Đau dạ dày khi mang thai là một tình trạng hay gặp khiến cho bà bầu khó chịu và lo lắng. Tìm hiểu nguyên nhân và yếu tố gây đau dạ dày khi mang thai rất quan trọng để khắc phục hoặc giảm nhẹ triệu chứng, đảm bảo an toàn cho mẹ và bé.
1. Nguyên nhân gây viêm, đau dạ dày khi mang thai
Viêm dạ dày là tình trạng gây ra do sự mất cân bằng giữa yếu tố tấn công và yếu tố bảo vệ. Điều này đối với phụ nữ mang thai có thể do rất nhiều yếu tố gây ra như sau
- Phụ nữ khi mang thai thường bị căng thẳng và lo lắng, nhất là những người mới mang thai lần đầu. Những yếu tố tâm lý này làm ảnh hưởng tới sự co bóp dạ dày, tăng tiết dịch vị và nếu kéo dài sẽ gây viêm dạ dày.
- Nôn nghén: 3 tháng đầu thai kỳ thai phụ dễ bị ốm nghén với các triệu chứng buồn nôn, nôn điều này có thể tác động đến hoạt động tiêu hóa, khiến cho dạ dày bị kích thích, tăng co bóp quá mức dẫn đến tăng tiết dịch vị và đau dạ dày.
- Sự thay đổi nội tiết khi mang thai: Khi mang thai hormone progesterone ở người phụ nữ sẽ tăng đột ngột. Loại hormone này có vai trò giúp phát triển các yếu tố nuôi dưỡng thai nhi trong tử cung và giúp hạn chế nguy cơ sảy thai. Tuy nhiên, việc hormon này tăng lên bất thường lại dễ làm cho nhu động ruột giảm, gây tăng áp lực ổ bụng và kích thích dạ dày. Điều này sẽ làm dạ dày có xu hướng bài tiết dịch vị nhiều hơn, co bóp quá mức và đau.
- Phát triển thai nhi: Trong suốt thời kỳ mang thai, tử cung của người phụ nữ sẽ giãn nở để làm sao đủ không gian cho thai nhi phát triển và điều này trở thành tác nhân làm tăng áp lực ổ bụng, khiến cho bàng quang, hậu môn và dạ dày bị kích thích. Do đó, đây chính là lý do khiến nhiều bà bầu đau dạ dày.
- Chế độ ăn uống: Nếu như mẹ bầu có một chế độ ăn uống không phù hợp thì có thể dẫn tới đau dạ dày khi mang thai.
- Nhiễm vi khuẩn: Vi khuẩn HP (Helicobacter pylori) là nguyên nhân chủ yếu gây ra viêm dạ dày tá tràng. HP có thể lây qua đường tiêu hoá và nếu ăn uống không đảm bảo vệ sinh có thể gây nhiễm vi khuẩn này.
2. Một số dấu hiệu đau dạ dày khi mang thai
Hầu hết thai phụ khi bị đau dạ dày sẽ có các dấu hiệu sau:
- Đau vùng thượng vị: Bà bầu khi bị viêm dạ dày sẽ thấy đau bụng vùng trên rốn. Đau có cảm giác nóng rát, thường đau rát hơn khi quá đói hay quá no.
- Ợ chua, ợ hơi: Tình trạng này gây ra do luồng hơi từ lượng thức ăn bị tích trữ lâu ngày trong dạ dày trào ngược lên thực quản và qua khoang miệng. Khi bị đau dạ dày nặng, luồng hơi còn mang theo dịch vị acid trong dạ dày nên gây ợ chua.
- Buồn nôn và nôn: Thai phụ khi bị đau dạ dày sẽ rất dễ nhầm lẫn triệu chứng này với hiện tượng ốm nghén, đặc biệt trong 3 tháng đầu. Tuy nhiên, đau dạ dày khi mang thai thường kèm theo các biểu hiện khác ở trên như đau thượng vị, ợ hơi, ợ chua.
- Chướng bụng: Dạ dày bị viêm sẽ làm ảnh hưởng tới quá trình tiêu hóa thức ăn. Thức ăn tiêu hóa chậm sẽ dẫn tới tồn đọng lâu ngày, từ đó gây ra tình trạng chậm tiêu, chướng bụng.
- Chán ăn: Người bị đau dạ dày thường hay bị thay đổi khẩu vị nên dẫn tới chán ăn, ăn không ngon miệng.
3. Làm sao khi mang thai bị đau dạ dày?
Thay đổi chế độ ăn uống và thói quen sinh hoạt có thể giúp mẹ bầu giảm bớt khó chịu khi bị viêm dạ dày.
3.1. Thay đổi chế độ ăn uống
Để hạn chế tình trạng đau dạ dày khi mang thai, mẹ bầu cần:
- Tránh tuyệt đối các nhóm thức ăn và đồ uống gây kích thích dạ dày như: Rượu bia, nước ngọt có gas, đồ ăn nhanh...
- Không nên tăng lượng thức ăn đột ngột: Tránh việc ăn nhiều quá mức làm tăng áp lực cho dạ dày. Trong giai đoạn thai kỳ nên bổ sung các nhóm thực phẩm lành mạnh, tốt cho sức khỏe của mẹ và đáp ứng nhu cầu của thai nhi một cách tăng dần.
- Nên chia nhỏ từ 4 đến 5 bữa mỗi ngày để giảm áp lực lên dạ dày và cơ quan tiêu hóa.
- Phụ nữ mang thai nên ăn chín uống sôi tránh nhiễm khuẩn, ăn chậm nhai kỹ và tránh nằm vận động ngay sau khi ăn.
- Tăng cường bổ sung nước, các loại vitamin và chất xơ vào chế độ ăn uống hàng ngày.
3.2. Thay đổi thói quen sinh hoạt
Trong thời gian đầu, thai phụ nên dành thời gian nghỉ ngơi cho cơ thể thích nghi với việc có thêm em bé trong bụng. Tránh lo nghĩ, căng thẳng để giảm ảnh hưởng tới em bé và cơ thể mẹ. Mẹ bầu có thể giảm căng thẳng với một số biện pháp như ngồi thiền, nghe nhạc, đọc sách...Sau 3 tháng đầu mang thai, khi thai nhi ổn định nên bắt đầu luyện tập các động tác có cường độ nhẹ nhàng. Việc luyện tập không chỉ giúp cải thiện khung xương và nâng cao sức khỏe mà còn giúp điều hòa nhu động ruột và giảm cơn đau dạ dày.Có rất nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng đau dạ dày khi mang thai. Hầu hết các nguyên nhân đều có thể kiểm soát bằng việc thay đổi thói quen sinh hoạt, thói quen ăn uống và nó cũng giảm bớt sau sinh. Vì vậy, phụ nữ mang thai nên xây dựng một thói quen sống khoa học và lành mạnh để hạn chế nguy cơ bị viêm dạ dày.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.