Không tiếp xúc với các vết xước, phát ban trên da người bệnh.
  • Không dùng chung dụng cụ ăn uống, đồ dùng cá nhân (chăn mền, khăn tắm, quần áo, ...) với người bệnh.
  • Tránh tiếp xúc với động vật có nguy cơ nhiễm đậu mùa khỉ.
  • Ăn chín, uống sôi.
  • Rửa tay thường xuyên.

Hy vọng thông qua bài viết đã giúp bạn giải đáp được thắc mắc “bệnh đậu mùa khỉ lây qua đường nào?” hay “đậu mùa khỉ có lây qua đường tình dục hay không?”.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe