Nhận diện Hội chứng nôn ói chu kỳ (Cyclic Vomiting Syndrome)

Hội chứng nôn ói chu kỳ thường khởi phát với triệu chứng buồn nôn kéo dài, sau đó là nôn ói nặng trong nhiều giờ đến nhiều ngày. Bệnh gây ra nhiều khó chịu và ảnh hưởng lớn đến cuộc sống hàng ngày của người bệnh vì tính chu kỳ của chúng. Vậy làm sao để nhận diện được hội chứng và có phương án điều trị thích hợp cũng như tránh được những biến chứng nguy hiểm?

1. Hội chứng nôn ói chu kỳ là gì?

Hội chứng nôn ói chu kỳ trước đây được biết đến là bệnh lý của trẻ em, tuy nhiên hiện nay hầu hết ai cũng có nguy cơ mắc phải tình trạng này. Đây là căn bệnh với đặc trưng những đợt buồn nôn kéo dài và nôn ói nặng từ vài giờ đến nhiều ngày, xen kẽ là những thời điểm bệnh nhân không có triệu chứng gì.

Độ tuổi mắc hội chứng nôn ói chu kỳ thường là trẻ từ 3-7 tuổi, tuy nhiên tình trạng này vẫn xuất hiện ở trẻ nhỏ hơn 3 tuổi và người trưởng thành. Trong đó tỷ lệ nữ giới mắc bệnh chiếm 53% còn nam giới là 47%.

Có nhiều nguyên nhân được các nhà khoa học cho rằng có liên quan mật thiết đến hội chứng nôn ói chu kỳ như chứng đau nửa đầu Migraine, stress hoặc bệnh nhân đang ở trong trạng thái kích thích.

Ngoài ra một vài nguyên nhân như sau cũng sẽ gây ra hội chứng nôn ói chu kỳ:

  • Người bệnh bị nhiễm trùng
  • Trẻ em bị stress cảm xúc, bị kích thích vì một lý do nào đó
  • Ở người lớn tình trạng lo âu, hoảng sợ có thể gây ra hội chứng
  • Người bệnh mắc một số bệnh lý như cảm lạnh, dị ứng, viêm xoang...
  • Ăn sô cô la, phô mai hoặc ăn quá no trước khi đi ngủ
  • Thời tiết quá nóng mà không giảm nhiệt kịp thời
  • Hành kinh, say tàu xe...

Người bệnh mắc bệnh lý như viêm xoang có thể gây ra hội chứng nôn ói chu kỳ
Người bệnh mắc bệnh lý như viêm xoang có thể gây ra hội chứng nôn ói chu kỳ

2. Bốn giai đoạn của hội chứng nôn ói chu kỳ

Hội chứng nôn ói chu kỳ được chia ra thành bốn giai đoạn bao gồm:

  • Giai đoạn 1: Khoảng cách không triệu chứng là thời điểm không có hiện tượng gì giữa hai đợt nôn ói
  • Giai đoạn 2: Giai đoạn tiền triệu chứng, người bệnh bắt đầu có một số biểu hiện như nôn ói, có thể đau bụng kèm theo. Tình trạng này sẽ kéo dài từ vài phút cho đến vài giờ. Người bệnh có thể dùng thuốc để chặn đứng các triệu chứng nôn ói nặng về sau. Tuy nhiên, không phải lúc nào người bệnh cũng nhận biết được tình trạng của bản thân, đặc biệt là nhiều người ngay sau khi ngủ dậy đã có biểu hiện nôn ói đột ngột.
  • Giai đoạn 3: Đây là giai đoạn nôn ói nặng, người bệnh có thể nôn ói ngay sau khi ăn, thậm chí sau khi sử dụng thuốc cũng không tiến triển tốt hơn được. Người bệnh trong thời gian này thường xanh xao, hay cảm thấy chóng mặt và kiệt sức.
  • Giai đoạn 4: Đây là giai đoạn hồi phục, các cơn buồn nôn và nôn ói dần dần biến mất, sức khỏe của người bệnh dần dần hồi phục, cảm thấy đói và mặt dần hồng hào hơn.

3. Nhận diện hội chứng nôn ói chu kỳ như thế nào?

Hội chứng nôn ói chu kỳ khá khó nhận biết vì nhiều người sẽ nhầm tưởng với các căn bệnh khác. Tuy nhiên nếu gặp phải những biểu hiện sau và kéo dài trong ba tháng với lần khởi phát sớm nhất trong vòng sáu tháng thì có khả năng bạn đã mắc hội chứng nôn ói chu kỳ:

  • Người bệnh nôn ói nặng nhiều lần trong vòng một giờ đầu tiên, tình trạng này sẽ kéo dài khoảng 1 tuần.
  • Trong vòng 1 năm có ít nhất 3 giai đoạn riêng rẽ nôn ói xảy ra và giữa các lần đó bệnh nhân không có dấu hiệu buồn nôn hay nôn ói.

Ngoài ra, bệnh nhân còn có một số triệu chứng như đau bụng, sốt, chóng mặt, tiêu chảy trong các đợt nôn ói. Bên cạnh đó do người bệnh nôn ói liên tục nên tình trạng mất nước sẽ xảy ra khiến họ gặp phải một số biểu hiện như khát nước, xanh xao, rối loạn ý thức...

Hiện nay chưa có một xét nghiệm cụ thể nào để nhận diện được hội chứng nôn ói chu kỳ, đa phần bác sĩ chẩn đoán hội chứng này dựa trên biểu hiện và bệnh sử của bệnh nhân sau khi loại trừ nguyên nhân nôn ói do các bệnh lý có sẵn. Việc chẩn đoán chính xác hội chứng nôn ói chu kỳ thường mất nhiều thời gian hơn, vì bác sĩ cần phải xác định được tính lặp lại của các triệu chứng trong nôn ói chu kỳ.


Người bệnh mắc hội chứng nôn ói chu kỳ có thể kèm theo đau bụng
Người bệnh mắc hội chứng nôn ói chu kỳ có thể kèm theo đau bụng

4. Làm sao để hạn chế hội chứng nôn ói chu kỳ xảy ra?

Để phòng ngừa hội chứng nôn ói chu kỳ xảy ra, mọi người nên chú ý những điều sau:

  • Hạn chế tình trạng stress bằng cách cười nhiều hơn mỗi ngày, chăm tập thể dục thể thao rèn luyện sức khỏe, tập thói quen sống khoa học.
  • Tập kiểm soát sự lo lắng và các cơn hốt hoảng, nên học cách chấp nhận những sự thật thực tế xảy ra trong cuộc sống.
  • Nếu mắc một số bệnh lý như nhiễm khuẩn, cảm cúm, dị ứng, viêm xoang... nên phối hợp điều trị với bác sĩ.
  • Trước khi đi ngủ nên hạn chế ăn quá no
  • Khi mùa hè đến cần có các biện pháp chống nóng, hạn chế tối đa các yếu tố có thể khởi phát bệnh.
  • Nếu bị say tàu xe thì nên uống thuốc chống say trước khi khởi hành.

Tốt nhất khi có dấu hiệu của hội chứng nôn ói chu kỳ, bệnh nhân nên tới gặp bác sĩ để được kiểm tra và có hướng can thiệp kịp thời. Tránh để lâu bệnh có thể chuyển biến xấu và khó khăn trong quá trình điều trị.

Bệnh viện Đa khoa Quốc Tế Vinmec thường xuyên tiếp nhận và xử lý những trường hợp liên quan tới nôn ói, đau đầu hay gặp những vấn đề bất thường về sức khỏe. Với đội ngũ y bác sĩ giỏi chuyên môn, giàu kinh nghiệm, thường xuyên được đào tạo, tham gia hội thảo y khoa của các chuyên gia hàng đầu thế giới sẽ giúp việc chẩn đoán, điều trị được chính xác và mang lại kết quả tốt.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe