Nhịp xoang nhanh là gì? Điều trị nhịp xoang nhanh như thế nào

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Quốc Việt - Bác sĩ Tim mạch can thiệp - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Nhịp xoang nhanh là tình trạng nút xoang ở tim bị kích thích khiến nhịp đập của tim nhanh hơn so với nhịp xoang ở trạng thái bình thường. Nhịp xoang nhanh có thể gây ra một số triệu chứng bệnh lý bất lợi cho hệ tuần hoàn như hồi hộp hoặc khó thở, vì vậy cần phải kiểm soát cũng như điều trị nhịp xoang nhanh kịp thời và đúng cách.

1. Nhịp xoang nhanh là gì?

Nhịp xoang được định nghĩa là nhịp đập sinh lý ở tim, diễn ra một cách tự nhiên và do hoạt động của nút xoang ở thành tâm nhĩ phải tạo nên. Đây là cấu trúc được ví như máy tạo nhịp tự nhiên của cơ thể người vì nó có thể phát tín hiệu điện đến những cơ tim khiến tim có thể thực hiện co hoặc bóp để tạo nên nhịp đập. Đối với người trưởng thành thì nhịp xoang bình thường có tần số là 60 – 100 lần/phút trong trạng thái nghỉ ngơi. Khi có bất cứ một bất thường hoặc một kích thích nào thì tần số có nhịp xoang có thể lớn hơn 100 lần/phút và được gọi là nhịp xoang nhanh, đây có thể là tình trạng sinh lý hoặc bệnh lý tùy trường hợp cụ thể.

Nguyên nhân của tình trạng nhịp xoang nhanh là do yếu tố sinh lý, yếu tố kích thích, những bệnh lý tại tim cũng như những bệnh lý ngoài tim khiến cho nút xoang bị kích thích dẫn đến tăng nhịp xoang quá mức bình thường. Ngoài ra, một số nguyên nhân khác cũng có thể dẫn đến nhịp xoang nhanh đó là hoạt động thể dục thể thao mạnh; nguyên nhân sinh lý như: lo lắng hoặc hưng phấn quá mức, trẻ em nhỏ tuổi, bệnh nhân là phụ nữ hoặc đang có thai, sử dụng một số loại thuốc khi corticoid, thuốc trị hen phế quản, các loại thuốc kháng viêm, hạ huyết áp, thuốc chống loạn nhịp tim hoặc những bệnh lý ngoài tim như nhiễm trùng, thiếu máu, tiêu chảy, hạ huyết áp, cường giáp, rối loạn điện giải... và bệnh lý tại tim như bệnh tim thiếu máu cục bộ, tim bẩm sinh... cũng dẫn đến nhịp xoang nhanh.


Nhịp xoang nhanh (Nhịp tim 150 bpm. Sóng P ẩn bên trong mỗi sóng T trước)
Nhịp xoang nhanh (Nhịp tim 150 bpm. Sóng P ẩn bên trong mỗi sóng T trước)

Một số biểu hiện lâm sàng của nhịp xoang nhanh như sau:

  • Tim đập nhanh đột ngột
  • Tim đập mạnh khó thở
  • Mệt mỏi, lo lắng, cơ thể bồn chồn bứt rứt
  • Hồi hộp, đánh trống ngực, đau tức ngực
  • Chóng mặt, hoa mắt, choáng váng
  • Run tay
  • Choáng và ngất xỉu

Nếu bệnh nhân xuất hiện những triệu chứng kể trên thì sẽ nghi ngờ có một tình trạng nhịp xoang nhanh đang xảy ra trong cơ thể và cần được điều trị kịp thời, đặc biệt là với những bệnh nhân đã mắc một số bệnh mạn tính như bệnh lý tim mạch, cường giáp, COPD, thiếu cơ tim cục bộ, rối loạn thần kinh thực vật... thì càng dễ gặp phải nhiều biến chứng nguy hiểm hơn.

2. Điều trị nhịp xoang nhanh

Phương pháp điều trị nhịp xoang nhanh thông thường là điều trị các nguyên nhân hoặc thay đổi lối sống, hạn chế các chất kích thích làm tim đập nhanh, ít khi cần thiết phải điều trị thuốc hoặc can thiệp (máy tạo nhịp tim).

Một số thuốc trị nhịp xoang nhanh đó là chống trị loạn nhịp tim như: nhóm thuốc chẹn Beta, nhóm thuốc chẹn Calci, Ivabradine và Amiodarone. Trên lâm sàng, thuốc hay được sử dụng nhiều nhất trong trường hợp này là thuốc chẹn Beta nhằm mục đích làm giãn mạch máu cũng như ức chế sự hình thành nên những hợp chất khiến nhịp tim nhanh hơn, loại thuốc này cũng góp phần khiến bệnh nhân thuyên giảm căng thẳng, lo âu và cân bằng cảm xúc. Đối với thuốc Ivabradine thì thường được chỉ định cho những bệnh nhân nhịp xoang nhanh chưa tìm ra nguyên nhân. Nguyên tắc quan trọng khi sử dụng thuốc trị nhịp xoang nhanh đó là cần tuân thủ đúng chỉ định của bác sĩ, không được ngừng dùng thuốc một cách đột ngột vì nó có thể khiến cho tình trạng nhịp tim nhanh trở nên nghiêm trọng hơn. Sau liệu trình sử dụng thuốc nhưng bệnh nhân vẫn không có chiều hướng thuyên giảm bệnh thì các bác sĩ có thể chỉ định đốt điện tim và đặt máy tạo nhịp nhân tạo sau đó.


Một số loại thuốc được chỉ định điều trị nhịp xoang nhanh
Một số loại thuốc được chỉ định điều trị nhịp xoang nhanh

Bên cạnh đó những phương pháp điều trị nhịp xoang nhanh hiệu quả và có thể thực hiện ngay tại nhà đó là thay đổi lối sống của chính bản thân bệnh nhân bằng những cách sau đây:

  • Hạn chế sử dụng những thực phẩm có chứa chất kích thích như Caffeine, rượu bia, thuốc lá.
  • Duy trì một chế độ dinh dưỡng có chứa những chất tốt cho hệ tim mạch của bệnh nhân như chất xơ (rau xanh, trái cây...), omega 3 (cá, đậu nành, đậu phộng, hạt óc chó, hạt hạnh nhân...), chất điện giải (chuối, cải bó xôi, bí đỏ, trứng, sữa tách béo...). Bệnh nhân cần hạn chế đến mức tối đa những loại thịt có màu đỏ cũng như những thức ăn, thức uống chứa nhiều đường vì sẽ làm tăng khả năng nhịp xoang nhanh.
  • Bệnh nhân cần có một chế độ luyện tập thể dục thể thao vừa sức và hợp lý với khả năng của cơ thể, tránh trường hợp tập luyện quá mạnh làm nhịp tim nhanh. Bệnh nhân có thể tập luyện bằng những động tác nhẹ nhàng trước, sau đó tăng dần lên phù hợp với khả năng của bản thân.
  • Một cách khác có thể kiểm soát tình trạng nhịp xoang nhanh đó là dùng các loại thảo dược để trị bệnh. Khổ sâm là một trong những loại thuốc thảo dược có tác dụng làm giảm triệu chứng của nhịp xoang nhanh vì trong thành phần có chứa một số hoạt chất như Matrine, Oxymatrine, Kurarinone hay Sophocarpine có tác dụng điều hòa điện giải, ức chế sản xuất những chất kích thích nhịp tim đập nhanh, làm thư giãn những mạch máu trong cơ thể và ức chế sự giải phóng hormone gây ra căng thẳng và lo âu ở bệnh nhân.

Nhịp xoang nhanh tuy không phải là một bệnh lý gây mối nguy hiểm trực tiếp cho con người nhưng nếu không phát hiện sớm thì cũng có thể gây nên những biến chứng nghiêm trọng cho hệ tim mạch cũng như một số hệ cơ quan khác trong cơ thể. Vì vậy, khi có bất cứ dấu hiệu nào của nhịp xoang nhanh thì người bệnh cần đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám, chẩn đoán và điều trị nhịp xoang nhanh đúng cách.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe