Nhiễm khuẩn bệnh viện (NKBV) đang là thách thức của ngành y tế toàn cầu. Đây là những nhiễm khuẩn mắc phải trong thời gian người bệnh nằm viện, gây nên những hậu quả như kéo dài thời gian nằm viện, tăng chi phí điều trị, tăng nguy cơ tử vong cho người bệnh. NKBV cũng vừa là hậu quả vừa là nguyên nhân gia tăng các chủng vi khuẩn kháng thuốc.
90% các NKBV lây truyền qua tiếp xúc
Theo GS TS Đỗ Tất Cường, Tổng Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec (Tập đoàn Vingroup) thì “ NKBV chính là nhiễm khuẩn liên quan đến chăm sóc y tế (health care-associated infection). 90% các NKBV lây truyền theo con đường tiếp xúc và bàn tay rất dễ trở thành phương tiện trung gian lây truyền các tác nhân gây bệnh dẫn đến nhiễm khuẩn môi trường bệnh viện, dụng cụ y tế, thức ăn, nguồn nước... Các nhiễm khuẩn thường gặp là nhiễm trùng vết mổ, nhiễm trùng huyết, nhiễm trùng phổi, nhiễm trùng đường tiểu, nhiễm trùng da, tiêu hóa, du khuẩn huyết, nhiễm trùng catheter... ”
Do đó, việc vệ sinh bàn tay cũng như hiệu quả của việc rửa tay trong môi trường bệnh viện đã và đang là một trong những vấn đề rất được chú trọng của ngành Y tế toàn cầu. Thực tế cho thấy, từ năm 1975 đến năm 2010 đã có ít nhất 30 nghiên cứu khoa học chứng minh hiệu quả của việc rửa tay làm giảm NKBV, giảm nguy cơ lây chéo bệnh tật, giảm chi phí của người bệnh nói riêng cũng như giảm chi phí cho y tế của cộng đồng nói chung.
Đó cũng chính là lý do mà Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phát động Chiến dịch Vệ sinh Tay (VST) Toàn cầu hàng năm (phát động lần đầu vào năm 2009) với mục tiêu khuyến khích tất cả nhân viên y tế thực hiện VST ngay tại nơi chăm sóc người bệnh nhằm cắt đứt đường lây truyền tác nhân gây bệnh ra môi trường xung quanh. Chiến dịch VST toàn cầu của WHO đã kêu gọi và được sự đồng thuận của Chính phủ các nước, chuyển cam kết thành hành động thực hiện các biện pháp chăm sóc an toàn cho người bệnh. Việt Nam là nước thứ 118 đăng ký tham gia Chiến dịch VST toàn cầu của WHO và Bộ Y tế Việt Nam đã quyết định lấy ngày 5/5 hàng năm là ngày phát động chiến dịch VST toàn quốc.
Vệ sinh tay vì an toàn người bệnh
An toàn cho người bệnh là nghĩa vụ lớn lao nhất của mỗi bệnh viện. Do vậy, việc phát hiện, ngăn ngừa và kiểm soát NKBV có tầm quan trọng vì các nhiễm khuẩn này kéo dài thời gian nằm viện, tăng chi phí điều trị, làm bệnh nhận nặng hơn và thậm chí làm tăng nguy cơ tử vong. Chính vì vậy, GS Đỗ Tất Cường cho biết, ngày 4/5 vừa qua, Bệnh viện Vinmec đã tổ chức Lễ Phát động Chiến dịch VST 2013 để hưởng ứng Chiến dịch VST toàn cầu của WHO và lời kêu gọi của Bộ Y tế Việt Nam cũng như hướng tới mục tiêu An toàn người bệnh.
Nội dung trọng điểm của chiến dịch VST của Vinmec năm nay không chỉ tập trung vào nhân viên bệnh viện mà còn hướng tới người bệnh và khách thăm, hướng dẫn và khuyến khích khách hàng tham gia hoạt động rửa tay của bệnh viện. Đây là một trong các biện pháp thúc đẩy nhân viên bệnh viện Vinmec phải tích cực rửa tay khi chăm sóc và điều trị.
Tại Lễ Phát động, GS Đỗ Tất Cường cho biết, theo một nghiên cứu mới đây thì tại Mỹ, tỷ lệ NKBV là 4,5%, mỗi năm có khoảng 1,7tr người bệnh mắc NKBV, trong đó 99.000 bệnh nhân tử vong, chi phí phát sinh trong điều trị khoảng 6,5 tỷ USD. Ở Châu Âu, tỷ lệ NKBV 4,6 – 9,3%, khoảng 5tr bệnh nhân/năm mắc NKBV và khoảng 130.000 người tử vong, chi phí phát sinh 13 -24 tỷ EU. Trong khi đó, tại Việt Nam, tỷ lệ NKBV khoảng 5,8%, làm tăng gấp đôi chi phí và thời gian điều trị.
Với những con số đáng lưu tâm trên, Tiến sĩ Nguyễn Đắc Nghĩa, Trưởng Khoa Chấn thương, Chủ tịch Hội đồng Kiểm soát Nhiễm khuẩn (KSNK) Vinmec nhấn mạnh tại Lễ Phát động: “ Chiến dịch VST Vinmec năm nay phát động toàn CBNV của Vinmec thực hiện theo đúng 5 chỉ định của WHO; trình chiếu clip tuyên truyền về rửa tay cho khách hàng ở màn hình chờ và website của bệnh viện; Phát tờ rơi tuyên truyền, giáo dục cho khách hàng, nhắc nhở nhân viên bệnh viện qua các poster... Đặc biệt, Vinmec đã xây dựng và áp dụng quy trình rửa tay ngoại khoa cập nhật nhất thế giới hiện nay ”.
TS Nguyễn Đắc Nghĩa phát biểu tại Lễ phát động
Không những thế, với tiêu chí trở thành bệnh viện chất lượng quốc tế, Vinmec đã đầu tư đồng bộ Hệ thống Sạch theo tiêu chuẩn của WHO. Hệ thống này được lắp đặt tại tất cả các khu vực có nguy cơ cao về nhiễm khuẩn như: toàn bộ khu phòng mổ, toàn bộ khu điều trị tích cực, các khu vực hành lang và kho vật tư tiệt trùng. Mặt khác, điều kiện phòng sạch là yếu tố trọng yếu giúp cho sự thành công của những ca phẫu thuật đòi hỏi vô trùng cao, cũng như quá trình điều trị của bệnh nhân tại Vinmec, do vậy, hệ thống phòng sạch của Vinmec được lắp đặt màng lọc chuyên dụng để đảm bảo độ sạch cả khí cấp vào và khí thải ra ngoài môi trường xung quanh, đảm bảo các tiêu chuẩn về độ sạch y tế cả cho môi trường bên trong và bên ngoài bệnh viện.
Được biết, trong gần 2 năm tham gia hệ thống y tế, với mục tiêu an toàn cho người bệnh nói riêng và cộng đồng nói chung, Vinmec đã và đang triển khai rất nhiều chương trình hợp tác, tư vấn, giáo dục chăm sóc sức khỏe có ích cho xã hội, cộng đồng như: Hội thảo chuyên đề dành cho các thai phụ: “ Các bệnh lý thai sản và bệnh lý sơ sinh thường gặp ở mẹ và bé ”, Hội thảo Tư vấn về các bệnh thường gặp ở nhân viên văn phòng; Hội thảo các bệnh lý về khớp và các kỹ thuật tiên tiến thay khớp gối trên thế giới hiện nay; Thành lập Trung tâm điều trị Gan Việt Nam – Hoa Kỳ...