U nang vành tai là một dạng u ở tai lành tính, ít khi hóa ác và không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe tổng thể. Tuy nhiên u nang vành tai lại ảnh hưởng đến thẩm mỹ nên nhiều người muốn tìm cách loại bỏ nó. Vậy u nang vành tai là gì và cần can thiệp như thế nào?
1. Cấu tạo vành tai
Tai người được cấu tạo từ 3 phần chính là tai ngoài, tai giữa và tai trong. Vành tai là một phần của tai ngoài, bản chất là phần thịt nhô ra 2 bên đầu người nên rất dễ dàng để nhìn thấy. Vành tai, còn có tên gọi khác loa tai, có nhiệm vụ quan trọng trong hệ thống dẫn truyền âm thanh khi hỗ trợ khả năng nghe của con người.
Hình thể của vành tai khá giống một chiếc phễu, bao gồm 2 mặt là mặt ngoài và mặt trong:
- Mặt ngoài bao gồm gờ luân, lõm thuyền, gờ đối luân, gờ đối bình, hai trụ đối luân, xoắn tai, bình tai và dái tai;
- Mặt trong là phần tai áp vào da đầu, có các vết lồi lõm ngược lại với mặt ngoài.
2. U nang vành tai là gì?
U nang vành tai là một dạng u ở tai thường gặp. Đây là một cấu trúc bất thường xuất hiện ở vành tai, kích thước nhỏ, di động được và phát triển chậm theo thời gian. U nang vành tai thường không gây ra bất cứ triệu chứng nào và cũng không có xu hướng tiến triển thành ác tính. Tuy nhiên, u nang vành tai lại gây ra nhiều khó chịu và ảnh hưởng đến thẩm mỹ khi chúng có kích thước lớn hoặc gây đau nhức khi bị bội nhiễm.
U nang vành tai được phân thành 2 loại chính:
- U nang bã đậu: Cấu tạo bởi lớp vỏ bọc, bên trong là chất bã, mềm, màu vàng nhạt hoặc vàng đục;
- U nang bã nhờn (hay còn gọi u nang biểu bì hoặc keratin).
Bên cạnh u nang, một số dạng u ở vành tai khác có thể kể đến bao gồm:
- U sụn vành tai: Là khối u xuất hiện ở phần sụn của vành tai, thường lành tính, mật độ cứng, ít di động và lớn dần theo thời gian. Dạng u ở vành tai này cần phải can thiệp để loại bỏ hoàn toàn. Đa phần u sụn xuất hiện sau bấm lỗ khuyên tai vào phần vành tai, một số khác lại không xác định được nguyên nhân cụ thể (nghĩa là người bệnh không tác động gì đến vành tai nhưng u sụn lại tự xuất hiện);
- Ung thư vành tai: Dạng khối u ở tai ác tính này thường gặp ở người lớn tuổi. Triệu chứng ban đầu là vành tai xuất hiện một u nhỏ bằng nốt ruồi mật độ cứng, bề mặt sần sùi, dính chặt vào sụn và rất dễ chảy máu. Sau đó khối u phát triển nhanh, tạo thành u sùi lan tỏa khắp vành tai, xâm lấn ống tai ngoài và ống tai giữa gây đau đớn dữ dội và đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe. Điều trị ung thư vành tai đòi hỏi phối hợp nhiều phương pháp khác nhau để chữa dứt điểm, bao gồm: phẫu thuật (cắt bỏ khối ung thư, đôi khi cắt bỏ cả vành tai), hóa trị và xạ trị.
3. Nguyên nhân gây ra u nang vành tai
Với mỗi dạng u nang vành tai sẽ có những nguyên nhân gây bệnh khác nhau, cụ thể như sau:
- U nang bã đậu: Hình thành từ các nang tuyến bã nằm dưới chân lông của vành tai. Khi tuyến bã tiết nhiều chất nhầy, như ở giai đoạn dậy thì hoặc do quá trình vệ sinh tai không đảm bảo, dẫn đến chít hẹp hoặc tắc lỗ chân lông, gây ứ đọng, tích tụ chất bã dẫn đến sự xuất hiện của u nang bã đậu;
- U nang bã nhờn: Thường liên quan đến hiện tượng tích tụ keratin (một loại protein có trong tế bào da). U nang bã nhờn phát triển khi keratin bị ứ đọng do da hoặc nang lông bị phá vỡ.
Một số điều kiện thuận lợi cho sự xuất hiện của u nang vành tai:
- Tuyến bã tăng, tuyến mồ hôi tăng tiết, thường gặp ở các đối tượng như đàn ông hoặc trẻ trong độ tuổi dậy thì;
- Mụn trứng cá;
- Chấn thương da.
4. Triệu chứng và biến chứng của u nang vành tai
Bệnh nhân bị u nang vành tai thường đến gặp bác sĩ khi có những triệu chứng sau:
- Cảm thấy khó chịu và ảnh hưởng đến thẩm mỹ do u nang vành tai phát triển nhanh với kích thước lớn;
- Đau do vỡ u nang vành tai hoặc nhiễm trùng thứ phát gây sưng, đỏ;
- Quan sát thấy một vết sưng nề, hình tròn, giới hạn rõ dưới da hoặc nổi hẳn lên trên bề mặt da;
- Đôi khi xuất hiện mụn đầu đen, kích thước nhỏ ở trung tâm của khối u nang vành tai;
- Da vùng u nang vành tai không đổi màu hoặc hơi đậm hơn so với bình thường;
- Sờ vào u nang vành tai cảm giác mềm;
- Khi vỡ sẽ thấy dịch chảy ra, tính chất đặc, màu trắng như bã đậu hoặc màu vàng và thường có mùi hôi;
- Vùng da u nang vành tai và xung quanh hơi đỏ, phù nề, sờ vào gây đau khi bị viêm nhiễm hay áp xe hóa.
Biến chứng u nang vành tai:
- Đa số trường hợp không gây ra các biến chứng nghiêm trọng;
- Tình trạng nhiễm trùng u nang lan tỏa khi bệnh nhân tự ý nặn mà không đảm bảo vệ sinh và vô khuẩn;
- Để lại sẹo xấu hoặc tái phát: Do bệnh nhân đến gặp bác sĩ muộn, u nang bị nhiễm trùng, vỡ hoặc hoại tử khiến bao nang và da xung quanh không còn nguyên vẹn.
5. Xử trí u nang vành tai thế nào?
Những việc người bệnh cần lưu ý khi nghi ngờ hoặc xác định có u nang vành tai:
- Không nặn, cậy, bóp u nang bã nhờn;
- Đảm bảo vệ sinh sạch sẽ u nang vành tai;
- Khi có hiện tượng sưng viêm hay vỡ mủ thì cần nhanh chóng đến bệnh viện điều trị.
Các u nang vành tai không tự biến mất hoàn toàn, nhưng vì đa phần không gây nguy hiểm, không ảnh hưởng đến sức khỏe nên người bệnh có thể không cần can thiệp nếu không gây khó chịu đến thẩm mỹ.
Nếu u nang vành tai trở nên đỏ, sưng hoặc đau, thay đổi kích thước hoặc nhiễm trùng thứ phát thì đòi hỏi phải can thiệp bằng thuốc. Trong những trường hợp như vậy, lựa chọn điều trị ưu tiên là sử dụng kháng sinh, đôi khi dẫn lưu hoặc tiêm thuốc trực tiếp để giảm sưng và giảm đau.
Nếu cẩn điều trị, bệnh nhân u nang vành tai có thể tham khảo những phương pháp sau:
- Rạch và dẫn lưu khi u nang vành tai bị bội nhiễm: Bác sĩ sẽ cắt một vết nhỏ trên u nang, sau đó nhẹ nhàng ấn đẩy để tống các chất dịch bên trong ra ngoài. Bước cuối cùng là đặt dẫn lưu trong vòng 2-3 ngày để tháo hết mủ hay dịch bên trong. Phương pháp này thực hiện khá nhanh chóng và dễ dàng, nhưng u nang vành tai vẫn có khả năng tái phát trở lại sau khi điều trị;
- Tiểu phẫu bóc trọn khối u nang vành tai khi chưa bội nhiễm:
- U nang vành tai có thể được tiểu phẫu để loại bỏ hoàn toàn. Phương pháp này vẫn đảm bảo an toàn, hiệu quả và ưu điểm lớn nhất là ngăn ngừa u nang vành tai tái phát. Trường hợp u nang bị viêm, bác sĩ sẽ thăm khám, đánh giá vả có thể trì hoãn tiểu phẫu cho đến khi tình trạng viêm được kiểm soát;
- Chăm sóc sau khi tiểu phẫu: Bóc u nang vành tai được thực hiện ngoại trú, sau đó người bệnh chỉ cần vào bệnh viện thay băng, vệ sinh vết thương hằng ngày trong 2-3 ngày đầu. Khi tình trạng ổn định, bệnh nhân sẽ tự vệ sinh tại nhà và cắt chỉ sau 7 ngày;
- Thuốc điều trị sau thủ thuật bao gồm kháng sinh, kháng viêm và thuốc giảm đau, thường chỉ cần dùng trong 5 ngày.
Tóm lại, u nang vành tai là một dạng u ở tai lành tính, ít khi hóa ác và không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe tổng thể. Tuy nhiên một số trường hợp u nang vành tai mang đến cảm giác khó chịu cho người bệnh, do đó việc lựa chọn điều trị tại cơ sở y tế uy tín là vấn đề cấp thiết, giúp bệnh nhân cảm thấy dễ chịu hơn và điều trị bệnh hiệu quả.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.