Nguyên nhân gây tê bì chân tay trong và sau sinh

Phụ nữ mang thai và sau sinh thường bị tê bì chân tay, gây cảm giác khó chịu, mệt mỏi, ảnh hưởng đến sức khỏe và quá trình chăm sóc em bé sau sinh. Có rất nhiều nguyên nhân gây tê bì chân tay sau sinh như huyết áp thấp, hội chứng ống cổ tay, cứng khớp...

1. Huyết áp thấp là nguyên nhân gây hội chứng tê bì chân tay

Huyết áp thấp có thể dẫn đến nhiều tác động xấu đối với sức khỏe. Huyết áp thấp khiến lưu lượng máu đến các chi bị giảm. Các mô không nhận được lượng máu cần thiết trong một thời gian dài sẽ tác động lên dây thần kinh. Các dây thần kinh phản ứng lại bằng cảm giác tê bì, ngứa râm ran. Đó chính là một trong những nguyên nhân gây tê bì chân tay khi mang thai hoặc sau sinh.

Nếu bị tê bì chân tay do huyết áp thấp, bạn có thể khắc phục bằng cách siết chặt bàn tay thành nắm đấm và di chuyển cánh tay. Động tác này sẽ giúp giảm tê tay hiệu quả.


Huyết áp thấp là một trong những nguyên nhân gây tê bì chân tay sau khi sinh và trong quá trình mang thai..
Huyết áp thấp là một trong những nguyên nhân gây tê bì chân tay sau khi sinh và trong quá trình mang thai..

2. Khớp dịch chuyển

Cơ thể phụ nữ khi mang thai có rất nhiều thay đổi, các hormone được sản xuất ra trong thời kỳ này. Trong số đó có một loại hormone relaxin có thể làm nới lỏng các khớp, giúp xương chậu của thai phụ mở rộng hơn để em bé dễ dàng chui qua khi chuyển dạ. Tuy nhiên, hormone này cũng có tác động xấu đến cơ thể sản phụ. Với khả năng làm nới lỏng khớp, hormone relaxin cũng ảnh hưởng đến các khớp khác của cơ thể. Vì thế, phụ nữ mang thai có thể cảm thấy di chuyển kém linh hoạt hơn trước. Nới lỏng khớp cũng khiến các dây thần kinh dễ bị chèn ép khi xương di chuyển khỏi vị trí cố định. Khi dây thần kinh bị chèn ép sẽ tạo ra cảm giác tê bì, ngứa ran.

Ngoài ra, phụ nữ mang thai thường nằm nghiêng khi ngủ. Nằm nghiêng quá lâu sẽ khiến khớp vai thay đổi, đè lên dây thần kinh dẫn đến tê tay. Khi gặp tình trạng này, thai phụ nên nghỉ ngơi và nằm ngủ trên đệm mềm, thay đổi tư thế thường xuyên.

Trắc nghiệm: Tìm hiểu về tình trạng tê tay khi mang thai tháng cuối

Bà bầu bị tê chân tay thường không phải vấn đề nghiêm trọng đối với sức khỏe nhưng ảnh hưởng khá nhiều đến cuộc sống hàng ngày. Bài trắc nghiệm sau sẽ phần nào giúp mẹ bầu nhận biết cũng như có hướng xử trí thích hợp khi gặp phải tình trạng này.

3. Hội chứng ống cổ tay gây tê bì chân tay sau sinh

Nguyên nhân tê bì chân tay sau sinh và trong quá trình mang thai phải kể đến hội chứng ống cổ tay. Đây là hội chứng thường gặp ở phụ nữ mang thai. Nguyên nhân là do chất lỏng tích tụ ở các mô cổ tay khiến dây thần kinh chạy xuống vị trí bàn tay và ngón tay bị chèn ép, gây tê tay. Ngoài ra, khi bị hội chứng ống cổ tay, thai phụ còn khó cầm nắm đồ vật và di chuyển ngón tay hơn bình thường.

Nếu đã từng mắc hội chứng ống cổ tay trước đây thì rất có khả năng ở những lần mang thai tiếp theo bạn cũng sẽ gặp phải tình trạng này, thậm chí nhiều trường hợp còn có diễn biến nặng hơn sau khi sinh. Bàn tay thường sử dụng nhiều hơn sẽ có nguy cơ ảnh hưởng cao hơn, nhất là ngón trỏ và ngón giữa. Tuy nhiên, bạn cũng không cần quá lo vì các triệu chứng này sẽ biến mất sau khi sinh khoảng 3 - 4 tháng.

Những người có nguy cơ mắc hội chứng ống cổ tay cao hơn bao gồm:

  • Thừa cân, béo phì.
  • Mang đa thai.
  • Ngực phát triển quá mức trong thời kỳ mang thai.

Cách làm giảm triệu chứng tê bì chân tay trong và sau sinh do hội chứng ống cổ tay:

  • Luyện tập và xoa bóp tay: Xoay cổ tay tròn đều, co duỗi tay và cánh tay...
  • Xoa bóp, bấm huyệt.
  • Sử dụng thảo mộc: Trà hoa cúc...

Hội chứng ống cổ tay là hội chứng gây tê bì chân tay sau sinh và trong quá trình mang thai.
Hội chứng ống cổ tay là hội chứng gây tê bì chân tay sau sinh và trong quá trình mang thai.

4. Làm gì để ngăn ngừa tình trạng tê bì chân tay trong và sau sinh?

  • Có chế độ ăn uống hợp lý, cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cho cơ thể.
  • Ăn uống lành mạnh, ăn nhiều rau xanh và hoa quả.
  • Hạn chế đồ ăn quá mặn và quá ngọt, đồ ăn chứa nhiều chất béo.
  • Ăn nhiều thực phẩm giàu vitamin B6 để tăng cường sức khỏe hệ thần kinh như: Bơ, tỏi, hạt hướng dương, vừng, thịt nạc...
  • Uống nhiều nước.
  • Kiểm soát cân nặng.
  • Luyện tập thể dục nhẹ nhàng, vận động khớp và tay chân.

Tóm lại, hội chứng tê bì chân tay sau sinh và trong quá trình mang thai tường gặp ở phụ nữ. Nếu tình trạng này ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe cũng như công việc hàng ngày thì bạn nên đến cơ sơ y tế uy tín để thăm khám và điều trị.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe