Nhiễm trùng là một trong những bệnh lý gây tử vong cao ở trẻ sơ sinh, nó chỉ đứng thứ hai sau hội chứng suy hô hấp. Bài viết sau đây sẽ trình bày về đặc điểm, cách nhận biết và phương thức điều trị bệnh nhiễm trùng sơ sinh
1.Nhiễm trùng sơ sinh là gì?
Trẻ sơ sinh được tính là những trẻ từ lúc sinh ra cho tới dưới 28 ngày tuổi, ở giai đoạn này trẻ có hệ miễn dịch chưa hoàn thiện nên rất dễ bị các vi khuẩn, virus xâm nhập gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ hoặc có thể gây tử vong.
Nhiễm trùng sơ sinh được chia thành 2 nhóm là nhiễm trùng sơ sinh sớm và nhiễm trùng sơ sinh muôn. Trong đó:
- Nhiễm trùng sơ sinh sớm là những ca trẻ bị nhiễm trùng trong vòng 72 giờ sau sinh.
- Nhiễm trùng sơ sinh muộn xảy ra từ ngày ngày thứ 5 sau khi trẻ được sinh ra.
Ở loại nhiễm trùng sơ sinh sớm thì số lượng các ca nhiễm trùng máu thường rất phổ biến.
Nhiễm trùng sơ sinh có thể bị mắc phải khi trẻ nằm trong tử cung qua bánh rau, màng ối, đường sinh sản khi chuyển dạ đẻ hoặc từ các nguồn bên ngoài sau sinh.
2. Nguyên nhân gây ra nhiễm trùng sơ sinh
Trẻ sơ sinh có thể bị nhiễm vi khuẩn hoặc virus ở các thời điểm như trong bào thai, lúc sinh, hoặc sau khi sinh ra. Đa số trẻ bị nhiễm vi khuẩn là do trẻ hít hoặc nuốt phải vi khuẩn sống trong đường sinh dục của mẹ trong lúc sinh nên vi khuẩn hoặc virus đi vào phổi hoặc vào máu của trẻ.
Ngoài ra, trẻ sơ sinh có thể bị nhiễm virus như Herpes hay thủy đậu. Các loại Virus này có thể đi vào máu của trẻ sơ sinh ngay cả khi trẻ còn ở trong bụng mẹ bị nhiễm virus, hoặc nhiễm sau sinh nếu tiếp xúc với người mắc bệnh. Nguy cơ mắc nhiễm trùng trong tử cung và nhiễm trùng sau khi sinh có tỉ lệ nghịch với tuổi thai.
3. Dấu hiệu nhận biết nhiễm trùng sơ sinh
Một số dấu hiệu nhận biết trẻ bị nhiễm trùng sơ sinh bao gồm:
- Cơ thể trẻ có biểu hiện xanh tím, trẻ thở nhanh, thở rên, bị rối loạn nhịp thở. Đặc biệt nếu trẻ có dấu hiệu ngừng thở đột ngột từng cơn trên 15 giây thì đó là dấu hiệu rất nguy hiểm.
- Trẻ bị trướng bụng, bỏ bú, bú kém, ứ dịch dạ dày, tiêu chảy,...
- Trẻ có nhịp tim đập nhanh trên 160 lần/ phút, lạnh đầu chi, hạ huyết áp,...
- Trẻ bị tăng hoặc giảm trương lực cơ, co giật, giảm phản xạ, tinh thần lơ mơ, dễ bị kích động hoặc hôn mê.
- Trẻ có thể gặp tình trạng rối loạn điều hòa thân nhiệt.
- Da trẻ có thể bị xuất huyết dưới da, da tái, phát ban, vàng da sớm, nổi nốt mủ, cứng bì, nổi vân tím,... Da môi nhợt nhạt hoặc tím quanh môi.
- Trẻ có tình trạng tụ máu dưới da, xuất huyết nhiều, tử ban, gan lách to,...
- Trẻ ngủ nhiều hơn bình thường hoặc trẻ quấy khóc nhiều...
- Trẻ bị sưng mắt hoặc mắt chảy ghèn vàng.
Đánh giá lâm sàng là bước đầu tiên để chẩn đoán trẻ bị nhiễm trùng sơ sinh. Sau đó, nhân viên y tế sẽ thực hiện các đánh giá sâu hơn để xác định bệnh như thực hiện xét nghiệm máu hoặc nước tiểu, chụp Xquang, siêu âm hoặc tiến hành chọc dò tủy sống.
4. Điều trị nhiễm trùng sơ sinh
Điều trị tình trạng nhiễm trùng sơ sinh tùy thuộc vào tình trạng bệnh của trẻ. Đa số các ca nhiễm trùng sơ sinh cần được điều trị bằng kháng sinh. Đối với những trẻ bị nhiễm trùng sơ sinh sớm thì thường được điều trị bằng các loại kháng sinh Aminosid và Beta Lactamin. Nếu trẻ bị nhiễm trùng do vi khuẩn nguy hiểm hơn hoặc không đáp ứng với phác đồ điều trị thì bác sĩ sẽ xem xét phác đồ điều trị với kháng sinh mạnh hơn.
Lựa chọn kháng sinh để điều trị các ca nhiễm khuẩn sơ sinh phải dựa trên kết quả nuôi cấy vi khuẩn và kháng sinh đồ. Thông thường là kết hợp của các loại kháng sinh ampicillin và gentamincin hoặc ampicillin và vcefotaxim.
Thời gian sử dụng kháng sinh trong điều trị nhiễm trùng sơ sinh sớm còn tùy thuộc vào từng loại bệnh, trong đó nhiễm trùng huyết là phổ biến với phác đồ điều trị trong 10 ngày.
Liều dùng kháng sinh ở trẻ sơ sinh thường cao hơn so với người lớn vì dịch ngoại bào trong cơ thể trẻ chiếm đến 45% tổng trọng lượng cơ thể. Sự thiếu hụt hoặc giảm chức năng enzyme ở trẻ sơ sinh có thể làm kéo dài thời gian bán hủy của một số loại kháng sinh và tăng nguy cơ nhiễm độc.
Nếu tình trạng nhiễm trùng sơ sinh không quá nặng thì bác sĩ có thể cho trẻ sẽ được nằm chung với mẹ và chích thuốc hằng ngày. Nếu trẻ không bú được hoặc bú kém, hoặc cần phải thở oxy thì sẽ được điều trị ở phòng chăm sóc sơ sinh đặc biệt.
Trẻ khi điều trị nhiễm trùng sơ sinh sớm sẽ được nằm phòng riêng ngăn ngừa nhiễm trùng tiến triển, hạn chế tiếp xúc với người nhà và được theo dõi điều trị đặc biệt.
Tùy vào triệu chứng và biến chứng mà trẻ bị nhiễm trùng sơ sinh sớm gặp phải, nhân viên y tế sẽ thực hiện các biện pháp điều trị để làm giảm các triệu chứng của bệnh như thực hiện thay máu, điều trị chống rối loạn đông máu, chống suy hô hấp cấp, cân bằng nước, nhiệt, điện giải, toan kiềm và sử dụng thuốc tăng cường miễn dịch.
5. Phòng ngừa nhiễm trùng sơ sinh
Các biện pháp phòng ngừa nhiễm trùng sơ sinh sớm cần được chủ động thực hiện trước khi sinh bao gồm:
- Tiêm đầy đủ các mũi tiêm phòng bệnh uốn ván, viêm gan, tiêm phòng Rubella.
- Cần thực hiện khám thai định kỳ trước và trong khi mang thai.
- Tiến hành điều trị tận gốc các bệnh nhiễm trùng toàn thân, nhiễm trùng niệu dục khi có bệnh.
- Đảm bảo chế độ dinh dưỡng an toàn khi mang thai.
- Chú ý vệ sinh thân thể tốt, hạn chế vận động mạnh để tránh trầy xước, viêm nhiễm khi mang thai.
Chủ động phòng ngừa nhiễm trùng sơ sinh sớm trong lúc sinh bằng cách
- Đảm bảo vô khuẩn trong khi sinh với tất cả dụng cụ y tế, nước, khăn.
- Không thăm khám âm đạo nhiều lần với các sản phụ sinh khó, bị vỡ ối sớm hoặc chuyển dạ trong thời gian dài, tránh các biến chứng sản khoa cho trẻ sơ sinh như sinh ngạt, tổn thương vùng đầu, thân trong lúc sinh.
Phòng ngừa nhiễm trùng sơ sinh sớm sau sinh bằng cách:
- Thực hiện vệ sinh phòng ốc, chăn màn, đồ dùng cho trẻ sạch sẽ, sát khuẩn để hạn chế sự phát triển của vi khuẩn gây hại.
- Vệ sinh da, mắt, tai, rốn cho trẻ sau sinh sạch sẽ.
- Giữ phòng ngủ cho bé thông thoáng, đầy đủ ánh sáng và sạch sẽ để hạn chế sự phát triển của vi trùng.
- Người chăm sóc cần vệ sinh tay sạch sẽ, sát khuẩn trước và sau khi chăm sóc trẻ.
Tóm lại, nhiễm trùng sơ sinh là bệnh lý có tỉ lệ tử vong cao nhưng có thể chữa trị được nếu được phát hiện và điều trị bệnh sớm. Phụ huynh nên chủ động tìm hiểu đầy đủ kiến thức cũng như các dấu hiệu nhận biết bệnh để phòng ngừa và phát hiện sớm các dấu hiệu bệnh.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.