Nhiễm trùng đường mật: Những điều cần biết

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Đơn nguyên Nội Tiêu hóa – Nội soi, Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.

Nhiễm trùng đường mật hay viêm đường mật thường gây ra bởi vi khuẩn và có biểu hiện rất đa dạng. Các biến chứng nhiễm trùng đường mật như nhiễm trùng máu, áp xe đường mật, ung thư đường mật đều có nguy cơ gây tử vong nếu không được điều trị kịp thời.

1. Thế nào là nhiễm trùng đường mật?

Đường mật là hệ thống đường ống có chức năng dẫn mật được sản xuất tại gan xuống ruột non để tiêu hóa thức ăn. Khi chưa có hoạt động tiêu hóa, mật được dự trữ trong túi mật, khi nào cần tiêu hóa thức ăn thì mật mới từ túi mật đi qua đường mật để xuống ruột non.

Nhiễm trùng đường mật là tình trạng nhiễm khuẩn đường mật trong hoặc ngoài gan. Nhiễm trùng có thể xảy ra tại túi mật, ống mật chủ và đường mật trong gan.

2. Nguyên nhân gây nhiễm trùng đường mật

Vi khuẩn là nguyên nhân hàng đầu gây viêm đường mật, các loại vi khuẩn gây viêm đường mật chủ yếu là các vi khuẩn sống trong đường ruột như E. Coli, Klebsiella, Streptococcus faecalis, Pseudomonas aeruginosa, đây là các tác nhân gây nhiễm trùng đường mật hàng đầu ở khắp nơi.

Ở nước ta, nguyên nhân gây nhiễm khuẩn đường mật chủ yếu là do các ký sinh trùng giun hoặc sán vô tình đi nhầm vào đường mật kết hợp với các vi khuẩn khác gây nên nhiễm trùng nghiêm trọng.

Ngoài ra, khi đường di chuyển của dịch mật bị tắc nghẽn cũng dẫn đến tình trạng nhiễm trùng. Các nguyên nhân gây tắc nghẽn bao gồm: sỏi mật, giun chui ống mật, u đường mật, u đầu tụy, u bóng Vater, chít hẹp cơ Oddi,...Dị dạng đường mật cũng là một nguyên nhân gây nhiễm trùng đường mật


Vi khuẩn E.coli là nguyên nhân gây viêm đường mật
Vi khuẩn E.coli là nguyên nhân gây viêm đường mật

3. Nhóm đối tượng có nguy cơ nhiễm trùng đường mật

Những người sống ở nông thôn, thói quen ăn uống không hợp vệ sinh, không ăn chín uống sôi , đặc biệt là không chú ý tẩy giun định kỳ dễ nhiễm các ký sinh trùng như giun sán, gây viêm đường mật.

  • Nhiễm trùng đường mật ở trẻ em có nguy cơ cao vì sức đề kháng của trẻ em yếu hơn, dễ dàng tạo điều kiện cho các vi khuẩn đường ruột phát triển, tỷ lệ nữ mắc bệnh nhiều gấp 2,4 lần nam giới.
  • Bệnh nhân có tiền sử các bệnh như béo phì, tăng mỡ máu có nguy cơ hình thành sỏi mật, người bị ung thư di căn hình thành các khối u ở đường mật đều có nguy cơ nhiễm trùng đường mật.

Trẻ em là đối tượng dễ bị nhiễm trùng đường mật
Trẻ em là đối tượng dễ bị nhiễm trùng đường mật

4. Chẩn đoán nhiễm trùng đường mật

Nhiễm trùng đường mật có những triệu chứng điển hình sau mà người bệnh cần chú ý để chữa trị kịp thời:

  • Bệnh nhân thường sốt cao từ 39-40 độ, sốt liên tục và kéo dài, có triệu chứng rét run và vã mồ hôi
  • Hạ sườn bên phải đau âm ỉ rồi lan ra sau lưng hoặc vai phải, rối loạn tiêu hóa, chán ăn
  • Vàng da do dịch mật ứ lại khiến sắc tố mật bilirubin thấm vào máu
  • Ngoài các triệu chứng điển hình trên, viêm đường mật còn có một số triệu chứng không điển hình như: Nhiễm trùng huyết, suy thận, chảy máu hoặc áp-xe đường mật

Các chẩn đoán cận lâm sàng trong nhiễm trùng đường mật bao gồm xét nghiệm máu, công thức máu, sinh hóa máu, cấy máu để kiểm tra nhiễm trùng huyết. Các chẩn đoán hình ảnh cũng giúp đánh giá sự thay đổi của hình thái đường mật bao gồm siêu âm đường mật, chụp đường mật nội soi ngược dòng, chụp CT hoặc MRI đường mật.


Vàng da là triệu chứng phổ biến của bệnh
Vàng da là triệu chứng phổ biến của bệnh

5. Các biến chứng của nhiễm trùng đường mật

Nhiễm trùng đường mật nếu không phát hiện sớm sẽ dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm:

  • Chảy máu đường mật: Hình thành cục máu đông gây tắc nghẽn đường mật, chảy nhiều máu và có thể dẫn đến tử vong
  • Nhiễm khuẩn máu: Đây là biến chứng nguy hiểm nhất tỉ lệ tử vong là 10%.
  • Áp xe đường mật: Vi khuẩn xâm chiếm và tạo mủ và hình thành ổ áp xe nhỏ, sốt cao, gan to và đau.
  • Viêm gan: Dịch mật ứ đọng tạo thành các tổn thương cho gan gây vàng da, rối loạn tiêu hóa, chảy máu cam...
  • Ung thư đường mật: Biến chứng này khá hiếm gặp

Ngoài các biến chứng trên, một số biến chứng khác cũng xuất hiện trong viêm đường mật là viêm phúc mạc mật, hẹp đường mật, viêm tụy, suy thận...


Nhiễm trùng đường mật có thể gây viêm gan
Nhiễm trùng đường mật có thể gây viêm gan

6. Điều trị và chăm sóc bệnh nhân nhiễm trùng đường mật

Nguyên tắc điều trị nhiễm trùng đường mật bao gồm chống nhiễm khuẩn, dẫn lưu đường mật khi có tắc nghẽn và phẫu thuật giải quyết tắc nghẽn.

  • Sử dụng các kháng sinh trong 10-14 ngày, tốt nhất nên cấy máu nếu có vi khuẩn nên dùng kháng sinh đồ, điều trị chống sốc nhiễm khuẩn và các triệu chứng như giảm đau, hạ sốt
  • Dẫn lưu đường mật: Dùng phương pháp nội soi mật tụy ngược dòng để loại bỏ các tắc nghẽn như sỏi , giun... đặt stent đường mật
  • Điều trị phẫu thuật: Nhiễm trùng đường mật do sỏi, giun bác sĩ có thể lựa chọn phương pháp phẫu thuật để loại bỏ. Các dị dạng đường mật bẩm sinh gây chít hẹp cũng được chỉ định đặt stent để giải phóng dòng chảy.
  • Chăm sóc bệnh nhân nhiễm trùng đường mật: Bệnh nhân cần được nghỉ ngơi tuyệt đối trên giường, trấn an bệnh nhân, nếu bệnh nhân không ngủ được do đau thì cho uống thuốc ngủ theo y lệnh, chăm sóc vệ sinh cá nhân, ăn đồ dễ tiêu và uống nhiều nước, chườm đá vùng đường mật nếu bệnh nhân đau.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe