Nhổ răng đã lấy tủy có đau không?

Những trường hợp được bác sĩ chỉ định để lấy tủy răng thường là khi răng bị sứt mẻ, sâu,... khiến tủy răng bị viêm nhiễm và hoại tử. Bác sĩ thường sẽ hướng đến phương pháp bảo tồn răng, nhưng vẫn có một số trường hợp phải nhổ răng đã lấy tủy. Vậy khi nào cần nhổ răng đã lấy tủy? Nhổ răng đã lấy tủy có đau không? Bài viết dưới đây sẽ giải đáp chi tiết vấn đề này giúp bạn đọc.

1. Răng đã lấy tủy có cần nhổ không?

Đối với một số chiếc răng đã lấy tủy hay chết tủy thì việc bảo tồn răng thật vẫn cần phải được ưu tiên hàng đầu. Đây là một trong những nguyên tắc cơ bản trong nha khoa và đặc biệt quan trọng đối với sức khỏe răng miệng của mỗi người bệnh.

Răng sau khi đã lấy tủy thì hầu hết không còn có chức năng gì. Vì răng cũng đã mất đi nguồn sống nên sẽ dần yếu, dễ gãy nứt nên chỉ có thể tồn tại trong khoảng 1 năm. Thông thường, nếu răng đã chữa tủy, bác sĩ sẽ chỉ định trám hoặc bọc răng sứ để tăng tuổi thọ cho răng cũng như khôi phục chức năng ăn nhai. Vì vậy, đối với những trường hợp này thì không nên nhổ răng mà cần bảo tồn nhằm tránh các biến chứng về sau do mất răng gây ra.

Tuy nhiên, trong trường hợp răng đã lấy tủy bị áp xe, viêm hay răng lung lay sắp gãy rụng thì cần nhổ răng đã lấy tủy để bảo vệ nướu, lợi cũng như các tổ chức xung quanh răng. Điều này còn giúp ngăn ngừa tình trạng viêm nhiễm lan rộng gây nguy hại đến các răng khác trên cung hàm.

2. Nhổ răng đã lấy tủy có đau không?

Thông thường, răng sau khi đã lấy tủy thì vẫn còn đau. Nguyên nhân chủ yếu là do quá trình điều trị tủy chưa thực sự hiệu quả hoặc xuất phát từ những lý do sau:

  • Việc làm sạch tủy viêm chưa được triệt để, còn sót lại các mô tủy chết cùng ổ viêm nhiễm khiến bệnh bùng phát nhanh chóng, gây nên những cơn đau cho người bệnh;
  • Kỹ thuật trám bít ống tủy chưa cẩn thận, không sát khít, điều này làm cho vi khuẩn phát triển mạnh, ăn mòn và tấn công cấu trúc răng của bạn;
  • Tay nghề bác sĩ không cao, làm thủng sàn tủy hay chóp tủy, đây là một vị trí tiếp giáp với chân răng;

Vật liệu dùng để trám răng kém chất lượng, dễ dàng bị bong rụng trong quá trình ăn nhai. Từ đó sẽ tạo cơ hội cho axit cũng như vi khuẩn sinh sôi, phát triển và tấn công tủy răng, gây đau nhức.

3. Lưu ý sau khi nhổ răng đã lấy tủy

Việc nhổ răng đã lấy tủy có đau không cũng sẽ bị tác động nhất định bởi chế độ chăm sóc răng miệng của bạn. Do đó, sau khi nhổ răng đã chết tủy thì bạn cần lưu ý đến những vấn đề sau đây để quá trình hồi phục diễn ra nhanh chóng và an toàn hơn.

Chế độ ăn uống sau nhổ răng đã lấy tủy:

  • Bạn nên ăn các món ăn dễ nuốt, ít nhai mà vẫn đảm bảo đầy đủ chất dinh dưỡng như cháo, súp...;
  • Không nên ăn đồ cứng hoặc những đồ ăn chưa nấu kỹ vì nó sẽ tác động mạnh vào vùng mới nhổ răng gây ra tình trạng chảy máu và mỏi hàm;
  • Kiêng ăn các loại thức ăn quá nóng, quá lạnh, cay hay nhiều dầu mỡ;
  • Không nên nhai thức ăn tại vị trí nhổ răng vì nó có thể gây ra viêm nhiễm.

Vệ sinh răng miệng đúng cách sau nhổ răng:

  • Nên chải răng đều đặn mỗi ngày, động tác nhẹ nhàng và không tác động vào vị trí mới nhổ răng đã lấy tủy;
  • Tránh huyệt ổ răng tiếp xúc với những vật nhọn như tăm để giữ cho cục máu đông không bị vỡ ra hay chảy máu trở lại;
  • Súc miệng sạch sẽ hàng ngày để ngăn ngừa vi khuẩn phát triển trong ổ răng gây viêm nhiễm;

Kiểm tra răng miệng định kỳ 6 tháng một lần:

  • Kiểm tra răng miệng định kỳ sẽ giúp cho người bệnh phát hiện được những dấu hiệu bệnh lý, phòng và chữa trị kịp thời các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra sau khi nhổ răng đã lấy tủy.

Thông thường, sau khi nhổ răng đã lấy tủy từ 1-2 tuần thì vết nhổ sẽ lành lại và người bệnh có thể ăn uống hay sinh hoạt như bình thường. Tuy nhiên, trong các trường hợp vết nhổ lâu lành, thậm chí chảy máu liên tục nhiều ngày và không có dấu hiệu thuyên giảm thì là những biểu hiện bất thường mà bạn cần đặc biệt thận trọng. Hãy đến nha khoa ngay lập tức để được bác sĩ kiểm tra và xử trí kịp thời nhằm tránh các biến chứng không mong muốn.

Sau nhổ răng đã lấy tủy, bạn nên thực hiện trồng răng giả để phục hồi thẩm mỹ và chức năng ăn nhai. Với phương pháp trồng răng bằng cách cấy ghép Implant sẽ giúp ngăn chặn các biến chứng nguy hiểm do mất răng gây ra như xô lệch hàm, tiêu xương hàm, tụt lợi hay thậm chí là lão hóa sớm,...

4. Răng đã lấy tủy nên bọc sứ hay nhổ đi trồng răng mới?

Vấn đề răng đã lấy tủy nên bọc sứ hay trồng răng mới còn tùy thuộc vào mức độ và tình trạng bệnh lý như sau:

  • Bọc răng sứ trong trường hợp nhẹ: Nếu răng sau khi điều trị tủy được chăm sóc tốt, còn chân răng và khung răng khỏe mạnh thì có thể chọn phương pháp bọc răng sứ để phục hình. Điều kiện tốt nhất để tiến hành bọc răng sứ là mô răng thật phải còn lại nhiều, đủ khỏe cũng như chắc chắn để làm trụ đỡ cho mão sứ chụp lên.
  • Trồng răng sứ trong trường hợp biến chứng nặng: Răng đã lấy tủy bị sâu và vỡ lớn, để lâu không khắc phục thì sẽ dần bị vôi hóa, chân răng yếu và lung lay. Lúc này, mô răng thật gần như đã bị hoại tử, dù còn tồn tại trên cung hàm nhưng đã mất hoàn toàn sự sống, chức năng cũng như rất dễ bị lung lay, gãy rụng nên bắt buộc phải nhổ bỏ để trồng răng implant mới.

Cấy ghép implant sau khi nhổ răng đã lấy tủy là việc làm rất cần thiết để phòng tránh những biến chứng do mất răng gây nên, ví dụ như răng xô lệch, đau quai hàm, lệch mặt hay tiêu xương răng, hàm hô móm...

Trên đây là những thông tin giúp bạn giải đáp thắc mắc nhổ răng đã lấy tủy có đau không? Hy vọng những thông tin này là hữu ích cho bạn đọc trong việc chăm sóc và bảo vệ sức khỏe răng miệng về lâu dài.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe