Nhận biết tắc lệ đạo ở trẻ sơ sinh

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ nội trú Dương Văn Sỹ - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.

Tắc lệ đạo ở trẻ sơ sinh không phải là một bệnh lý hiếm gặp và thường biểu hiện trong những ngày đầu sau sinh. Bất thường này do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra và có thể tự hồi phục sau một khoảng thời gian. Tuy nhiên, việc thăm khám và điều trị bởi các bác sĩ chuyên khoa sẽ giúp giảm nhẹ triệu chứng và đẩy nhanh việc phục hồi.

1. Tắc lệ đạo ở trẻ sơ sinh là bệnh gì?

Tắc lệ đạo còn gọi là tắc ống dẫn nước mắt, là tình trạng tắc nghẽn sự lưu thông nước mắt trong hệ thống ống nối thông giữa mắt xuống mũi. Lệ đạo có vai trò như ống thông giữa mắt và mũi, khởi đầu từ điểm lệ ở khóe mắt trong, bao gồm lệ quản, túi lệ, ống lệ mũi và đổ vào khe mũi dưới.

Thông thường, nước mắt được tiết ra từ tuyến lệ, chảy dồn vào khoé mắt trong nhờ các cử động chớp mắt, theo lệ đạo chảy xuống mũi. Điều này giải thích tại sao khi khóc có thể làm chảy nước mũi.

2. Nguyên nhân tắc lệ đạo

Bất kỳ một nguyên nhân nào làm cản trở sự lưu thông nước mắt từ mắt xuống mũi đều gây ra tình trạng tắc lệ đạo ở trẻ sơ sinh. Một số nhóm bất thường phổ biến như:

  • Không có hoặc hẹp điểm lệ nằm ở góc trong của mắt, là điểm khởi đầu của ống lệ đạo.
  • Tắc lệ đạo bẩm sinh: thông thường còn tồn tại màng mỏng gây tắc nghẽn đầu dưới lệ đạo hoắc ống lệ mũi bị biến dạng. Đây là kết quả của quá trình hình thành lệ đạo không hoàn chỉnh trong giai đoạn bào thai. Nguyên nhân này chiếm khoảng 20% trong tất cả các trường hợp.
  • Rò ống lệ mũi bẩm sinh.
  • Bất thường vùng xương hàm mặt cũng làm tăng khả năng mắc phải tắc lệ đạo, gặp trong hội chứng Down.
  • Polyp mũi làm tắc nghẽn đường thoát nước mắt của ống lệ mũi có thể là nguyên nhân gây tắc lệ đạo ở trẻ sơ sinh.
  • U: bất kỳ một khối u nào có khả năng gây chèn ép ống dẫn nước mắt đều là nguyên nhân của tắc lệ đạo.

3. Triệu chứng tắc lệ đạo ở trẻ sơ sinh

Dấu hiệu tắc lệ đạo nổi bật nhất là tình trạng chảy nước mắt nhiều. Bất kỳ một nguyên nhân nào gây tắc lệ đạo đều ngăn cản sự thoát nước mắt xuống mũi. Bố mẹ thường phát hiện tắc lệ đạo ở trẻ sơ sinh sớm nhờ vào dấu hiệu này. Mắt trẻ sơ sinh dù không khóc vẫn long lanh, ngấn đầy nước mắt, thậm chí nước mắt rơi thành giọt lã chã. Dân gian vẫn hay gọi dấu hiệu này là chảy nước mắt sống.


Dấu hiệu tắc lệ đạo nổi bật nhất là tình trạng chảy nước mắt nhiều
Dấu hiệu tắc lệ đạo nổi bật nhất là tình trạng chảy nước mắt nhiều

Trẻ sơ sinh bị tắc lệ đạo chảy nhiều nước mắt sống hơn nếu tiếp xúc với trời lạnh, gió hoặc ánh nắng mặt trời. Khi gặp phải triệu chứng này, bố mẹ cần đưa trẻ đến khám tại bác sĩ chuyên khoa mắt để loại trừ các nguyên nhân nguy hiểm hơn gây chảy nhiều nước mắt như glaucoma ở mắt và nhiễm khuẩn mắt.

Viêm lệ đạo có thể xuất hiện lặp lại đồng thời với tắc lệ đạo ở trẻ sơ sinh. Bình thường, nước mắt có vai trò bôi trơn và làm sạch nhãn cầu. Khi tắc lệ đạo, nước mắt bị ứ đọng kéo theo ứ đọng bụi bẩn và vi khuẩn làm tăng nguy cơ nhiễm trùng mạn tính. Trẻ có thể phải đối mặt với các biểu hiện như:

  • Ghèn mắt xuất hiện nhiều vào lúc ngủ dậy. Ghèn mắt đóng nhiều làm hai mi mắt dính sát vào nhau.
  • Đỏ mắt. Đỏ mắt nặng hơn nếu trẻ thường xuyên lấy tay dụi hai mắt.

Đối với các trường hợp nặng hơn, trẻ có thể biểu hiện sưng đỏ, đau ở góc mắt, chảy mủ.

Nếu tình trạng viêm không được điều trị dứt điểm, có thể dẫn đến các biến chứng nặng nề như áp xe túi lệ, dò lệ đạo, chảy mủ ra ngoài, gây nhiều khó chịu cho trẻ.

Mức độ biểu hiện các triệu chứng lâm sàng thay đổi phụ thuộc vào mức độ tắc nghẽn lệ đạo một phần hay hoàn toàn. Khi ống lệ mũi bị tắc hoàn toàn, các triệu chứng xuất hiện rõ ràng và đến sớm hơn.

4. Chẩn đoán tắc lệ đạo

Tắc lệ đạo ở trẻ sơ sinh được chẩn đoán bằng việc phối hợp giữa hỏi bệnh sử, thăm khám lâm sàng và các phương tiện cận lâm sàng. Bác sĩ sẽ tiến hành một thử nghiệm nhằm đánh giá tình trạng lưu thông của ống lệ như sau: bơm dịch vào lỗ lệ ở góc trong mắt nghi ngờ có tắc lệ đạo. Dịch bơm bị ứ đọng là dấu hiệu gợi ý nhiều khả năng trẻ đang gặp phải vấn đề tắc nghẽn lệ đạo.

Để chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh và nguyên nhân gây ra tắc lệ đạo ở trẻ sơ sinh, bác sĩ có thể cân nhắc chỉ định thêm các xét nghiệm chuyên sâu khác như chụp Xquang và CT scan hệ thống lệ đạo có sử dụng thuốc cản quang.

Là lĩnh vực trọng điểm của hệ thống Y tế Vinmec, Khoa Nhi luôn mang lại sự hài lòng cho Quý khách hàng và được các chuyên gia trong ngành đánh giá cao với:

  • Quy tụ đội ngũ y bác sĩ về Nhi khoa: gồm các chuyên gia có trình độ chuyên môn cao (giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ), giàu kinh nghiệm, từng công tác tại các bệnh viện lớn như Bạch Mai, 108.. Các bác sĩ đều được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp, có tâm - tầm, am hiểu tâm lý trẻ. Bên cạnh các bác sĩ chuyên khoa Nhi trong nước, khoa Nhi còn có sự tham gia của các chuyên gia nước ngoài (Nhật Bản, Singapore, Úc, Mỹ) luôn tiên phong áp dụng những phác đồ điều trị mới nhất và hiệu quả nhất.
  • Dịch vụ toàn diện: Trong lĩnh vực Nhi khoa, Vinmec cung cấp chuỗi các dịch vụ khám - chữa bệnh liên hoàn từ Sơ sinh đến Nhi và Vaccine,... theo tiêu chuẩn Quốc tế để cùng bố mẹ chăm sóc sức khỏe bé từ khi lọt lòng đến tuổi trưởng thành
  • Kỹ thuật chuyên sâu: Vinmec đã triển khai thành công nhiều kỹ thuật chuyên sâu giúp việc điều trị các căn bệnh khó trong Nhi khoa hiệu quả hơn: phẫu thuật thần kinh - sọ, ghép tế bào gốc tạo máu trong điều trị ung thư.
  • Chăm sóc chuyên nghiệp: Ngoài việc thấu hiểu tâm lý trẻ, Vinmec còn đặc biệt quan tâm đến không gian vui chơi của các bé, giúp các bé vui chơi thoải mái và làm quen với môi trường của bệnh viện, hợp tác điều trị, nâng cao hiệu quả khám chữa bệnh.

Để được thăm khám với các bác sĩ chuyên khoa nhi có kinh nghiệm tại Vinmec. Quý khách vui lòng đặt lịch tại website để được phục vụ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe