Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc - Bác sĩ Nội tổng quát - Nội tiết - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park. Bác sĩ đã có hơn 10 năm học tập, nghiên cứu và làm việc trong lĩnh vực nội tiết.
Kali là một chất điện phân vì nó có tính phản ứng cao trong nước. Khi hòa tan trong nước, nó tạo ra các ion tích điện dương, cho phép kali dẫn điện. Điều này đặc biệt quan trọng đối với nhiều hoạt động của các quá trình trong cơ thể. Một chế độ ăn giàu kali mang lại nhiều lợi ích sức khỏe.
1. Kali là gì?
Kali là khoáng chất phong phú thứ 3 trong cơ thể.
Kali giúp cơ thể cân bằng độ pH và chất dịch trong cơ thể, gửi tín hiệu thần kinh và điều chỉnh các cơn co thắt cơ bắp.
Khoảng 98% kali trong cơ thể bạn được tìm thấy trong các tế bào. Trong đó, 80% được tìm thấy bên trong các tế bào cơ của bạn, trong khi 20% còn lại có thể được tìm thấy trong xương, gan và hồng cầu của bạn. Khi ở trong cơ thể bạn, kali hoạt động như một chất điện phân.
Khi ở trong nước, chất điện phân hòa tan thành các ion dương hoặc âm có khả năng dẫn điện. Các ion kali mang điện tích dương.
Cơ thể chúng ta sử dụng chất điện phân này để quản lý một loạt các quá trình, bao gồm cân bằng chất dịch của cơ thể, tín hiệu thần kinh và co thắt cơ bắp.
Do đó, một lượng chất điện giải thấp hoặc cao trong cơ thể có thể ảnh hưởng đến nhiều chức năng quan trọng.
Kali giúp điều chỉnh cân bằng chất lỏng
Nước chiếm tới khoảng 60% trong tổng trọng lượng của cơ thể. 40% lượng nước này được tìm thấy bên trong các tế bào gọi là dịch nội bào (ICF).
Phần còn lại được tìm thấy bên ngoài các tế bào, các khu vực như máu, dịch tủy sống và giữa các tế bào. Chất lỏng này được gọi là dịch ngoại bào (ECF).
Đặc biệt, lượng nước trong ICF và ECF bị ảnh hưởng bởi nồng độ chất điện giải của chúng, bao gồm là kali và natri.
Kali là chất điện phân chính trong ICF và nó quyết định lượng nước bên trong các tế bào. Ngược lại, natri là chất điện phân chính trong ECF và nó quyết định lượng nước bên ngoài các tế bào.
Số lượng chất điện giải liên quan đến lượng chất lỏng được gọi là thẩm thấu. Trong điều kiện bình thường, tính thẩm thấu là giống nhau giữa bên trong và bên ngoài các tế bào của bạn.
Nói một cách đơn giản, có sự cân bằng các chất điện giải bên ngoài và bên trong các tế bào của bạn.
Tuy nhiên, khi độ thẩm thấu không đồng đều, nước từ bên có ít chất điện giải sẽ di chuyển sang bên có nhiều chất điện giải hơn để cân bằng nồng độ chất điện giải.
Điều này có thể khiến các tế bào co lại khi nước di chuyển ra khỏi chúng, hoặc có thể phồng lên hay vỡ ra khi nước di chuyển..
Đó là lý do tại sao điều quan trọng là bạn cần đảm bảo tiêu thụ đúng chất điện giải, bao gồm kali.
Duy trì cân bằng chất dịch trong cơ thể tốt đóng vai trò rất quan trọng cho sức khỏe. Cân bằng chất lỏng kém có thể dẫn đến tình trạng mất nước, do đó ảnh hưởng đến hoạt động của tim và thận.
Kali rất quan trọng đối với hệ thần kinh
Hệ thống thần kinh chuyển tiếp các tín hiệu giữa não và cơ thể.
Những tín hiệu này được gửi dưới dạng các xung thần kinh và giúp điều chỉnh các cơn co thắt cơ bắp, nhịp tim, phản xạ và nhiều chức năng khác trong cơ thể. Điều thú vị là các xung thần kinh được tạo ra bởi các ion natri di chuyển vào tế bào và các ion kali di chuyển ra khỏi tế bào.
Sự chuyển động của các ion làm thay đổi điện áp của tế bào, kích hoạt xung thần kinh.
Sự sụt giảm nồng độ kali trong máu có thể ảnh hưởng đến khả năng tạo ra xung thần kinh của cơ thể. Bổ sung đủ kali từ chế độ ăn uống của bạn có thể giúp bạn duy trì chức năng của thần kinh.
Kali giúp điều chỉnh co thắt cơ bắp và tim
Hệ thống thần kinh giúp điều chỉnh các cơn co thắt cơ bắp.
Tuy nhiên, nồng độ kali trong máu thay đổi có thể ảnh hưởng đến các tín hiệu thần kinh trong hệ thống thần kinh, làm suy yếu các cơn co thắt cơ bắp.
Cả nồng độ kali trong máu thấp và cao đều có thể ảnh hưởng đến các xung thần kinh bằng cách thay đổi điện thế của các tế bào thần kinh. Khoáng chất này cũng đóng vai trò rất quan trọng để có được một trái tim khỏe mạnh, vì sự di chuyển của nó trong và ngoài tế bào giúp duy trì hoạt động đều đặn của nhịp tim.
Khi nồng độ kali trong máu quá cao, tim có thể bị giãn và mềm. Điều này có thể làm suy yếu các cơn co thắt của nó và tạo ra nhịp tim bất thường.
Tương tự như vậy, nồng độ kali thấp trong máu cũng có thể làm thay đổi nhịp tim.
Khi nhịp tim thay đổi, có thể dẫn đến tình trạng tim không bơm đủ máu lên não, các cơ quan khác và cơ bắp.
Trong một số trường hợp, rối loạn nhịp tim, hoặc nhịp tim không đều, có thể gây tử vong một cách đột ngột.
2. Vì sao cần bổ sung kali?
Tiêu thụ một chế độ ăn giàu kali có liên quan đến nhiều lợi ích sức khỏe.
Có thể giúp giảm huyết áp
Huyết áp cao ảnh hưởng đến sức khỏe của gần 1⁄3 người Mỹ. Đây là một yếu tố nguy cơ gây bệnh tim, nguyên nhân hàng đầu gây tử vong trên toàn thế giới.
Một chế độ ăn giàu kali có thể làm giảm huyết áp bằng cách giúp cơ thể loại bỏ lượng natri dư thừa.
Nồng độ natri cao có thể làm tăng huyết áp, đặc biệt đối với những người có huyết áp cao.
Nghiên cứu cho thấy khi những người bị huyết áp cao tăng lượng kali, huyết áp tâm thu của họ giảm 3,49 mmHg, trong khi huyết áp tâm trương giảm 1,96 mmHg, Trong một nghiên cứu khác bao gồm 1.285 người tham gia ở độ tuổi từ 25-64, các nhà khoa học phát hiện ra rằng những người bổ sung nhiều kali nhất đã giảm huyết áp, so với những người ăn ít nhất.
Những người tiêu thụ nhiều nhất có huyết áp tâm thu thấp hơn 6 mmHg và huyết áp tâm trương thấp hơn trung bình 4 mmHg.
Có thể giúp bảo vệ cơ thể chống lại đột quỵ
Đột quỵ xảy ra khi thiếu lưu lượng máu đến não. Đó là nguyên nhân gây ra cái chết của hơn 130.000 người Mỹ mỗi năm. Một số nghiên cứu đã phát hiện ra rằng một chế độ ăn giàu kali có thể giúp ngăn ngừa đột quỵ. Một nghiên cứu bao gồm 128.644 người tham gia, các nhà khoa học phát hiện ra rằng những người ăn nhiều kali nhất có nguy cơ đột quỵ thấp hơn 24% so với những người ăn ít nhất.
Ngoài ra, một nghiên cứu khác với 247.510 người tham gia cho thấy những người ăn nhiều kali nhất có nguy cơ đột quỵ thấp hơn 21%. Họ cũng phát hiện ra rằng ăn một chế độ ăn giàu khoáng chất này có liên quan đến việc giảm nguy cơ mắc bệnh tim.
Có thể giúp ngăn ngừa loãng xương
Loãng xương là một tình trạng đặc trưng bởi xương rỗng và xốp.
Nó thường liên quan đến mức canxi thấp, một khoáng chất quan trọng đối với sức khỏe của xương. Điều thú vị là các nghiên cứu cho thấy chế độ ăn giàu kali có thể giúp ngăn ngừa bệnh loãng xương bằng cách giảm lượng canxi mà cơ thể mất qua nước tiểu. Trong một nghiên cứu được thực hiện ở 62 phụ nữ khỏe mạnh ở độ tuổi 45 - 55, các nhà khoa học phát hiện ra rằng những người ăn nhiều kali nhất có tổng khối lượng xương lớn nhất. Trong một nghiên cứu khác với 994 phụ nữ tiền mãn kinh khỏe mạnh, các nhà khoa học phát hiện ra rằng những người ăn nhiều kali nhất có khối lượng xương nhiều hơn ở lưng dưới và xương hông.
Có thể giúp ngăn ngừa sỏi thận
Sỏi thận là những khối vật chất có thể hình thành trong nước tiểu.
Canxi là một khoáng chất phổ biến trong sỏi thận và một số nghiên cứu cho thấy kali citrat làm giảm nồng độ canxi trong nước tiểu. Bằng cách này, kali có thể giúp chống lại sỏi thận.
Nhiều loại trái cây và rau quả có chứa kali citrate, vì vậy không khó khăn để bổ sung kali vào chế độ ăn uống của bạn.
Trong một nghiên cứu kéo dài 4 năm, thực hiện đối với 45.619 người đàn ông, các nhà khoa học phát hiện ra rằng những người tiêu thụ nhiều kali nhất hàng ngày có nguy cơ sỏi thận thấp hơn 51%.
Tương tự, trong một nghiên cứu kéo dài 12 năm , ở 91.731 phụ nữ, các nhà khoa học phát hiện ra rằng những người tiêu thụ nhiều kali hàng ngày có nguy cơ sỏi thận thấp hơn 35%.
Có thể làm giảm tình trạng tích nước
Giữ nước xảy ra khi chất lỏng dư thừa tích tụ bên trong cơ thể.
Trong lịch sử, kali đã được sử dụng để điều trị tình trạng tích nước. Các nghiên cứu cho thấy rằng một lượng kali cao có thể giúp giảm giữ nước bằng cách tăng sản xuất nước tiểu và giảm nồng độ natri.
3. Nguyên tắc bổ sung kali cho cơ thể
Thiếu hụt kali thường xảy ra hơn ở một số đối tượng, bao gồm:
- Sử dụng một số loại thuốc, chẳng hạn như thuốc lợi tiểu
- Công việc đòi hỏi nhiều về thể chất
- Vận động viên luyện tập ở khu vực có nhiệt độ cao và đổ mồ hôi quá mức
- Có tình trạng sức khỏe ảnh hưởng đến sự hấp thụ của hệ tiêu hóa, chẳng hạn như bệnh Crohn
- Rối loạn ăn uống
- Hút thuốc lá hoặc hít phải nhiều khói thuốc
- Lạm dụng rượu hoặc ma túy
Chế độ ăn uống với nguồn thực phẩm giàu kali và ít natri có thể làm giảm nguy cơ huyết áp cao và đột quỵ.
Tuy nhiên, nếu bổ sung lượng kali rất cao có thể gây tử vong.
Một số thực phẩm tự nhiên giàu kali bao gồm:
- Chuối
- Bơ
- Các loại hạt, như hạnh nhân và đậu phộng
- Trái cây có múi
- Các loại rau xanh
- Sữa
- Khoai tây
Bạn cần lưu ý, với một số loại thực phẩm khi được đun sôi có thể làm giảm hàm lượng kali.
4. Rủi ro khi bổ sung kali
Một số rủi ro có thể xảy ra khi bạn bổ sung hàm lượng kali không hợp lý, chẳng hạn như:
- Ở liều cao, kali có thể gây nguy hiểm. Không nên dùng chất bổ sung kali mà không có sự tư vấn của bác sĩ. Ở liều bình thường, kali khá an toàn. Nó có thể gây khó chịu cho dạ dày . Một số người có thể bị dị ứng với chất bổ sung kali.
- Những người mắc bệnh thận, bệnh tiểu đường, bệnh tim, bệnh Addison, loét dạ dày, hoặc các vấn đề sức khỏe khác, không nên uống bổ sung kali khi chưa được bác sĩ chỉ định.
- Sử dụng quá liều: các dấu hiệu do bổ sung quá liều kali bao gồm yếu cơ hoặc tê liệt, nhịp tim không đều, nhầm lẫn, cảm giác ngứa ran ở tay chân, huyết áp thấp và hôn mê.
- Các tác dụng phụ khác có thể xảy ra là : yếu cơ hoặc tê liệt, rối loạn nhịp tim.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Bài viết tham khảo nguồn: webmd.com, healthline.com
XEM THÊM: