Nhân độc tuyến giáp là bệnh lý xảy ra ở tuyến giáp, thường gặp nhiều ở phụ nữ trên tuổi 40. Sau Basedow, đây chính là nguyên nhân thường gặp nhất gây nên bệnh cường giáp (chiếm từ 15 đến 30%).
1. Nhân độc tuyến giáp là gì?
Tuyến giáp là một tuyến nội tiết cấu tạo hình bướm, nằm ở phần phía dưới mặt trước của cổ. Chức năng của bộ phận này là giúp sản xuất hormone giáp - một loại hormone giúp cơ thể sử dụng năng lượng, giữ ấm cũng như giúp não bộ, tim và các cơ quan khác hoạt động bình thường. Theo đó, nhân tuyến giáp là thuật ngữ được dùng để chỉ những phát triển bất thường ở tế bào tuyến giáp, phát triển hình thành khối u trong tuyến giáp. Tuy rằng, phần lớn các nhân tuyến giáp đều là u lành tính, nhưng cũng có một tỉ lệ nhỏ là nhân độc tuyến giáp.
Ở vùng thiếu hụt Iod, bướu nhân độc tuyến giáp có tỷ lệ bắt gặp cao hơn, chia làm bướu giáp đơn nhân và bướu giáp đa nhân. Nếu nhân độc tuyến giáp có kích thước trên 2,5cm thì thường tiến triển thành cường chức năng tuyến giáp. Bệnh cảnh lâm sàng là người bệnh mắc bướu nhân tuyến giáp cũng như các dấu hiệu của nhiễm độc hormon tuyến giáp.
Bướu nhân độc tuyến giáp là một bệnh lý tuyến giáp thường gặp, bởi chỉ sau bệnh Basedow thì đây là một trong những nguyên nhân thường gặp nhất gây cường giáp. Bệnh thường gặp nhiều ở phụ nữ (chiếm 90 đến 95%), độ tuổi thường gặp là trên 40 tuổi.
XEM THÊM: Nhân tuyến giáp hình thành lặng lẽ, khó phát hiện
2. Chẩn đoán nhân độc tuyến giáp
2.1. Chẩn đoán lâm sàng
Bản thân người bệnh đã được chẩn đoán mắc bướu giáp trước đó nhiều năm (trung bình là mười năm) nhưng không xuất hiện các triệu chứng như chèn ép khí quản hay thực quản, không có cảm giác đau đớn. Bên cạnh đó, người bệnh có tồn tại các dấu hiệu như:
- Cơ thể gầy gò, có thể sút cân từ 20 đến 30kg;
- Có chứng sợ nóng, dễ tiết mồ hôi (cần phân biệt với dấu bốc hỏa ở phụ nữ tuổi mãn kinh);
- Rối loạn nhịp tim;
- Thường xuyên bị tiêu chảy;...
2.2. Chẩn đoán cận lâm sàng
Định lượng hormon giáp
- T3 và T4 huyết tương tăng, đôi khi T3 sẽ thường tăng là chủ yếu;
- TSH (thyroid-stimulating hormone/hormone kích thích tuyến giáp) huyết tương giảm;
- Có thể sẽ phát hiện được thêm chứng nhiễm Iod;
- Nghiệm pháp TRH hầu như sẽ không đáp ứng.
Các thăm dò miễn dịch học
Kháng tuyến giáp và kháng thể kháng thụ thể TSH hầu như không phát hiện.
Thăm dò sinh học
SBP và Calci máu tăng nhưng không có sự hằng định.
Thăm dò hình ảnh học
- Xạ hình giáp với Tc 99m hay I131 hay 123I
- X quang không chuẩn bị: hình ảnh cho thấy tuyến giáp chìm, chèn ép khí quản và calci hóa.
- CT scanner hoặc chụp cộng hưởng từ (MRI): nhằm khảo sát cấu trúc cũng như kích thước cùng một số bất thường có thể đi kèm khác.
- Siêu âm tuyến giáp: cho ra hình ảnh tuyến giáp trên ba bình diện, đồng thời khẳng định sự không đồng chất, các nhân, cấu trúc, calci hóa trong tổ chức. Đo được kích thước thùy giáp và các nhân.
XEM THÊM: Kết quả chụp xạ hình tuyến giáp nói lên điều gì
3. Điều trị nhân độc tuyến giáp
3.1. Phẫu thuật
Để điều trị bướu nhân độc tuyến giáp thì phẫu thuật chính là phương pháp điều trị cơ bản thường được lựa chọn nhằm:
- Chữa lành nhân độc tuyến giáp;
- Loại bỏ các nhân lạnh chưa loại trừ ung thư hóa.
Sau khi chuẩn bị tốt kháng giáp, phần lớn phẫu thuật viên sẽ lấy tổ chức khá rộng nhằm tránh tái phát, từ bóc nhân đến cắt bỏ hoàn toàn tuyến giáp. Cũng có một số tai biến tồn tại như như phẫu thuật Basedow (bao gồm: suy cận giáp, liệt dây thần kinh quặt ngược,...) và đòi hỏi liệu pháp hormon giáp về lâu dài.
3.2. Iod phóng xạ
Điều trị bằng I131 là phương pháp điều trị bướu nhân độc tuyến giáp mang rất nhiều ưu điểm. Tuy nhiên, phương pháp này thường đem lại kết quả chậm hơn điều trị phẫu thuật. Để trở về bình giáp thường là sau 4 đến 6 tháng, đôi khi sẽ cần điều trị bổ túc.
I131 sẽ được tập trung vào các vùng nhân nóng nhằm mục đích hủy diệt tổ chức tăng hoạt. So với điều trị Basedow thì liều thường phóng xạ trong điều trị bướu nhân độc tuyến giáp sẽ cao hơn, có thể được chia thành nhiều liều (thông thường chia làm 2 liều) với khoảng cách trung bình giữa 2 đợt điều trị là 10 ngày.
Để tránh các tai biến có thể xảy đến trong quá trình điều trị phóng xạ như cơn cường giáp cấp thì có thể chuẩn bị kháng giáp tổng hợp trước đó. Ngoài ra, người bệnh cần phải thường xuyên theo dõi để xem xét nguy cơ ung thư, suy giáp.
Phương pháp điều trị bướu nhân độc tuyến giáp này sẽ chống chỉ định với:
- Phụ nữ có thai;
- Phụ nữ đang cho con bú;
- Dị ứng với Iod.
3.3. Kháng giáp tổng hợp
Kháng giáp tổng hợp sẽ được chuẩn bị để hỗ trợ cho phẫu thuật hoặc điều trị Iod phóng xạ.
Tóm lại, nếu bệnh nhân đã bị bướu giáp trước đó nhiều năm sẽ có thể mắc bướu nhân độc tuyến giáp. Những trường hợp này cần gặp các bác sĩ chuyên khoa để được thăm khám, chẩn đoán và tiếp nhận điều trị.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.