Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Nguyễn Văn Dương - Bác sĩ Tim mạch can thiệp - Trung tâm Tim mạch - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.
Nhịp xoang nhanh là tình trạng nhịp tim của cơ thể đập nhanh hơn so với mức bình thường, có thể dẫn đến một số tình trạng bệnh lý tim mạch và bất thường ở những cơ quan khác. Để có thể phát hiện được nhịp xoang nhanh trên lâm sàng thì cần biết được nhịp xoang nhanh là gì cũng như nhịp xoang nhanh có mấy loại, từ đó có thể áp dụng được những biện pháp phòng tránh.
1. Nhịp xoang nhanh
Nút xoang được xem như là một cấu trúc ở tim với chức năng như một máy tạo nhịp tự nhiên của cơ thể, giúp tạo ra những xung điện và làm cho tim có thể bơm máu đi đến những cơ quan khác để nuôi dưỡng. Nhịp xoang ở một người bình thường và không có bất cứ bệnh lý nào nằm trong khoảng 60 – 100 nhịp/phút, tuy nhiên một số trường hợp bất thường và có những kích thích nhất định khiến nhịp tim tăng trên 100 nhịp/phút, thậm chí có thể là 200 nhịp/phút với trẻ em và 150 nhịp/phút với người già được gọi là nhịp xoang nhanh.
Khi có tình trạng nhịp xoang nhanh thì bệnh nhân có thể biểu hiện trên lâm sàng các triệu chứng như chóng mặt, khó thở, choáng váng, mệt mỏi, đánh trống ngực, run rẩy tay chân, táo bón hay tiểu són... Khi bệnh nhân bị nhịp xoang nhanh thì nhịp tim đập nhanh hơn so với bình thường, đặc biệt là vào buổi tối lúc đi ngủ,kèm theo khó thở do hình thành cục máu đông trong phổi, chóng mặt mệt mỏi do tình trạng thiếu máu cung cấp lên não bộ và một số triệu chứng khác như trên. Trên những bệnh nhân khác nhau thì nhịp xoang nhanh cũng sẽ biểu hiện khác nhau, có thể là rất dễ nhận thấy nhưng cũng có khi triệu chứng lâm sàng nghèo nàn và rất khó để phát hiện kịp thời, vì vậy cần phải theo dõi sát tình trạng sức khỏe để ngay khi có những biểu hiện nghi ngờ thì đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám, chẩn đoán và điều trị sớm nhất có thể, tránh những biến chứng không mong muốn sau này.
2. Nhịp xoang nhanh có mấy loại?
Trên lâm sàng có thể gặp 2 tình trạng nhịp xoang nhanh đó là nhịp xoang nhanh bình thường, hay nhịp xoang nhanh sinh lý và nhịp xoang nhanh bất thường, tức là nhịp xoang nhanh bệnh lý.
- Nhịp xoang nhanh sinh lý
Nhịp xoang nhanh sinh lý xảy ra khi con người luyện tập thể dục thể thao, có những cảm xúc giận dữ, căng thẳng lo âu trong cuộc sống... khiến nhịp tim đập nhanh hơn bình thường nhưng sẽ trở về trạng thái ban đầu rất nhanh mà không cần tác động điều trị. Một số tình trạng khác cũng gây nên nhịp xoang nhanh sinh lý đó là sốt, tác dụng phụ của thuốc, uống quá nhiều caffeine hoặc dùng quá nhiều nicotine hoặc các chất kích thích cũng làm tim đập nhanh đột ngột.
- Nhịp xoang nhanh bệnh lý
Nhịp xoang nhanh bệnh lý được định nghĩa là tình trạng nhịp xoang nhanh trong trường hợp bệnh nhân đang nghỉ ngơi và không thực hiện những hoạt động mạnh nhưng vẫn có triệu chứng tim đập mạnh khó thở. Một số dấu hiệu cho thấy bệnh nhân đang có một tình trạng nhịp xoang nhanh bệnh lý đó là khó thở, đau ngực, chóng mặt, ngất xỉu, đau đầu, cảm giác bồn chồn lo lắng... Nguyên nhân dẫn đến nhịp xoang nhanh bệnh lý rất đa dạng, có thể là những bất thường ở nút xoang như dẫn truyền thần kinh bất thường hoặc do nguyên nhân tổn thương những dây thần kinh tim. Một số bệnh lý có thể có tình trạng nhịp xoang nhanh đó là tăng huyết áp, bệnh lý liên quan đến mạch vành, hẹp hở các van tim, sẹo tim bẩm sinh...
3. Nhịp xoang nhanh có nguy hiểm không?
Nhịp xoang nhanh nếu không được phát hiện và điều trị sớm thì có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm cho cơ thể như đột quỵ hoặc suy tim. Đối với tình trạng nhịp xoang nhanh sinh lý thì chúng ta hoàn toàn có thể kiểm soát được bằng việc thay đổi lối sống, tránh việc quá căng thẳng và lo âu trong cuộc sống, hạn chế sử dụng những chất kích thích như trà, cà phê, thuốc lá, bia rượu, duy trì một chế độ dinh dưỡng có lợi cho hệ tuần hoàn, luyện tập thể dục thể thao đều đặn và cường độ phải phù hợp với tình trạng sức khỏe người bệnh.
Trên thực tế thì nhịp xoang nhanh bệnh lý rất khó để điều trị thành công vì nguyên nhân của bệnh lý này thường không được phát hiện một cách rõ ràng. Đối với những bệnh nhân khác nhau thì tình trạng nhịp xoang nhanh cũng sẽ khác nhau, có thể được chỉ định một số loại thuốc trị nhịp xoang nhanh như thuốc chẹn Beta giao cảm hoặc chẹn kênh Calci. Một số bệnh nhân nhịp nhanh có thể gặp phải tình trạng không đáp ứng với thuốc điều trị thì có thể được áp dụng phương pháp dùng sóng radio qua ống thông nhằm phá vỡ một số nhỏ mô tế bào tim gây nên tình trạng nhịp nhanh, từ đó có thể điều chỉnh tình trạng rối loạn nhịp tim trên bệnh nhân.
Nhịp xoang nhanh là một tình trạng rối loạn nhịp tim cần được phát hiện kịp thời, phân biệt được nhịp xoang nhanh sinh lý và bệnh lý, tìm chính xác nguyên nhân gây nhịp xoang nhanh thì mới có phương pháp điều trị hiệu quả nhất. Vì vậy, khi có bất cứ dấu hiệu nào bất thường thì bệnh nhân nên đến cơ sở y tế để được thăm khám và chẩn đoán một cách chính xác nhất.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.