Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Vũ Huy Bình - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.
Hội chứng ruột kích thích là rối loạn tiêu hóa thường gặp, với các biểu hiện thông dụng là đau bụng và rối loạn đại tiện, nếu không thăm khám kỹ và đầy đủ hội chứng ruột kích thích có thể bị chẩn đoán nhầm với các bệnh lý đường tiêu hóa khác như viêm ruột, viêm đại tràng....
1. Hội chứng ruột kích thích là gì?
Hội chứng ruột kích thích là một hội chứng tiêu hóa chức năng, đặc trưng bởi các biểu hiện đau bụng và thay đổi thói quen đại tiện. Hay biểu hiện các triệu chứng ở đại tràng nên hội chứng này còn được gọi bằng nhiều thuật ngữ khác nhau như đại tràng co thắt, đại tràng thần kinh, đại tràng kích thích.
Hội chứng ruột kích thích là tình trạng mạn tính, khiến người bệnh thường xuyên phải đối mặt với các rối loạn tiêu hóa, gây ảnh hưởng lớn đến tâm lý và chất lượng cuộc sống của bệnh nhân.
2. Các biểu hiện đặc trưng của hội chứng ruột kích thích
Các đặc trưng quan trọng nhất của hội chứng ruột kích thích là : Các biểu hiện rối loạn tiêu hóa mạn tính hay tái phát và không có tổn thương thực thể ở hệ thống đường tiêu hóa, đây là đặc điểm hết sức quan trọng để phân biệt hội chứng ruột kích thích với các bệnh lý đường tiêu hóa khác có biểu hiện tương tự.
2.1 Cơ sở sinh lý bệnh học của hội chứng ruột kích thích
Cho đến nay dù nguyên nhân chính xác của hội chứng ruột kích thích chưa khẳng định một cách chính xác, tuy nhiên có nhiều yếu tố đã được chứng minh là có liên quan đến hội chứng này như: Chế độ ăn, các chất kích thích, yếu tố tâm lý...
Một cách tổng quan sinh bệnh học gây nên hội chứng ruột kích thích bao gồm sự tổng hợp của 3 yếu tố sau:
- Sự thay đổi nhu động ruột hay rộng hơn là sự đáp ứng nhu động không thích hợp ở các cơ trơn của đại tràng và ruột non với hoạt động tiêu hóa thông thường và với các kích thích, điều này cũng ảnh hưởng đến hoạt động các cơ trơn khác như cơ trơn hệ tiết niệu gây các biểu hiện như tiểu són, tiểu rắt...
- Tăng cảm giác đau của nội tạng: Bình thường ở hệ thống tạng, đặc biệt là ở ruột có hệ thống thần kinh nhận cảm cảm giác đau, ở người bị hội chứng ruột kích thích hệ thống này tăng nhạy cảm cảm giác đau hơn so với bình thường ở các mức độ khác nhau,và mức độ cảm nhận thường lan rộng hơn bình thường đây là nguyên nhân gây đau bụng lan tỏa ở bệnh nhân hội chứng ruột kích thích
- Yếu tố tâm lý: Từ lâu yếu tố tâm lý và các rối loạn về tâm thần đã được ghi nhân có liên quan đến hội chứng ruột kích thích, các bệnh nhân bị các rối loạn tâm thần có tỉ lệ bị hội chứng ruột kích thích cao hơn hẳn người khác, đặc biệt là trầm cảm và stress.
2.1 Ai hay bị hội chứng ruột kích thích?
- Hội chứng ruột kích thích hay gặp ở phụ nữ hơn nam giới, phụ nữ có tỉ lệ bị hội chứng ruột kích thích gấp 2-3 lần so với Nam
- Tuổi bị hội chứng ruột kích thích thường khá trẻ, tập trung ở tuổi trung niên, đa số bệnh nhân có các triệu chứng của hội chứng ruột kích thích trước năm 35 tuổi
2.3 Biểu hiện lâm sàng và cận lâm sàng đặc trưng của hội chứng ruột kích thích
Hai biểu hiện lâm sàng điển hình của hội chứng ruột kích thích là đau bụng và thay đổi thói quen đại tiện
- Đau bụng:
Như đã phân tích ở trên đau bụng ở hội chứng ruột kích thích thường có các tính chất đặc trưng sau:
Đau lan tỏa, không có điểm đau cụ thể, hay gặp đau ở bụng dưới trái, vị trí của đại tràng, đau thường khởi phát sau khi ăn và thường đỡ nhiều sau khi bệnh nhân đi đại tiện được.
Đau bụng mạn tính, thường đau âm ỉ, có thể có những cơn đau cấp tính
- Thay đổi thói quen đại tiện
Các thay đổi ở đây bao gồm
- Thay đổi về số lần đi đại tiện: ít đi trong thể táo bón hoặc nhiều lên trong thể tiêu chảy
- Thay đổi về hình thức và tính chất của phân: Phân rắn hơn khi táo bón hoặc lỏng khi tiểu chảy, có thể phân nhầy
- Thay đổi về kiểu cách đi đại tiện: Bệnh nhân hay mót rặn hơn
- Tùy từng thể của hội chứng ruột kích thích có thể biểu hiện táo bón hoặc tiêu chảy, có thể phối hợp cả táo bón và tiêu chảy hoặc từng đợt táo bón và tiêu chảy xen kẽ nhau.
- Các biểu hiện khác: Như đầy bụng, ợ hơi, đau mỏi cơ hay rối loạn tiểu tiện, các rối loạn tâm lý có thể gặp, đặc biệt ở người bị hội chứng ruột kích thích kéo dài
- Các thăm dò cận lâm sàng: Xét nghiệm máu, các phương tiện chẩn đoán hình ảnh như: Nội soi đại tràng, siêu âm ổ bụng, chụp cắt lớp vi tính ổ bụng, xét nghiệm vi sinh, soi tìm máu trong phân.... đều không tìm thấy bất cứ bất thường gì đây là tiêu chuẩn hết sức quan trọng để khẳng định hội chứng ruột kích thích
Do đó hội chứng ruột kích thích là một chẩn đoán loại trừ và vai trò của chẩn đoán lâm sàng là hết sức quan trọng, dựa vào việc thăm khám và hỏi bệnh sử một cách kỹ càng, đầy đủ để ghi nhận các triệu chứng đặc trưng của hội chứng ruột kích thích bên cạnh loại trừ các tổn thương thực thể khác.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.