Gập ngón tay bị đau là triệu chứng thường gặp ở nhiều người, xuất phát từ một số nguyên nhân khác nhau. Tình trạng này gây ra các hạn chế trong hoạt động hằng ngày, sinh hoạt của người bệnh. Vậy nguyên nhân khiến khớp ngón tay bị đau là gì và cần được xử trí như thế nào? Cùng tìm hiểu thông tin chi tiết trong bài viết này nhé.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ thuộc khoa Chấn thương chỉnh hình & Y học thể thao Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.
1. Nguyên nhân gập ngón tay bị đau
Để hiểu rõ nguyên nhân gập ngón tay bị đau, trước tiên mọi người cần có cái nhìn tổng quan về cấu trúc giải phẫu của khớp ngón tay. Bộ phận này chính là nơi hai xương ngón tay gặp nhau và cũng là điểm mà xương ngón tay kết nối với xương bàn tay.
Trong đó, mỗi bàn tay chứa 14 khớp ngón tay ở điều kiện bình thường, trong đó bao gồm 2 khớp cho ngón cái và 3 khớp cho từng ngón còn lại. Cấu trúc của khớp ngón tay khá phức tạp. Ngoài xương còn có các dây thần kinh, cơ, gân và dây chằng kết nối chặt chẽ với nhau, giúp ngón tay cử động linh hoạt cũng như chính xác.Vậy tại sao khớp ngón tay bị đau?
Một số nguyên nhân khiến gập ngón tay bị đau phổ biến là:
1.1. Chấn thương
Nguyên nhân chính gây khiến khớp ngón tay bị đau là do chấn thương. Ở khu vực này có khả năng xảy ra một số loại chấn thương bao gồm:
- Rách hoặc giãn cơ, gân cơ do căng kéo.
- Giãn hoặc rách dây chằng do bong gân.
- Ngón tay bị nứt hoặc gãy xương.
- Trật khớp: Các khớp ngón tay lệch khỏi vị trí giải phẫu.
Ngoài triệu chứng khớp ngón tay bị đau, chấn thương còn dẫn đến nhiều biểu hiện khác nhau tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng cũng như cơ chế chấn thương. Hơn nữa, tình trạng đau khớp ngón tay sẽ tăng lên khi cử động, đặc biệt là khi gập ngón tay.
1.2. Viêm khớp dạng thấp
Là một dạng bệnh lý tự miễn, viêm khớp dạng thấp gây viêm ở nhiều khớp, trong đó có các khớp ngón tay. Thông thường, bệnh sẽ bắt đầu bằng các triệu chứng sưng đau tại các khớp nhỏ như ngón tay hoặc cổ tay, sau đó tiến triển đến các khớp lớn hơn.
Ở các khớp ngón tay, viêm khớp dạng thấp thể hiện qua những triệu chứng như sau:
- Khớp ngón tay bị đau ở 1 hay cả 2 bàn tay.
- Cứng khớp, đặc biệt là vào buổi sáng.
1.3. Viêm xương khớp
Biểu hiện khớp ngón tay bị đau có thể là dấu hiệu của bệnh lý như viêm khớp hoặc thoái hóa khớp. Những bệnh này liên quan đến quá trình lão hóa trong cơ thể, khi mà lớp sụn khớp bị bào mòn và có sự thay đổi ở xương ngón tay theo thời gian.
Lưu ý rằng, viêm xương khớp có ảnh hưởng đến tất cả các khớp trong cơ thể - kể cả các khớp ngón tay. Những khớp chính thường bị ảnh hưởng là khớp bàn-ngón tay và khớp liên đốt gần cũng như có thể sưng viêm ở phần nền ngón cái.
Viêm khớp ngón tay biểu hiện qua các triệu chứng bao gồm:
- Sưng khớp.
- Khớp ngón tay bị đau.
- Gập ngón tay bị đau, cứng khớp buổi sáng.
- Khớp giảm linh hoạt và hạn chế tầm vận động.
- Yếu các cơ xung quanh.
- Tiếng động được tạo ra khi gập ngón tay hoặc vận động.
1.4. Một số nguyên nhân khác khiến gập ngón tay bị đau
- Thiếu hụt Canxi: Một trong những nguyên nhân chính gây loãng xương bao gồm cả ở các khớp ngón tay là tình trạng thiếu hụt canxi nghiêm trọng. Khi đó, xương ngón tay sẽ trở nên yếu hơn và hình thành gai xương dẫn đến các triệu chứng như tê, cứng và khớp ngón tay bị đau.
- Bệnh loạn dưỡng cơ là một rối loạn di truyền gây tổn thương cho các sợi cơ làm yếu đi hệ xương khớp, dẫn đến tình trạng đau khớp ở ngón tay. Bệnh thường xuất hiện nhiều ở độ tuổi trung niên và cao tuổi, đặc biệt là ở phụ nữ nhiều hơn so với nam giới.
- Hội chứng ống cổ tay: Người thực hiện những công việc đòi hỏi thao tác ngón tay liên tục như nhân viên văn phòng sử dụng chuột và bàn phím trong thời gian dài. Hội chứng này phát sinh do dây thần kinh bị chèn ép khi di chuyển qua ống cổ tay bị hẹp, ảnh hưởng đến ngón tay cái và ba ngón tay giữa. Tình trạng này dẫn đến đau, tê và sưng ở ngón tay, đồng thời gây khó khăn trong việc cầm nắm đồ vật do khớp ngón tay bị cứng.
- Hội chứng De Quervain: Tình trạng sưng viêm ở các gân phía ngoài cổ tay dẫn đến đau khi hoạt động quá mức là biểu hiện đặc trưng của hội chứng De Quervain. Triệu chứng của hội chứng này thường gồm đau ở khớp cổ tay, cẳng tay và các khớp ngón tay cái.
2. Chẩn đoán đau khớp ngón tay như thế nào?
Tùy vào vị trí và mức độ tổn thương, gập ngón tay bị đau sẽ có nhiều mức độ khác nhau. Thông thường, biểu hiện đầu tiên sẽ là cảm giác đau từ nhẹ đến nghiêm trọng ở các khớp ngón tay bị ảnh hưởng. Trong đó, khi thực hiện các hành động như gập hay co duỗi ngón tay hoặc khi cầm nắm, cơn đau sẽ gia tăng.
Một số bệnh nhân không chỉ gặp tình trạng gập ngón tay bị đau mà còn có thêm các triệu chứng khác như:
- Các đầu ngón tay bị sưng, nóng đỏ và tê ngứa, đặc biệt vào ban đêm hoặc khi vừa mới ngủ dậy.
- Khớp bị cứng, giảm độ linh hoạt khiến việc cử động và cầm nắm đồ vật trở nên khó khăn.
- Ngón tay gập góc bất thường.
Đau khớp ngón tay trong một số trường hợp có thể tự khỏi nếu được nghỉ ngơi và điều trị tại nhà. Tuy nhiên, người bệnh nên đến khám bác sĩ khi cơn đau kéo dài và không cải thiện theo thời gian.
Nếu nghi ngờ bản thân gặp phải bất kỳ vấn đề nào dưới đây, người bệnh hãy đến gặp bác sĩ ngay lập tức:
- Nứt xương ngón tay, trật hay gãy khớp ngón tay.
- Tê nhức ngón tay lan rộng đến bàn tay, cổ tay hoặc cả cánh tay.
- Sưng, đỏ ở khớp ngón tay hoặc thay đổi màu da.
- Khớp ngón tay xuất hiện cục u.
- Ngón tay bị biến dạng.
Dựa vào nguyên nhân gây đau khớp ngón tay, bác sĩ sẽ khám và đưa ra chẩn đoán. Thông thường, bác sĩ sẽ bắt đầu bằng việc tìm kiếm các dấu hiệu của phản ứng viêm, trong khi tình trạng gãy xương hoặc trật khớp được chẩn đoán thông qua quan sát.
Để xác định chẩn đoán và loại trừ những nguyên nhân gây đau khớp ngón tay, bác sĩ sẽ đưa ra một số cận lâm sàng cần thực hiện như:
- Chụp phim X quang.
- Chụp CT Scan.
- Chụp cộng hưởng từ MRI.
- Chọc hút dịch khớp làm xét nghiệm: Bác sĩ thực hiện thủ thuật chọc hút dịch khớp bằng cách sử dụng đầu kim để đâm vào khoảng trống giữa khớp với mục đích lấy dịch khớp. Mẫu dịch sau đó sẽ được gửi đến phòng xét nghiệm để phân tích. Phương pháp này có khả năng giúp chẩn đoán bệnh viêm khớp dạng thấp.
3. Điều trị và phòng ngừa đau khớp ngón tay tại nhà
Tình trạng đau khớp ngón tay có thể được điều trị và phòng ngừa tại nhà như sau:
3.1. Các biện pháp điều trị đau khớp ngón tay tại nhà
Các phương pháp điều trị tại nhà cho các khớp ngón tay bị đau bao gồm:
- Chườm nóng hoặc chườm lạnh cho các khớp bị viêm hoặc chấn thương.
- Hạn chế các hoạt động sử dụng bàn tay như đánh máy và viết…để cho ngón tay có thời gian nghỉ ngơi và thư giãn.
- Sử dụng các loại thuốc giảm đau như kháng viêm không steroid.
- Nhẹ nhàng co giãn và cử động các khớp ngón tay.
- Áp dụng thiền hoặc bài tập hít thở để kiểm soát stress.
3.2. Phòng ngừa đau khớp ngón tay
Để kiểm soát tình trạng đau khớp ngón tay, người bệnh nên áp dụng các phương pháp sau:
- Trong quá trình làm việc, người bệnh nên mang bao tay hoặc dụng cụ bảo vệ bàn tay
- Sau khi thực hiện các động tác gây áp lực lên khớp ngón tay, người bệnh cần cho bàn tay nghỉ ngơi nhiều hơn.
- Giữ cân nặng hợp lý.
- Kiểm soát lượng đường huyết và từ bỏ thói quen hút thuốc lá.

Hy vọng rằng những thông tin đã được chia sẻ trong bài viết này sẽ giúp mọi người có cái nhìn rõ hơn về nguyên nhân gập ngón tay bị đau. Nếu những phương pháp điều trị không mang lại kết quả tích cực, người bệnh cần đến các cơ sở y tế để kiểm tra và điều trị kịp thời.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.