Nhiễm chéo vi khuẩn hay nhiễm khuẩn chéo (tên tiếng Anh là Bacterial cross-contamination) được định nghĩa là sự chuyển vi khuẩn hoặc các vi sinh vật khác từ nơi này sang nơi khác.
1. Các loại nhiễm khuẩn chéo
Có ba loại ô nhiễm chính: Từ thực phẩm đến thực phẩm, từ thiết bị đến thực phẩm và từ con người đến thực phẩm.
1.1 Thực phẩm đến thực phẩm
- Khi thực phẩm bị ô nhiễm tiếp xúc với thực phẩm không bị ô nhiễm sẽ dẫn đến ô nhiễm chéo giữa thực phẩm với nhau. Điều này cho phép vi khuẩn có hại lây lan và cư trú.
- Thực phẩm sống, nấu chưa chín hoặc rửa không đúng cách có thể chứa một lượng lớn vi khuẩn, như: Salmonella, Clostridium perfringens, Campylobacter, Staphylococcus aureus, E. coli và Listeria monocytogenes, tất cả các mầm bệnh đều có thể gây hại cho sức khỏe của bạn.
- Thực phẩm có nguy cơ nhiễm khuẩn chéo cao nhất bao gồm: Rau xanh, giá đỗ, gạo thừa, thịt nguội, trứng sống, thịt gia cầm, thịt và hải sản. Ngoài ra, thức ăn thừa được bảo quản trong tủ lạnh quá lâu có thể dẫn đến sự phát triển quá mức của vi khuẩn.
1.2 Thiết bị đến thực phẩm
Thiết bị đến thực phẩm cũng là một trong những loại ô nhiễm chéo phổ biến.Vi khuẩn có thể tồn tại trong thời gian dài trên các bề mặt như: Mặt bàn, dụng cụ, thớt, hộp đựng và thiết bị chế biến hoặc sản xuất thực phẩm.
Khi thiết bị không được làm sạch đúng cách hoặc vô tình bị nhiễm vi khuẩn, nó có thể chuyển một lượng lớn vi khuẩn có hại vào thực phẩm.
1.3 Người đến thực phẩm
Con người có thể dễ dàng truyền vi khuẩn từ cơ thể hoặc quần áo của họ sang thực phẩm trong quá trình tiếp xúc với thực phẩm.
2. Đối tượng nguy cơ và hậu quả của nhiễm khuẩn chéo vi khuẩn
Ai cũng đều có nguy cơ bị bệnh do lây nhiễm chéo. Tuy nhiên, một số nhóm nhất định có nguy cơ cao hơn nhiều, bao gồm:
- Phụ nữ mang thai
- Trẻ em dưới 5 tuổi
- Người lớn trên 65 tuổi
- Những người có hệ miễn dịch yếu, như: Người nhiễm HIV / AIDS, tiểu đường không kiểm soát được hoặc ung thư.
3. Hậu quả của ô nhiễm chéo
Trong trường hợp nhẹ có thể gây khó chịu dạ dày, chán ăn, nhức đầu, buồn nôn và tiêu chảy. Thông thường, các triệu chứng này xuất hiện trong vòng 24 giờ, mặc dù chúng có thể xuất hiện vài tuần sau khi tiếp xúc, gây khó khăn cho việc xác định nguyên nhân cụ thể.
Trong các trường hợp có triệu chứng nôn ói hoặc tiêu chảy, người bệnh cần phải bù nước đúng cách. Các hậu quả nghiêm trọng bao gồm tiêu chảy diễn ra hơn 3 ngày, phân có máu, sốt, mất nước, suy nội tạng và thậm chí tử vong.
Hãy đến cơ sở y tế ngay lập tức nếu các triệu chứng kể trên trở nên tồi tệ hơn hoặc kéo dài hơn 1 đến 2 ngày.
4. Làm thế nào để tránh lây nhiễm chéo?
4.1 Mua và bảo quản thực phẩm
- Tránh mua thực phẩm gần đến ngày hết hạn, trừ khi bạn có ý định ăn nó ngay lập tức.
- Bảo quản thịt sống trong hộp kín hoặc túi nhựa ở kệ dưới cùng của tủ lạnh để ngăn nước từ thịt chảy vào các thực phẩm khác.
- Sử dụng túi riêng cho thịt sống và trứng.
- Sử dụng thực phẩm thừa trong tủ lạnh trong vòng 2 đến 3 ngày và nấu ở nhiệt độ thích hợp.
4.2 Chuẩn bị thức ăn
- Rửa tay bằng xà phòng đúng cách với nước sạch trong ít nhất 20 giây sau khi chạm vào thịt sống, tay chạm vào động vật, sử dụng nhà vệ sinh, ho hoặc hắt hơi, sử dụng điện thoại hoặc các trường hợp tương tự khác.
- Rửa dụng cụ, mặt bàn, thớt và các bề mặt khác bằng chất tẩy rửa và nước ấm, đặc biệt là khi thái thịt sống.
- Sử dụng thớt riêng cho thịt và rau.
- Sử dụng khăn/búi rửa chén sạch.
- Nấu thực phẩm đến nhiệt độ thích hợp cho từng loại thực phẩm để đảm bảo thực phẩm được chín.
Mọi thắc mắc cần được bác sĩ chuyên khoa giải đáp cũng như quý khách hàng có nhu cầu khám và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, Quý khách có thể liên hệ Hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc hoặc đăng ký trực tuyến TẠI ĐÂY.
Nguồn tham khảo: healthline.com
XEM THÊM
- Nên rửa tay bằng xà phòng trong bao lâu?
- Nên sát khuẩn tay bằng cồn trong bao nhiêu giây để đảm bảo an toàn?
- Lưu ý khi rửa tay sát khuẩn cho bé