Nhiệt miệng là tình trạng nổi những vết loét ở niêm mạc miệng, gặp phổ biến trên lâm sàng. Nhiệt miệng có thể kích thước to hay nhỏ, xuất hiện trong thời gian ngắn hoặc kéo dài nhiều ngày. Vậy, hay bị nhiệt miệng là dấu hiệu của bệnh gì và nhiệt miệng có gây ra những nguy hiểm cho cơ thể hay không?
1. Người hay bị nhiệt miệng là bệnh gì?
Nhiệt miệng là tình trạng nổi những vết loét quanh vòm miệng, có màu trắng, trắng sữa, hình dạng thường là hình tròn hay hình oval, có thể nông hoặc sâu tùy bệnh cảnh lâm sàng khác nhau. Nhiệt miệng thường gây cho người bệnh cảm giác đau, khó chịu tại vị trí bị loét. Một số trường hợp bệnh nhân còn có thể bị sốt, nổi một số hạch hoặc thậm chí gặp những rối loạn về tiêu hóa.
Theo quan điểm Tây y, một số nghiên cứu cho thấy rằng nhiệt miệng xảy ra do các nguyên nhân:
- Cơ thể đang thiếu hụt một số loại vitamin cần thiết nên biểu hiện lâm sàng thành những vết loét niêm mạc miệng. Các loại vitamin thiếu hụt có thể là vitamin B6, vitamin B2, vitamin C, kẽm và Acid folic.
- Tình trạng rối loạn nội tiết ở phụ nữ đang trong thời gian mang bầu hoặc đang ở chu kỳ kinh nguyệt.
- Căng thẳng trong công việc, cuộc sống cũng có thể dẫn đến nhiệt miệng.
- Những thói quen khác trong việc chăm sóc răng miệng như việc đánh răng mạnh làm tổn thương niêm mạc miệng, ăn uống quá nhanh hoặc vô tình cắn vào má trong, môi hay lưỡi cũng để lại những tổn thương trong vòm miệng.
- Những va chạm về mặt cơ học từ các dụng cụ chỉnh hình nha khoa như răng giả và mắc cài niềng răng có những bề mặt cứng, góc cạnh, sắc bén cũng có thể gây tổn thương niêm mạc miệng.
- Răng bị mẻ trong số ít trường hợp, răng mọc lệch hay thức ăn quá cứng và thô ráp cũng gây trầy xước niêm mạc miệng. Những vết thương này cùng với vi khuẩn vùng răng miệng cũng sẽ là nguyên nhân gây ra những vết loét nhiệt miệng.
- Bệnh lý rối loạn tiêu hóa vừa là nguyên nhân, vừa là biến chứng của nhiệt miệng.
- Có những loại kem đánh răng, nước súc miệng có thành phần sodium lauryl sulfate cũng gây ra những phản ứng hóa học làm kích ứng niêm mạc miệng tạo thành vết loét.
- Các nhóm trái cây chứa axit như dâu tây, bưởi, cam, dứa... cũng khiến những vết loét hình thành.
Mặt khác, theo quan điểm Đông y, tình trạng nhiệt miệng diễn ra là một nhắc nhở rằng cơ thể đang bị quá tải, có nhiều độc tố ở gan, mật, tụy và thận. Nguyên nhân này đến từ thói quen ăn uống nhiều dầu mỡ, đồ cay, đồ nóng, ít chất xơ từ rau xanh, uống nhiều thức uống chứa cafein.
Một số ít trường hợp khác bị nhiệt miệng là do những bệnh lý liên quan đến hệ miễn dịch khác như HIV/AIDS, rối loạn cơ thể tự miễn Celiac, bệnh lý Behcet hoặc bệnh lý tiêu hóa như viêm đường ruột, viêm loét đại tràng, trào ngược dạ dày thực quản.
2. Nhiệt miệng có gây nguy hiểm không?
Nhiệt miệng tái phát không phải là bệnh lý quá nguy hiểm và có thể tự điều trị tại nhà. Thông thường, bệnh sẽ tự khỏi sau khoảng vài ngày, hoặc có khi kéo dài đến 2 tuần. Cách điều trị tại nhà đó là vệ sinh răng miệng sạch sẽ mỗi ngày với nước muối sinh lý để sát trùng ổ loét. Ngoài ra, thường xuyên bổ sung các men vi sinh có lợi từ sữa chua để loại bỏ vi khuẩn răng miệng và giúp quá trình lành vết loét diễn ra nhanh hơn. Trong thời gian bị nhiệt miệng, người bệnh cần tránh những thức ăn cay, nóng, đồ uống có chứa cafein mà cần tăng cường rau xanh trong chế độ ăn hàng ngày.
Bệnh lý ung thư miệng cũng có biểu hiện là những vết loét niêm mạc miệng, tuy nhiên thời gian vết loét tồn tại thường rất lâu ngay cả khi những nguyên nhân gây ra nhiệt miệng đã không còn. Một số đặc điểm cần lưu ý đối với những vết loét niêm mạc miệng do ung thư gây ra đó là:
- Vết loét thường không gây ra cảm giác đau trừ khi có bội nhiễm xảy ra.
- Người bệnh có yếu tố nguy cơ là thường xuyên uống rượu bia, hút thuốc lá.
- Vết loét có thể có kích thước rất lớn một cách bất thường
- Có kèm theo sốt cao
- Thời gian vết loét tồn tại ở vòm miệng trên 3 tuần.
- Vết loét niêm mạc miệng tái phát nhiều lần dù đã điều trị và có biện pháp phòng ngừa đúng cách.
Nhiệt miệng thông thường chỉ là biểu hiện của sự viêm nhiễm nhẹ vùng răng miệng, có thể tự khỏi và điều trị tại nhà. Tuy nhiên, trong một số trường hợp nếu bệnh có những yếu tố bất thường kèm theo thì cần đến cơ sở y tế để loại trừ nguyên nhân ung thư miệng.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.