U nang bã nhờn là một tình trạng thường gặp trên da đầu, mặt, tai, thân, lưng hoặc vùng háng. U nang bã nhờn thường lành tính và không gây nguy hiểm, tuy nhiên chúng có thể gây đau đớn, khó chịu và ảnh hưởng tới thẩm mỹ của bệnh nhân.
1. U nang bã nhờn là gì?
U nang bã nhờn hình thành từ tuyến bã nhờn và là dạng u nang thường gặp (không phải ung thư) ở da. U nang bã nhờn chủ yếu được tìm thấy trên mặt, cổ hoặc thân. U nang bã nhờn có thể ảnh hưởng đến khoảng 20% người trưởng thành và có kích thước từ vài mm đến 5 cm. Chúng phát triển chậm và không đe dọa đến tính mạng, nhưng chúng có thể gây khó chịu và ảnh hưởng tới sinh hoạt của bệnh nhân.
2. Nguyên nhân gây u nang bã nhờn
U nang có thể phát triển nếu tuyến bã nhờn bị tổn thương hoặc bị tắc. Điều này thường xảy ra do chấn thương. Chấn thương có thể là vết trầy xước, vết thương phẫu thuật hoặc tình trạng da, chẳng hạn như mụn trứng cá. U nang bã nhờn phát triển chậm, do đó chấn thương có thể xảy ra vài tuần hoặc vài tháng trước khi bệnh nhân nhận thấy u nang. Các nguyên nhân khác của u nang tuyến bã nhờn có thể bao gồm: ống dẫn bã nhờn bị biến dạng, các tế bào tổn thương trong quá trình phẫu thuật, các tình trạng di truyền, chẳng hạn như hội chứng Gardner hoặc hội chứng nevus tế bào đáy.
3. Triệu chứng của u nang bã nhờn là gì?
Loại u nang này thường chứa vảy sừng màu trắng. Hầu hết các u nang đều mềm khi chạm vào.
Các khu vực trên cơ thể nơi u nang thường được tìm thấy bao gồm da đầu, mặt, cổ. U nang bã nhờn được coi là không điển hình và có thể là ung thư nếu nó có các đặc điểm sau: đường kính lớn hơn 5 cm; tốc độ tái phát nhanh sau khi bị loại bỏ; dấu hiệu nhiễm trùng, chẳng hạn như đỏ, đau hoặc chảy mủ.
4. U nang bã nhờn có nguy hiểm không?
Nhìn chung u nang tuyến bã nhờn thường lành tính và hiếm khi dẫn tới ung thư. Hầu hết các u nang bã nhờn không cần điều trị và bệnh nhân chỉ cần giữ cho khối u sạch, không nhiễm trùng. Thông thường u nang nhỏ sẽ không đau, còn u nang lớn có thể gây khó chịu và đau đớn cho bệnh nhân. Các u nang không được điều trị có thể trở nên rất lớn và cuối cùng phải phải phẫu thuật cắt bỏ để không gây khó chịu cho bệnh nhân. Nếu thực hiện phẫu thuật loại bỏ hoàn toàn thì u nang bã nhờn hầu như không tái phát. Bác sĩ có thể sử dụng một trong các phương pháp sau để loại bỏ u nang bã nhờn: cắt bỏ diện rộng (loại bỏ hoàn toàn u nang nhưng có thể để lại sẹo to); cắt bỏ tối thiểu (ít để lại sẹo nhưng có nguy cơ u nang quay trở lại); laser và cắt với dụng cụ sinh thiết để dẫn lưu các chất trong u nang ra ngoài.
Bệnh nhân cần lưu ý không tự nặn ép u nang để tránh bị nhiễm trùng và tổn thương. Để phòng bệnh, nên chú ý xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh và khoa học, tăng cường các loại rau xanh, trái cây và hạn chế các thực phẩm nhiều dầu mỡ, cay nóng, đồ ăn nhanh, thực phẩm chứa nhiều gia vị như muối, đường. Bệnh nhân cũng nên uống nhiều nước để thanh lọc, giải độc tốt hơn.
Tóm lại, u nang bã nhờn không gây nguy hiểm nên bệnh nhân không cần lo lắng. Tuy nhiên, nên đi thăm khám càng sớm càng tốt nếu người bệnh thấy u nang xuất hiện tình trạng đau nhức, nhiễm trùng.... Trong một số trường hợp hiếm gặp, bệnh nhân có thể bị nhiễm trùng sau phẫu thuật loại bỏ u nang bã nhờn. Nên liên hệ với bác sĩ nếu khi có bất kỳ dấu hiệu nhiễm trùng nào như đỏ, đau tại vị trí phẫu thuật, sốt cao.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: mayoclinic.org