Răng số 6 là răng hàm lớn thứ nhất giữ vai trò quan trọng trong việc ăn nhai của con người. Mặc dù vậy khi có các vấn đề nghiêm trọng như sâu nặng, viêm tuỷ cấp hoặc áp-xe ổ xương răng thì vẫn có chỉ định nhổ răng số 6 điều trị. Vậy nhổ răng số 6 có mọc lại không?
1. Răng số 6 là răng gì?
Răng số 6 là loại răng cối có kích thước lớn nhất trên hàm răng của con người, đóng vai trò quan trọng trong việc ăn nhai hàng ngày. Gần như toàn bộ lực ăn nhai sẽ dồn vào răng này giúp chúng ta nghiền thức ăn trước khi đưa vào dạ dày.
Răng số 6 thường mọc trong giai đoạn từ 6-8 tuổi và chỉ mọc 1 lần duy nhất chứ không thay răng như các răng khác. Các đặc điểm nhận biết răng số 6 gồm có:
- Răng đầu tiên mọc vĩnh viễn trên cung hàm, không mọc thay thế bằng chiếc răng khác trong suốt cuộc đời
- Răng số 6 có chân và chân răng khá lớn, diện tích mặt nhai rộng
- Răng nằm khuất trên cung hàm khiến chúng khó được vệ sinh hơn so với các vị trí răng khác
- Tổ chức quanh răng bao gồm mạch máu, dây chằng, dây thần kinh nhiều hơn các răng khác
2. Các hệ lụy khi mất răng số 6
Vì có vai trò quan trọng trong hoạt động răng miệng nên khi răng số 6 gặp các vấn đề như viêm tuỷ, sâu răng nặng, mọc lệch lạc có thể gây ra các hệ luỵ như:
Ảnh hưởng đến chức năng ăn nhai:
- Là ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vì một khi răng số 6 mất đi chức năng thì răng số 7 phải đảm nhận việc nhai thức ăn hoàn toàn khiến cho thức ăn không được nghiền nát phù hợp với tiêu hoá.
- Làm giảm lực nhai do răng số 6 cùng răng số 4 là hai răng đảm bảo lực nhai của con người
- Lực nhai giảm xuống còn khiến thức ăn không được nghiền nát kỹ càng gây hạn chế trong quá trình hấp thu chất dinh dưỡng, khiến cho hệ tiêu hoá mắc phải một số vấn đề như đau dạ dày.
Gây xô lệch khuôn hàm:
- Răng số 6 là răng vĩnh viễn xuất hiện sớm nhất nên khi răng bị tổn thương có thể dẫn tới xô lệch răng trên khuôn hàm.
- Khi răng số 6 mất đi, hàm trên có xu hướng bị trồi xuống do không có phần trụ đỡ bên dưới
- Hoạt động phân bố lực ăn nhai cũng gặp nhiều khó khăn vì các răng phải đảm nhận công việc nghiền thức ăn mà răng số 6 bỏ lại gây ra các xô lệch không mong muốn.
Tiêu xương hàm, lão hoá sớm:
- Khi răng số 6 bị mất đi, lực nhai tại khu vực răng sẽ không còn gây ra tình trạng tiêu xương ở vùng này.
- Mặc dù không gây ra cảm giác đau đớn nhưng quá trình tiêu răng vẫn diễn ra sau khoảng 3 tháng mất răng.
- Một khi tình trạng này trở nên nặng hơn, các răng gần kề bị kéo tụt theo thì tình trạng tiêu xương mới biểu hiện rõ rệt
- Khi xương hàm bị tiêu biến khiến cho khuôn mặt mất cân đối, khu vực mất răng sẽ hóp vào, từ đó nhăn nheo và chảy xệ hơn gây cảm giác lão hoá nhanh.
Ảnh hướng tới các răng khác:
- Các răng khác cạnh răng số 6 cũng dễ bị viêm lợi, viêm nha chu khiến cơ hàm mỏi và có thể gây rối loạn khớp thái dương hàm
- Gây khó khăn cho quá trình vệ sinh răng miệng do thức ăn dễ dàng bám vào kẽ răng sâu
- Hôi miệng do vi khuẩn phát triển trong các kẽ răng.
3. Nhổ răng số 6 có mọc lại không?
Bệnh nhân khi gặp phải các vấn đề răng miệng liên quan đến răng số 6 cần phải can thiệp nhổ răng thường thắc mắc liệu răng hàm số 6 có mọc lại không. Tuy nhiên đáng tiếc là răng số 6 chỉ mọc 1 lần duy nhất và không có giai đoạn thay răng.
Do đó răng số 6 sẽ tồn tại suốt từ lúc mọc tới khi hỏng hoặc khi về già mà không mọc lại trong bất cứ hoàn cảnh nào.
4. Khi mất răng số 6 cần phải làm gì?
Rất may nhờ sự tiến bộ của lĩnh vực nha khoa mà khi mất răng số 6 người bệnh vẫn còn nhiều lựa chọn để thực hiện các phương pháp trồng răng phù hợp, vừa đảm bảo thẩm mỹ vừa tránh tác động tiêu cực của việc mất khả năng nhai. Hiện nay có 3 phương pháp phổ biến để phục hồi răng cấm như sau:
- Sử dụng răng giả: là phương pháp dùng răng giả tháo lắp trực tiếp vào hàm mỗi lần cần nhai tuy nhiên không được đánh giá cao do không có tính cố định, dễ di lệch và độ bền thấp.
- Bắc cầu răng sứ: là phương pháp mài các răng bên cạnh và gắn nhịp cầu răng sứ gồm 3 răng để cố định răng số 6 mới lên hai răng đã mài. Phương pháp này đảm bảo chức năng ăn nhai, thẩm mỹ nhưng vì không có chân răng nên về lâu dài dễ hư hỏng và không có khả năng ngăn chặn tiêu chân răng.
- Cấy ghép Implant: là phương pháp hiện đại tạo ra một cấu trúc răng mới tương tự như răng tự nhiên với cả chân răng giả được cấy ghép vào khung hàm giúp phục hình, tránh tiêu xương và đảm bảo chức năng ăn nhai.
Tóm lại, răng số 6 sẽ tồn tại suốt từ lúc mọc tới khi hỏng hoặc khi về già mà không mọc lại trong bất cứ hoàn cảnh nào. Vì vậy, bạn cần vệ sinh răng miệng đúng cách để hạn chế tình trạng sâu răng, viêm nha chu... ảnh hưởng đến sức khỏe răng miệng.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.