Nguyên nhân nhiễm toan ceton ở người bệnh đái tháo đường

Bài viết bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Mai Xuân Thiên - Bác sĩ cấp cứu - Khoa Cấp cứu - Bệnh viện Đa khoa quốc tế Vinmec Times City

Toan ceton ở người bệnh đái tháo đường có thể ảnh hưởng đến tính mạng nếu không được điều trị đúng và kịp thời. Chính vì thế, nếu bị đái tháo đường hoặc bạn có nguy cơ bị tiểu đường, bạn cần phải biết các dấu hiệu cảnh báo của toan ceton và khi nào cần phải đến bệnh viện ngay.

1. Toan ceton là gì?

Toan ceton là một trong những biến chứng nguy hiểm ở người bệnh đái tháo đường xảy ra khi cơ thể sinh ra nhiều ceton trong máu do không đủ insulin.

Bình thường Insulin có vai trò quan trọng để giúp Glucose – nguồn năng lượng chính cho cơ và các mô khác – vào tế bào. Khi không đủ insulin hoặc insulin làm việc không hiệu quả, cơ thể bắt đầu sử dụng nguồn năng lượng từ chất béo. Quá trình này tạo ra nhiều Ceton trong máu, cuối cùng sẽ dẫn đến toan ceton nếu không được điều trị.

Nếu bạn bị đái tháo đường hoặc bạn có nguy cơ bị tiểu đường, bạn cần phải biết các dấu hiệu cảnh báo của toan ceton và khi nào cần phải đến bệnh viện ngay.


Nếu bạn bị đái tháo đường hoặc bạn có nguy cơ bị tiểu đường, bạn cần phải biết các dấu hiệu cảnh báo của toan ceton
Nếu bạn bị đái tháo đường hoặc bạn có nguy cơ bị tiểu đường, bạn cần phải biết các dấu hiệu cảnh báo của toan ceton

2. Triệu chứng toan ceton

Triệu chứng và dấu hiệu của toan ceton thường tiến triển rất nhanh, thỉnh thoảng trong vòng 24 giờ, đối với một vài trường hợp, những dấu hiệu và triệu chứng này cũng có thể là biểu hiện đầu tiên của bệnh đái tháo đường.

  • Khát nhiều
  • Tiểu nhiều
  • Buồn nôn và nôn
  • Đau bụng
  • Cảm giác mệt mỏi, yếu cơ
  • Khó thở
  • Hơi thở mùi hạnh nhân
  • Lú lẫn

Bạn có thể nhận ra những dấu hiệu đặc hiệu hơn nếu bạn có những dụng cụ kiểm tra tại nhà bao gồm

  • Nồng độ đường trong máu cao
  • Nồng độ ceton trong nước tiểu cao

Triệu chứng và dấu hiệu của toan ceton có thể là khó thở
Triệu chứng và dấu hiệu của toan ceton có thể là khó thở

3. Khi nào bạn cần phải đến bệnh viện?

Nếu bạn đang điều trị tiểu đường, đột nhiên cảm thấy mệt mỏi hoặc bạn đang bị bệnh nào đó, kiểm tra đường máu mao mạch thường xuyên. Bạn còn có thể mua những kit xét nghiệm ceton niệu.

Đến bệnh viện ngay nếu:

  • Nôn nhiều mà không thể ăn uống gì
  • Đường máu của cao hơn ngưỡng đích và không đáp ứng với điều trị hiện tại ở nhà
  • Lượng ceton trong nước tiểu ở mức trung bình hoặc cao

Hoặc nếu có những dấu hiệu của nhiễm toan ceton như mô tả ở trên. Nên nhớ, toan ceton ở người bệnh đái tháo đường có thể ảnh hưởng đến tính mạng nếu không được điều trị đúng và kịp thời.

4. Nguyên nhân gây ra toan ceton

Đường là nguồn năng lượng chính cho tế bào như cơ và các mô khác. Bình thường, insulin sẽ giúp đường đi vào trong tế bào để thực hiện nhiệm vụ chuyển hóa sinh năng lượng. Nếu không có đủ insulin hoặc insulin hoạt động không thỏa đáng thì cơ thể sẽ không thể sử dụng đường để sinh năng lượng. Ngay lập tức sẽ giải phóng các hormon để phân hủy chất béo tạo năng lượng, quá trình này tạo ra nhiều ceton máu. Khi lượng ceton máu quá nhiều sẽ xuất hiện ở nước tiểu.

Toan ceton ở người bệnh đái tháo đường thường gây ra bởi:

  • Mắc bệnh trên nền bệnh tiểu đường: Một tình trạng nhiễm trùng hoặc các bệnh lý khác có thể dẫn đến cơ thể sản sinh ra nhiều loại hormones như adrenaline hoặc cortisol. Những hormone này ảnh hưởng có tác dụng ngược lại với insulin trong chuyển hóa đường – Một số trường hợp sẽ gây ra toan ceton ở người bệnh tiểu đường. Viêm phổi, nhiễm trùng tiết niệu là những nguyên nhân thường gặp.
  • Liệu pháp điều trị Insulin không phù hợp: Quên thuốc hoặc sử dụng thuốc không đúng hướng dẫn có thể làm bạn cung cấp không đủ insulin cho cơ thể và gây ra toan ceton.

Một số yếu tố thuận lợi khác bao gồm

  • Chấn thương ( thể chất, tinh thần)
  • Nhồi máu cơ tim
  • Nghiện rượu hoặc thuốc, đặc biệt cocaine
  • Sử dụng các thuốc ảnh hưởng đến chuyển hóa đường như corticosteroids và một số thuốc lợi tiểu

Yếu tố nguy cơ gây ra toan ceton:

  • Đái tháo đường type 1
  • Thường xuyên quên thuốc

Toan ceton thường ít xảy ra ở người bệnh đái tháo đường type 2. Ở một số trường hợp biểu hiện nhiễm toan ceton có thể là dấu hiệu đầu tiên của người mắc bệnh tiểu đường.


Nhồi máu cơ tim là yếu tố thuận lợi gây ra tình trạng nhiễm toan ceton
Nhồi máu cơ tim là yếu tố thuận lợi gây ra tình trạng nhiễm toan ceton

5. Biến chứng khi nhiễm toan ceton

Toan ceton ở người đái tháo đường nếu không được điều trị thỏa đáng (bù dịch và insulin) có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm, hoặc cũng có thể gặp biến chứng từ việc điều trị.

Có thể có biến chứng của việc điều trị bao gồm:

  • Hạ đường huyết: Insulin giúp đường vào trong tế bào, làm nồng độ đường trong máu giảm xuống, nếu giảm quá nhanh sẽ gây hạ đường huyết.
  • Hạ kali máu: Dịch và insulin được sử dụng để điều trị toan ceton có thể làm giảm nồng độ Kali máu ảnh hưởng đến hoạt động của tim, cơ và thần kinh
  • Phù não: Điều chỉnh đường máu quá nhanh có thể dẫn đến phù não. Biến chứng này thường gặp ở trẻ em, đặc biệt là mới được chẩn đoán đái tháo đường.

Nếu không điều trị, nhiễm toan ceton ở người bệnh đái tháo đường có thể dẫn đến hôn mê và tử vong.

6. Ngăn ngừa nhiễm toan Ceton

Để đề phòng biến chứng toan ceton cũng như các biến chứng khác của bệnh tiểu đường bạn cần

  • Tuân thủ điều trị: Thực hiện chế độ ăn, hoạt động thể lực phù hợp và sử dụng thuốc theo đúng hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa là vô cùng quan trọng.
  • Theo dõi nồng độ đường máu: Với sự phát triển của công nghệ bạn không khó để có một dụng cụ để theo dõi đường máu tại nhà, bạn nên theo dõi thường xuyên để đánh giá hiệu quả điều trị, và nên theo dõi thường xuyên hơn khi bạn đang mắc một bệnh nào đó hay bị stress
  • Điều chỉnh liều Insulin nếu cần: Bạn cần phải thảo luận với bác sĩ chuyên khoa dựa vào nồng độ đường máu theo dõi hàng ngày, để điều chỉnh liều insulin bạn cần phải trao đổi về chế độ ăn, chế độ sinh hoạt tập luyện hay những bệnh bạn đang mắc phải hoặc các yếu tố khác trước khi bác sĩ quyết định điều chỉnh liều thuốc cho bạn để đạt được đích điều trị.
  • Kiểm tra lượng ceton niệu: Đối với kit kiểm tra này vẫn còn khá mới mẻ ở Việt Nam, tuy nhiên bạn có thể tìm hiểu ở một số thị trường nước ngoài. Test này rất hữu ích khi bạn cảm thấy mệt hoặc đang mắc một bệnh khác, bạn nên kiểm tra lượng ceton niệu ở ba mức nhẹ, trung bình hoặc cao và nên đến bệnh viện ngay nếu lượng ceton niệu ở mức trung bình hoặc cao.
  • Chuẩn bị sẵn sàng mọi tình huống: Khi bạn được chẩn đoán bị đái tháo đường, bác sĩ sẽ luôn tư vấn cho bạn những trường hợp khẩn cấp như dấu hiệu và xử trí khi bị hạ đường huyết. Nếu bạn nghi ngờ toan ceton, đường máu của bạn cao, bạn thử ceton niệu cao nên đến khoa cấp cứu ngay lập tức

Toan ceton là rất nguy hiểm tuy nhiên bạn nên bình tĩnh và giữ vững đích điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ, thảo luận với họ khi bạn cần hỗ trợ hoặc có bất kỳ diễn biến bất thường

Tại bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec luôn triển khai gói sàng lọc đái tháo đường, rối loạn mỡ máu nhằm giúp phát hiện sớm tình trạng tiền đái tháo đường, phân loại chính xác type tiểu đường, xây dựng chế độ dinh dưỡng, theo dõi giảm thiểu các nguy cơ, biến chứng do tiểu đường gây ra.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: Mayoclinic

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe