U nang Epidermoid hay thường được gọi là u nang bã nhờn là một trong những u nang ở da thường gặp nhất. Phương pháp điều trị u nang epidermoid, u nang bã nhờn cần phải đúng phác đồ mới mang lại hiệu quả tích cực cho người bệnh.
1. U nang Epidermoid là gì?
U nang Epidermoid hay thường được gọi là u nang bã nhờn là một dạng u da rất phổ biến. U nang Epidermoid có thể gặp ở bất cứ bộ phận nào trên cơ thể, nhưng phổ biến nhất là ở mặt, đầu, cổ, lưng và bộ phận sinh dục. Đặc trưng là những u nhỏ, kích thước từ 0.6-5cm phát triển dưới da. Các u này phát triển chậm, hầu như không có triệu chứng, không gây đau, hầu hết không phải là ung thư (tuy nhiên trong một số trường hợp hiếm gặp có thể làm phát sinh bệnh ung thư da) nên không cần điều trị. Tuy nhiên nếu u nang Epidermoid gây ảnh hưởng đến thẩm mỹ, bị vỡ hoặc viêm nhiễm, có thể cần phẫu thuật để loại bỏ.
2. Triệu chứng u nang epidermoid, u nang bã nhờn
Các triệu chứng u nang epidermoid, u nang bã nhờn là:
- Dạng u nang tròn hoặc bướu nhỏ, nhìn trông giống như một vết sưng nhỏ, màu trắng, nâu nhạt đến vàng, dễ dàng di chuyển với ngón tay. Đường kính khoảng từ 0.6-5cm, chứa đầy chất đặc.
- Trung tâm của u nang thường có một mụn đầu đen nhỏ xíu.
Khi u nang bị nhiễm trùng, khu vực u nang trở nên sưng, đỏ, đau. Khi u nang vỡ thoát ra dịch màu vàng có mùi hôi.
3. Nguyên nhân gây ra u nang epidermoid, u nang bã nhờn
Các tế bào biểu bì da tạo thành một lớp mỏng bảo vệ bề mặt da, các tế này sau khi già sẽ thoái hóa, rụng đi và được thay thế bằng các tế bào khác. Các u nang epidermoid được hình thành khi các tế bào biểu bì, thay vì chết đi lại di chuyển sâu vào các lớp trong của da và nhân lên. Quá trình này thường xảy ra ở các khu vực có các nang bã nhờn, tuyến dầu lớn như ở mặt, cổ, lưng, háng...
Các tế bào biểu bì bao bọc xung quanh u nang, sau đó tiết ra keratin vào bên trong. Keratin là một protein tự nhiên có trong tế bào da. Keratin thường có màu trắng giống bã đậu, nên đôi khi gọi là u bã đậu.
Bất kỳ ai cũng có thể mắc u nang epidermoid, tuy nhiên có một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh:
- Đang ở tuổi dậy thì: u nang epidermoid rất ít khi xuất hiện trước tuổi dậy thì.
- Có tiền sử mụn trứng cá: u nang epidermoid rất thường gặp ở người có mụn trứng cá.
- Người thường xuyên tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, không được bảo vệ
- Người có tổn thương ở da làm tăng nguy cơ mắc u nang epidermoid.
- Nam giới: tỷ lệ nam giới có u nang epidermoid nhiều hơn nữ giới.
4. Các biến chứng của u nang epidermoid, u nang bã nhờn
U nang epidermoid có thể gây ung thư da tế bào đáy và vảy, tuy nhiên điều này rất hiếm khi xảy ra. Do đó, u nang epidermoid thường không cần sinh thiết để chẩn đoán ung thư, trừ trường hợp u nang có các biểu hiện bất thường như vững chắc, bất động, bị nhiễm bệnh,...
Các biến chứng thường gặp của u nang epidermoid là viêm gây sưng, đau, nhiễm trùng, u nang vỡ gây áp xe, u nang ở bộ phận sinh dục có thể dẫn khó chịu bộ phận sinh dục, gây đau khi giao hợp và tiểu tiện.
5. Phương pháp điều trị u nang epidermoid, u nang bã nhờn
U nang epidermoid có thể không cần điều trị nếu u nang nhỏ, không có triệu chứng, không gây khó chịu.
Việc điều trị được đặt ra khi, u nang viêm, vỡ gây đau hoặc phát triển to gây ảnh hưởng đến thẩm mỹ. Phẫu thuật được thực hiện khi u nang không bị viêm, vì lớp vỏ u nang khi bị viêm rất dễ vỡ, khó loại bỏ u hoàn toàn, u dễ tái phát. Khi u đang bị viêm, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc kháng sinh, giảm đau chống viêm, điều trị đến khi tình trạng viêm khỏi hoàn toàn sẽ tiến hành phẫu thuật. Các phương pháp phẫu thuật loại bỏ u nang bác sĩ có thể lựa chọn là:
- Kỹ thuật rạch thông thường: rạch vết mổ dài bằng đường kích u nang, sau đó lấy trọn u, thao tác thận trọng để tránh làm vỡ nhằm giảm thiểu tái phát và viêm thứ cấp.
- Kỹ thuật mổ tối thiểu: thực hiện một vết mổ nhỏ khoảng một phần ba đường kính u nang, sau đó lấy u nang ra. Ưu điểm của kỹ thuật này là để lại sẹo nhỏ, tuy nhiên nguy cơ u nang không được loại bỏ hoàn toàn, khả năng tái phát cao.
- Cắt bỏ hình elip: kỹ thuật này thích hợp với các u nang bị nhiễm trùng, vỡ hoặc viêm dính sẹo vào các mô xung quanh. Phương pháp này nguy cơ cao để lại sẹo xấu tuy nhiên sẽ giúp loại bỏ toàn bộ u nang và các mô bị ảnh hưởng xung quanh, giảm thiểu nguy cơ sót lại thành nang gây tái phát.
- Phẫu thuật bằng laser carbon dioxide: đây là kỹ thuật hiện đại giúp bay hơi u nang, ít để lại sẹo.
Khi mắc u nang epidermoid, người bệnh không nên đè ép, tự nặng vì u nang có thể bị nhiễm trùng, gây ra sẹo. Nếu u nang phát triển gây ảnh hưởng đến sức khỏe, hãy khám bác sĩ được điều trị phù hợp. Che chắn da khi tiếp xúc với ánh nắng, sử dụng các sản phẩm chống nắng và các loại mỹ phẩm chăm sóc da dầu có thể hạn chế được phần nào sự hình thành các u nang epidermoid.
XEM THÊM
- Các biện pháp chẩn đoán ung thư da
- Vai trò của sinh thiết trong chẩn đoán ung thư da
- "Phép màu" trả lại gương mặt cho người 10 năm bị ung thư da