Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Hoàng Thanh Nga - Khoa khám bệnh và Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long. Bác sĩ có 10 năm làm việc trong lĩnh vực nhãn khoa.
Hiện tượng chảy nước mắt liên tục mà dân gian gọi là chảy nước mắt sống thường gây cảm giác khó chịu và ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt. Hiện tượng này có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng thường gặp nhất ở trẻ sơ sinh. Nguyên nhân phổ biến nhất là do tắc lệ đạo.
1. Tổng quan về bệnh tắc lệ đạo
1.1. Vai trò của nước mắt
Nước mắt đóng vai trò quan trọng với thị giác, giúp duy trì sức khỏe của mắt bằng việc giữ ẩm và cung cấp oxy cho nhãn cầu, nước mắt cũng chứa kháng sinh tự nhiên tự động rửa trôi các chất kích ứng hoặc có hại. Nước mắt chảy ra từ tuyến lệ, nằm trên mắt và cách mũi khá xa và thoát vào 2 điểm lệ rất nhỏ ở góc trong mi trên và mi dưới. Lượng nước mắt này sẽ chảy tiếp qua 2 lệ quản nằm trong mí mắt để xuống túi lệ ở mặt bên sống mũi, rồi được dẫn xuống mũi thông qua ống lệ mũi. Tại đây nước mắt sẽ bốc hơi hoặc tái hấp thu.
1.2. Tắc lệ đạo là gì?
Do đặc điểm giải phẫu của tuyến lệ là hệ thống ống nên bệnh lý thường gặp nhất ở lệ đạo là tắc lệ đạo. Khi bị tắc lệ đạo trẻ em có thể khóc nhưng nước mắt không còn thoát được xuống mũi như bình thường, gây tình trạng chảy nước mắt sống dẫn tới nhiễm khuẩn đường lệ gây viêm nhiễm, đau nhức. Khoảng 20% trẻ em bị tắc tuyến lệ bẩm sinh, hầu hết tự khỏi khi trẻ được 1 tuổi. Tắc lệ đạo ở người lớn thường xảy ra khi bệnh nhân bị nhiễm trùng, sưng nề, khối u ở mắt, khiến hệ thống dẫn lưu nước mắt bị tắc 1 phần hoặc hoàn toàn.
=>>Xem thêm: Nhận biết tắc lệ đạo ở trẻ sơ sinh
2. Vì sao lệ đạo bị tắc?
Tắc lệ đạo có thể xảy ra ở mọi đối tượng, từ trẻ sơ sinh đến thanh thiếu niên hay người lớn tuổi, tuy nhiên thường gặp ở phụ nữ nhiều hơn so với nam giới. Trẻ sơ sinh (đặc biệt là trẻ sinh non) dễ bị tắc lệ đạo, còn gọi là tắc lệ đạo bẩm sinh.
Tắc lệ đạo có thể xảy ra do các nguyên nhân như:
- Tắc lệ đạo bẩm sinh: Không có điểm lệ, rò túi lệ, viêm đường lệ sơ sinh,
- Các bệnh viêm nhiễm lâu ngày: Viêm mũi, viêm xoang mạn tính, viêm mũi dị ứng, đau mắt hột, viêm kết mạc.
- Khối u, sẹo tại mắt gây co kéo chèn ép đường dẫn lệ.
- Bỏng, chấn thương (chấn thương mắt mũi, phẫu thuật xoang hàm) gây tắc, đứt lệ quản, co kéo điểm lệ bị lệch đi.
- Thay đổi do tuổi tác: hẹp điểm lệ ở người lớn tuổi.
- Bất thường phát triển sọ và mắt: Hội chứng Down hoặc các rối loạn khác có thể tăng nguy cơ bị tắc lệ đạo.
=>> Xem thêm: Cách xử trí chảy nước mắt sống do tắc lệ đạo ở trẻ
3. Cách nhận biết khi tắc lệ đạo
Tắc lệ đạo có thể sẽ gây ứ đọng vi trùng trong ống lệ mũi và viêm túi lệ. Các triệu chứng của nhiễm trùng ở mắt bao gồm:
- Bệnh nhân chảy nước mắt liên tục trong nhiều ngày
- Mắt có dấu hiệu nhiễm trùng nhiều lần hoặc liên tục
- Đóng vảy ở lông mi
- Góc mắt trong hoặc khu vực giữa mắt và mũi đỏ, sưng nề
- Xuất tiết nhầy (chảy mủ) ở khóe mắt
- Nhìn mờ, ảnh hưởng thị lực.
- Nước mắt có lẫn vệt máu.
- Sốt
Hệ thống thoát lưu có thể bị tắc ở bất kỳ vị trí nào và dễ trở nặng khi bị cảm lạnh, viêm xoang, ra nắng ra gió hoặc tiếp xúc với không khí lạnh. Nếu không được điều trị, tắc lệ đạo mãn tính có thể tiến triển thành viêm cấp tính gây áp xe tại túi lệ, thậm chí gây rò, chảy mủ ra ngoài ra. Bệnh nhân bị tắc lệ đạo thường đau nhức nhiều, góc trong mắt bị sưng nề tấy đỏ. Nhìn chung khi có triệu chứng bị kích ứng, chảy nước mắt hoặc viêm nhiễm kéo dài, người bệnh nên sớm đến bác sĩ nhãn khoa thăm khám.
Hiện nay vẫn chưa có biện pháp cụ thể để phòng ngừa tắc lệ đạo bẩm sinh. Riêng trường hợp tắc lệ đạo do chấn thương hoặc phẫu thuật thì biện pháp tốt nhất là tránh bị những tổn thương này. Với bệnh nhân mắc những bệnh viêm nhiễm mãn tính ở mắt như đau mắt hột, viêm kết mạc thì điều trị sớm và triệt để cũng góp phần hạn chế tắc lệ đạo.
Lời khuyên từ bác sĩ chuyên khoa: Tắc lệ đạo sẽ khiến gây ra biểu hiện khó chịu cho người bệnh như chảy nước mắt thường xuyên hay có biến chứng nặng như viêm mủ túi lệ. Bởi vậy người bệnh nên đến khám chuyên khoa Mắt sớm để có phương pháp điều trị phù hợp, kịp thời.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.