Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng
Hội chứng ruột kích thích (Irritable bowel syndrome – viết tắt IBS) là tình trạng rối loạn tiêu hóa thường gặp, thường xuyên tái phát và gây ảnh hưởng lớn tới chất lượng cuộc sống của người bệnh.
1. Hội chứng ruột kích thích IBS là gì?
Hội chứng ruột kích thích (bệnh đại tràng co thắt, hội chứng đại tràng kích thích,...) là tình trạng rối loạn chức năng ruột, không gây viêm loét tại ruột và không kèm theo các rối loạn về cấu trúc cũng như sinh hóa. Hội chứng ruột kích thích còn được gọi bằng những cái tên khác như bệnh đại tràng co thắt, hội chứng đại tràng kích thích. Bệnh mặc dù không nguy hiểm tới tính mạng nhưng gây ảnh hưởng khá nhiều tới cuộc sống và sinh hoạt của người bệnh.
2. Hội chứng ruột kích thích có nguy hiểm không?
Hội chứng ruột kích thích là bệnh lý khá thường gặp trên thế giới. Theo thống kê, trung bình có tới 15 – 20% dân số mắc phải căn bệnh này. Tuy nhiên, số bệnh nhân thực sự mắc bệnh đại tràng co thắt còn lớn hơn nhiều bởi chỉ có khoảng 30% trường hợp mắc bệnh đi thăm khám. Tỷ lệ mắc bệnh ở nữ giới cao gấp 2 - 3 lần so với nam giới. Bệnh thường xuất hiện ở người trẻ tuổi, thường là trước tuổi 45.
Hội chứng ruột kích thích IBS gây ra nhiều triệu chứng khó chịu, tiêu biểu là tiêu chảy, táo bón, đầy hơi, đau quặn bụng,... ảnh hưởng tới sinh hoạt và công việc của bệnh nhân. Nếu không được điều trị đúng cách, bệnh sẽ tái đi tái lại nhiều lần, dễ dẫn đến những biến chứng nguy hiểm như trĩ, viêm đại tràng mạn tính hay thậm chí là ung thư đại trực tràng.
Ngoài ra, khi bị bệnh, nếu kiêng khem nhiều loại thực phẩm thì cơ thể bệnh nhân sẽ không được bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng, dẫn đến suy yếu, mệt mỏi. Đặc biệt, người bệnh viêm đại tràng co thắt còn dễ bị ảnh hưởng tâm lý, chán nản hoặc trầm cảm vì căn bệnh không được điều trị dứt điểm.
3. Vì sao hội chứng ruột kích thích dễ tái phát?
Hội chứng ruột kích thích IBS là bệnh lành tính nhưng dễ tái phát. Lý do là vì:
3.1 Khó chẩn đoán xác định bệnh
Triệu chứng của người mắc hội chứng ruột kích thích rất khác nhau. Thậm chí, diễn biến bệnh trên một người cũng không cố định mà thay đổi theo thời gian. Một số bệnh nhân có triệu chứng khó chịu nhưng khi thăm khám không phát hiện được các tổn thương thực thể: không sút cân, siêu âm bụng và các kết quả xét nghiệm đều bình thường, niêm mạc đại tràng bình thường, không có thay đổi rõ rệt khi kiểm tra phân,... Chính vì khó phát hiện nên hội chứng đại tràng kích thích dễ tái phát vì không được chẩn đoán, điều trị kịp thời, đúng cách.
3.2 Chỉ tập trung điều trị triệu chứng
Hội chứng ruột kích thích cứ tái đi tái lại liên tục, khó điều trị dứt điểm vì người bệnh thường chỉ chú trọng chữa “phần ngọn” – tức các triệu chứng của bệnh. Cụ thể, khi đau bụng, người bệnh chỉ dùng thuốc chống co thắt, thuốc giảm đau; khi đi ngoài bệnh nhân lựa chọn uống thuốc cầm tiêu chảy; khi táo bón người bệnh dùng thuốc nhuận tràng,... mà không chú trọng điều trị tận gốc nguyên nhân gây bệnh.
3.3 Không thể kiểm soát hoàn toàn nguyên nhân gây bệnh
Trong trường hợp nắm được nguyên nhân gây hội chứng ruột kích thích, người bệnh vẫn khó điều trị dứt điểm. Nguyên nhân là vì các yếu tố tăng nguy cơ gây bệnh thường khó có thể kiểm soát, loại bỏ hoàn toàn. Cụ thể:
- Do thực phẩm nạp vào cơ thể: mối liên quan giữa tình trạng dị ứng hoặc khó dung nạp thực phẩm với hội chứng ruột kích thích hiện vẫn chưa được làm rõ nhưng nhiều người đã có triệu chứng nặng hơn khi tiêu thụ một vài loại thực phẩm. Cụ thể, một số người bị viêm đại tràng co thắt sau khi ăn các loại thực phẩm khó tiêu hoặc dễ sinh hơi như sữa, pho mát, đồ chiên rán, socola, rượu bia, bắp cải, bông cải, đậu, cua, cá, thức uống có ga, cá, mỡ, trứng,... Trong khi đó, đây là những thực phẩm cần phải có trong chế độ dinh dưỡng của mỗi người. Nếu không bổ sung những thực phẩm trên thì con người sẽ bị thiếu chất, dẫn tới xanh xao, mệt mỏi, ốm yếu,... Vì vậy, hội chứng ruột kích thích dễ tái phát mỗi khi tiêu thụ các thực phẩm này.
- Do các yếu tố thần kinh trung ương: căng thẳng thần kinh, mệt mỏi, mất ngủ kéo dài,... cũng là nguyên nhân gây ra hội chứng ruột kích thích. Nguyên nhân là vì não bộ bị căng thẳng sẽ tác động xuống đường ruột, gây rối loạn nhu động ruột, dẫn tới các cơn đau co thắt mạnh, làm chết lợi khuẩn trong ruột, gây mất cân bằng hệ vi sinh trong đường tiêu hóa, dẫn tới rối loạn tiêu hóa triền miên. Trong đời sống xã hội hiện nay, con người thường khó tránh khỏi những rối loạn về tinh thần, tâm lý. Do đó, bệnh sẽ khó điều trị dứt điểm và dễ tái phát.
- Do nội tiết tố: phụ nữ có khả năng mắc hội chứng ruột kích thích IBS cao gấp 2 – 3 lần so với nam giới. Các nhà nghiên cứu cho rằng sự thay đổi nội tiết tố có ảnh hưởng tới nguy cơ mắc hội chứng này. Nhiều phụ nữ nhận thấy các dấu hiệu, triệu chứng bệnh trở nặng hơn trước, trong hoặc sau kỳ kinh nguyệt. Trong khi đó, kỳ kinh nguyệt của phụ nữ xuất hiện đều đặn mỗi tháng. Vì vậy, hội chứng ruột kích thích rất dễ tái xuất hiện.
Mặc dù là bệnh lành tính, không gây tử vong nhưng hội chứng ruột kích thích IBS gần như không có khả năng điều trị khỏi hẳn. Việc điều trị bệnh chủ yếu làm giảm triệu chứng đau bụng, tiêu chảy, táo bón,... giúp cho người bệnh dễ chịu hơn. Bên cạnh đó, bệnh nhân nên điều chỉnh chế độ ăn lành mạnh hơn, giảm tiêu thụ thực phẩm khó dung nạp, tăng cường vận động và tránh căng thẳng thần kinh để giảm nhẹ triệu chứng của bệnh.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.