Dùng vacxin đậu mùa phòng bệnh đậu mùa khỉ được không?

Hiện nay, bệnh đậu mùa khỉ có nguồn gốc từ Tây và Trung Phi đang có nguy cơ bùng phát dịch tại nhiều quốc gia trên thế giới. Các nhà nghiên cứu vẫn đang tiếp tục tìm hiểu thêm để có những thông tin chi tiết hơn về căn bệnh này. Một trong những vấn đề đang được nhiều người quan tâm hiện nay là “Dùng vacxin đậu mùa phòng bệnh đậu mùa khỉ được không?”. Giải đáp câu trả lời đó qua bài viết dưới đây.

1. Cách phòng bệnh đậu mùa khỉ là gì?

Việc phòng ngừa bệnh đậu mùa khỉ vẫn luôn là quan trọng nhất bao gồm giảm sự tiếp xúc của con người với động vật bị nhiễm bệnh và hạn chế sự lây lan của virus từ người bệnh sang người lành. Cách tốt nhất để giúp ngăn ngừa sự lây lan của virus đậu mùa khỉ là:

  • Hạn chế tiếp xúc với động vật bị nhiễm bệnh hay nghi ngờ nhiễm bệnh (đặc biệt là động vật ốm hoặc chết).
  • Tránh tiếp xúc với bộ đồ dùng và các vật liệu khác bị nhiễm virus mà không có đồ phòng hộ cá nhân như găng tay, kính chắn, áo phòng hộ.
  • Không ăn đồ ăn tái. Nấu chín kỹ tất cả các loại thực phẩm đặc biệt là thịt hoặc các bộ phận của động vật.
  • Thường xuyên thực hiện rửa tay bằng nước và xà phòng. Tránh đưa tay lên những bộ phận như mắt, miệng, mũi.
  • Hạn chế tiếp xúc với những người có thể đã bị nhiễm virus.
  • Thực hành tình dục an toàn, đặc biệt là sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục đặc biệt là quan hệ đồng giới.
  • Luôn đeo khẩu trang che miệng và mũi ở nơi công cộng hoặc tập trung nhiều người.
  • Làm sạch và khử trùng các bề mặt vật dụng thường xuyên chạm vào để hạn chế sự phát triển của virus hay vi khuẩn.
  • Sử dụng thiết bị bảo vệ cá nhân (PPE) khi chăm sóc người bị nhiễm hoặc nghi ngờ bị nhiễm virus.

2. Một số thông tin về vacxin đậu mùa khỉ?

Việc tiêm phòng bệnh đậu mùa đã được chứng minh qua một số nghiên cứu quan sát được công bố là có hiệu quả trong việc ngăn ngừa bệnh đậu mùa ở khỉ lên đến khoảng 85%. Do đó, việc chủng ngừa đậu mùa có thể khiến cho các triệu chứng của bệnh phát triển nhẹ hơn. Vào thời điểm hiện tại, vắc-xin đậu mùa thuộc thế hệ đầu tiên không còn được cung cấp sử dụng cho người dân.

Chỉ có một số nhân viên y tế hoặc các tình nguyện viên đã được tiêm phòng một loại vắc-xin đậu mùa để bảo vệ họ trong trường hợp có tiếp xúc với virus orthopoxvirus tại nơi làm việc. Vào năm 2019, một loại vắc xin mới do Bavarian Nordic phát triển sản xuất để phòng ngừa cả bệnh đậu mùa và bệnh đậu mùa khỉ dựa trên một loại virus vắc-xin giảm độc lực đã được sửa đổi (chủng Ankara) ở khỉ đã được chấp thuận ở liên minh Châu Âu EU, Hoa Kỳ và Canada (dưới các tên thương mại Jynneos, Imvanex và Imvamune), nhưng nó vẫn chưa được sử dụng rộng rãi.

Hiện nay, có một loại thuốc kháng virus đường uống có tên Tecovirimat đã được Liên minh Châu Âu chấp thuận vào đầu năm 2022 để điều trị bệnh đậu mùa, bệnh đậu khỉ, bệnh đậu bò do thuốc có thể hạn chế sự lây lan của virus cũng như mức độ nghiêm trọng của những nhiễm trùng.

Với những ca bệnh nặng, Globulin miễn dịch ở người (Vaccinia Immune Globulin - VIG) được khuyến cáo sử dụng trong các ca bệnh nghiêm trọng. Một loại thuốc kháng virus đã được phát triển để điều trị bệnh đậu mùa (tecovirimat, có tên thương mại là TPOXX) cũng đã được phê duyệt để điều trị bệnh đậu mùa khỉ vào năm 2022.

3. Dùng vacxin đậu mùa phòng bệnh đậu mùa khỉ được không?

Bệnh đậu mùa khỉ là một căn bệnh nguy hiểm nếu không được điều trị đúng. Nó gây sốt, đau đầu, đau cơ, đau lưng, sưng hạch bạch huyết là đặc điểm nổi bật nhất và cũng là chẩn đoán phân biệt với các bệnh tương tự, kiệt sức, cảm giác khó chịu, và phát ban nghiêm trọng.

Thống kê của WHO, các nghiên cứu về bệnh đậu mùa khỉ ở vùng Trung Phi - nơi người dân sống trong những điều kiện còn thiếu thốn và không được phục vụ tốt về mặt y tế - cho thấy căn bệnh này đã giết chết 1 đến 10% số người bị nhiễm bệnh.

Theo trang web chính thức của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), những người đã được tiêm phòng vắc-xin đậu mùa sẽ có khả năng được bảo vệ chống lại bệnh đậu mùa khỉ.

Bởi vậy, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ kết hợp với Ủy ban Cố vấn về Thực hành tiêm chủng của Mỹ luôn khuyến nghị một số người nên tiêm phòng đậu mùa, nhất là những đối tượng có nguy cơ hay sống trong vùng có người bị nhiễm bệnh đậu mùa khỉ.

Tiến sĩ Michael Heal - thành viên cấp cao chuyên nghiên cứu về y tế toàn cầu tại Đại học Southampton (Anh), cho biết “virus đậu mùa khỉ có mã gen tương tự như mầm bệnh gây ra bệnh đậu mùa. Điều này đồng nghĩa với việc vắc xin đậu mùa – hiện được dự trữ tại nhiều quốc gia - có thể bảo vệ con người chống lại bệnh đậu mùa ở khỉ.

Theo phương tiện truyền thông kỹ thuật số hàng đầu về ngành công nghệ sinh học châu Âu Labiotech.eu “ Cách để kìm hãm sự bùng phát của dịch đậu mùa khỉ có thể là tiêm vắc-xin cho những người tiếp xúc gần với các trường hợp mắc bệnh.”

Thống kê của CDC Mỹ, một vài nghiên cứu đã chỉ ra rằng những người được tiêm phòng đậu mùa (loại vắc xin Varicella) đã có kháng thể trong máu ít nhất từ 10 đến 20 năm sau khi được chủng ngừa.

Một nghiên cứu trên lâm sàng cho thấy 1 liều vắc-xin thủy đậu có hiệu quả lên đến 97% trong năm đầu tiên sau khi được chủng và duy trì hiệu quả đến 86% trong năm thứ 2. Từ năm thứ 2 trở đi đến năm thứ 8 sau khi được tiêm chủng, hiệu quả vắc xin vẫn giữ mức ổn định ở mức 81 đến 86%. Hầu hết trẻ em được tiêm chủng nếu mắc bệnh thủy đậu trong 8 năm sau khi tiêm chủng đều có triệu chứng bệnh nhẹ.

Một thử nghiệm lâm sàng khác được công bố cho thấy trẻ được tiêm đủ 2 liều vắc-xin thủy đậu đã được bảo vệ 10 năm sau khi tiêm chủng. Con số rất ít người bị nhiễm bệnh sau khi tiêm đủ 2 liều so với 1 liều.

Để chủng ngừa đạt hiệu quả, CDC Mỹ khuyến cáo người chưa tiêm vắc-xin đậu mùa trong vòng 3 năm trở lại đây, nên cân nhắc việc tiêm lại. Việc tiêm vắc xin càng sớm càng có hiệu quả chống lại virus đậu mùa và cả virus đậu mùa khỉ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe