Khi nước mắt không thoát được sẽ trào ra ngoài từ góc trong của mắt, gây ra triệu chứng chảy nước mắt sống. Nếu tình trạng chảy nước mắt sống kéo dài, nước mắt bị ứ đọng tại túi lệ thì có thể gây ra nhiễm khuẩn lệ đạo rất nguy hiểm.
1. Chảy nước mắt sống là bệnh gì?
Chảy nước mắt sống là tình trạng nước mắt chảy tràn trên mặt nhưng chưa xác định được nguyên nhân. Đối với cơ thể, nước mắt giúp giữ ẩm và làm bề mặt nhãn cầu được sạch, mắt có thể nhìn rõ hơn.
Nước mắt sau khi được tiết ra trong nhãn cầu sẽ chảy dồn về góc mắt, sau đó theo lệ đạo chảy xuống mũi. Tuy nhiên, khi nước mắt không theo lệ đạo xuống mũi và chảy tràn trên mặt do tuyến lệ bị tắc thì đó chính là hiện tượng chảy nước mắt sống.
Chảy nước mắt sống có thể gặp ở bất kỳ độ tuổi nào, nhưng thường gặp nhất là trẻ sơ sinh dưới 12 tháng tuổi và người từ 60 tuổi trở lên. Chảy nước sống có thể gặp ở 1 hoặc 2 bên mắt.
2. Nguyên nhân gây bệnh chảy nước mắt sống
Có nhiều nguyên nhân gây bệnh chảy nước mắt sống:
- Tắc tuyến lệ (tắc lệ đạo): Tắc tuyến lệ được xem là nguyên nhân chính gây ra hiện tượng chảy nước mắt sống. Tuyến lệ hay còn gọi là lệ đạo là một ống thoát nước mắt gồm có lỗ lệ, túi lệ, lệ quản và ống lệ mũi, xuất phát từ góc trong mắt đến khe mũi. Nước mắt sau khi được tiết ra sẽ theo ống này xuống mũi. Nếu khóc nhiều, lượng nước mắt tăng lên, khi đó chúng ta có thể thấy nước mắt chảy cả ra mũi. Tắc tuyến lệ thường gặp ở ống lệ mũi, có thể xuất hiện ở trẻ sơ sinh và cả người cao tuổi.
- Nhiễm trùng mắt: Hai loại nhiễm trùng thường gặp và gây chảy nước mắt sống là viêm bờ mi và viêm kết mạc. Nhiễm trùng ở mắt có thể do virus, vi khuẩn, nấm gây ra, nhưng chủ yếu là do virus.
- Dị ứng: Tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng như bụi bẩn, phấn hoa, cây cỏ, lông động vật hay nấm mốc có thể gây ra phản ứng dị ứng và khiến mắt bị kích thích, ngứa mắt, đỏ mắt, rát mắt và chảy nước mắt sống.
- Kính áp tròng bẩn, cũ: Việc sử dụng kính áp tròng trong thời gian dài, khi kính áp tròng cũ và bẩn có thể làm tăng nguy cơ nhiễm ký sinh trùng Acanthamoeba. Loại ký sinh trùng này có thể ăn mòn giác mạc và tấn công nhãn cầu, gây ra các triệu chứng như ngứa mắt, rát mắt, sưng mí mắt, đau mắt, nhìn mờ, mắt nhạy cảm với ánh sáng và chảy nước mắt sống.
- Nguyên nhân khác: Liệt dây thần kinh số VII làm ảnh hưởng đến lệ đạo cũng có thể gây hở mi và chảy nước mắt sống. Người bị sẹo ở mí mắt, thừa nhiều da mi, mỡ xung quanh hốc mắt cũng có thể làm cho hồ lệ không hút được nước mắt, nước mắt chảy tràn trên mặt. Đối với người cao tuổi, chảy nước mắt sống có thể là do giảm trương lực của túi lệ gây ra, khi túi lệ suy giảm khả năng co bóp để hút và dẫn lưu nước mắt.
3. Điều trị chảy nước mắt sống
Tùy vào nguyên nhân gây chảy nước mắt sống sẽ có biện pháp điều trị phù hợp, cụ thể như sau:
- Tắc tuyến lệ: Phẫu thuật đặt ống silicon trong lệ quản để tiếp khẩu lệ mũi là biện pháp phù hợp với tỷ lệ thành công cao và an toàn, hiệu quả hơn so với biện pháp thông tuyến lệ thường dùng.
- Nhiễm trùng mắt, khô mắt: Điều trị chảy nước mắt sống do nhiễm trùng mắt sử dụng thuốc kháng sinh và chống viêm một cách linh hoạt. Nếu việc dùng thuốc gây khô mắt có thể kết hợp với nước mắt nhân tạo.
- Hở mi, dị tật ở mi: Tùy vào mức độ hở mi sẽ có biện pháp điều trị phù hợp. Với hở mi nhẹ, người bệnh có thể dùng thuốc tra mắt dạng gel. Với hở mi nặng và nguy cơ loét giác mạc cao, người bệnh cần được phẫu thuật khâu cò mi.
- Giảm trương lực túi lệ: Nếu chảy nước mắt sống do giảm trương lực túi lệ gây ra, người bệnh có thể áp dụng biện pháp day nắn túi lệ. Động tác này được hiện bằng cách đặt ngón trỏ dọc theo ống lệ ở mũi, sau đó day và miết nhẹ sống mũi để làm thông thoáng ống lệ. Thực hiện động tác này 3 - 4 đợt/ngày và 10 - 15 lần/đợt.
4. Phòng ngừa bệnh chảy nước mắt sống hà thủy
Chảy nước mắt sống là bệnh thường gặp, tuy không nặng nhưng lại ảnh hưởng đến sinh hoạt thường ngày. Ngoài nguyên nhân chính là tắc tuyến lệ, còn nhiều nguyên nhân khác liên quan đến mắt gây ra tình trạng này. Do đó, khi có biểu hiện thì người bệnh nên đến cơ sở y tế có chuyên khoa mắt để thăm khám.
Ngoài ra, có thể phòng ngừa bệnh chảy nước mắt sống bằng các biện pháp sau:
- Đảm bảo an toàn lao động bằng cách đeo kính hoặc mũ bảo hộ để tránh dị vật bay hoặc bắn vào mắt.
- Hạn chế và phòng ngừa chấn thương vùng đầu ảnh hưởng đến mắt khi tham gia giao thông bằng cách đội mũ bảo hiểm.
- Thăm khám mắt định kỳ để kịp thời phát hiện và điều trị các bệnh về mắt, nhất là khi bị nhiễm trùng mắt.
Chảy nước mắt sống là bệnh chủ yếu do tắc tuyến lệ gây ra, khiến cho nước mắt thay vì được thoát theo ống dẫn lệ thì chảy tràn trên mặt. Nếu gặp phải tình trạng này, người bệnh cần khám để xác định nguyên nhân và điều trị sớm.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.