Nguyên nhân gây loãng xương - biết sớm, dự phòng sớm

Nguyên nhân gây loãng xương là một trong những vấn đề được nhiều người quan tâm, đặc biệt là trong bối cảnh, loãng xương ngày càng có xu hướng gia tăng và trở thành một trong số những bệnh xương khớp thường gặp nhất hiện nay.

Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của ThS.BS Lê Dương Tiến - Bác sĩ Nội cơ xương khớp tại khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng..

1. Các nguyên nhân gây loãng xương

Loãng xương là tình trạng mật độ xương bị suy giảm, vi cấu trúc của xương bị tổn thương (kể cả cấu trúc hữu cơ và cấu trúc vô cơ) Điều này dẫn đến việc xương yếu đi và dễ gãy, đây cũng là biến chứng nguy hiểm nhất của bệnh loãng xương.

Nguyên nhân gây loãng xương được chia thành hai nhóm chính: nhóm nguyên nhân không thể kiểm soát và nhóm nguyên nhân có thể kiểm soát.

1.1. Nguyên nhân không thể kiểm soát

  • Di truyền: Trong một gia đình có người đã hoặc đang bị loãng xương, các thành viên khác sẽ có nguy cơ mắc bệnh này cao hơn.
  • Giới tính: Tỷ lệ loãng xương ở nữ giới cao hơn nam giới.
  • Sắc tộc: Người da vàng và da trắng có nguy cơ mắc loãng xương cao hơn người da đen. 
Phụ nữ có tỉ lệ mắc bệnh loãng xương cao hơn nam giới.
Phụ nữ có tỉ lệ mắc bệnh loãng xương cao hơn nam giới.

Trắc nghiệm: Nguyên nhân gây loãng xương là gì?

Bệnh loãng xương là một trong số các bệnh xương khớp thường gặp hiện nay, và đang có xu hướng gia tăng. Bệnh gặp nhiều ở người cao tuổi, trong đó nữ giới chiếm tỷ lệ cao nhất. Vậy đâu là nguyên nhân gây loãng xương và ai là người dễ bị loãng xương?

Nội dung trắc nghiệm được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ chuyên khoa II, Phạm Trung Hiếu , chuyên khoa Ngoại chấn thương chỉnh hình , Trung tâm Chấn thương chỉnh hình & Y học thể thao - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City

Phạm Trung Hiếu
Phạm Trung Hiếu
Bác sĩ chuyên khoa II,
Ngoại chấn thương chỉnh hình
Trung tâm Chấn thương chỉnh hình & Y học thể thao - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City

1.2. Nguyên nhân có thể kiểm soát

Thiếu hụt hormone: Estrogen có tác dụng bảo vệ xương, vì thế đối với những người có nồng độ estrogen thấp có nguy cơ cao mắc bệnh loãng xương.  

  • Tình trạng estrogen thấp xảy ra phổ biến ở phụ nữ mãn kinh hoặc những phụ nữ phải cắt bỏ cả hai buồng trứng. Tình trạng kinh nguyệt không đều cũng có thể bắt nguồn từ nguyên nhân là nồng độ estrogen thấp, do đó họ cũng có nguy cơ loãng xương. Có thể thấy không phải phụ nữ đến mãn kinh mới mắc phải bệnh này. Đây cũng là lý do giải thích cho việc loãng xương phổ biến ở phụ nữ hơn nam giới.
  • Đối với nam giới, hormone testosterone đóng vai trò bảo vệ xương. Vì vậy, những người có lượng hormone sinh dục thấp có nguy cơ loãng xương cao hơn so với những người có lượng hormone sinh dục bình thường.

Từng bị gãy xương: Một người từng bị gãy xương có nguy cơ mắc loãng xương có thể cao hơn so với những người khác. Do nguyên nhân gây gãy xương có thể do mật độ xương thấp.

Chế độ dinh dưỡng: Thiếu canxi và các khoáng chất như vitamin D, vitamin B6, B12, vitamin K, magie, và photpho trong chế độ ăn hàng ngày, hoặc khi cơ thể không hấp thu được canxi, có thể dẫn đến loãng xương. Ngoài ra, ăn quá nhiều một số chất cũng có thể gây hại cho xương:

  • Protein: Mặc dù protein quan trọng đối với cơ thể nhưng dung nạp quá nhiều protein có thể làm giảm lượng canxi.
  • Rượu và cafe: Uống quá nhiều hoặc lạm dụng rượu và cafe có thể làm giảm sự hấp thu và khả năng sử dụng canxi của cơ thể. 
Chế độ ăn uống thiếu canxi là một trong những nguyên nhân gây loãng xương.
Chế độ ăn uống thiếu canxi là một trong những nguyên nhân gây loãng xương.

Một số bệnh có thể là nguyên nhân gây loãng xương: Loãng xương có thể là hậu quả của một bệnh lý khác, tình trạng này được gọi là loãng xương thứ phát.

  • Các bệnh về tiêu hóa: Gây cản trở quá trình hấp thu canxi, vitamin D, và các chất dinh dưỡng khác, ảnh hưởng đến việc tái tạo xương.
  • Các bệnh về thận: Có thể gây mất canxi, làm xáo trộn và mất cân bằng giữa quá trình tạo và hủy xương.
  • Các bệnh về tuyến giáp và cận giáp: Cường giáp làm tăng sản xuất hormone tuyến giáp, khiến xương yếu đi. Cường cận giáp làm tăng sản xuất hormone cận giáp, dẫn đến mất xương.

Một số loại thuốc cũng là nguyên nhân gây loãng xương:

  • Thuốc chống co giật hoặc chống động kinh.
  • Thuốc giảm axit dịch dạ dày chứa aluminum.
  • Corticosteroid: Prednisone là một loại corticosteroid có thể gây mất xương rất mạnh.
  • Hormone tuyến giáp: Những bệnh nhân bị suy giáp hoặc cắt tuyến giáp phải sử dụng hormone tuyến giáp, và khi sử dụng quá nhiều có thể làm xương yếu đi.
  • Không tập luyện thể dục: Không tập thể dục sẽ làm cho xương yếu và dễ bị loãng xương. Tập luyện thể dục thường xuyên giúp xương chắc khỏe và phòng ngừa bệnh loãng xương.
  • Cân nặng: Người nhẹ cân có nguy cơ bị loãng xương cao hơn, đặc biệt là phụ nữ có thân hình nhỏ bé và xương nhỏ do khối lượng xương trong cơ thể thấp.
  • Hút thuốc lá: Làm tăng nguy cơ loãng xương theo một vài cách: các hóa chất trong thuốc lá khiến cơ thể khó sử dụng canxi và làm giảm hiệu quả của hormone estrogen.

2. Ai dễ bị loãng xương?

Từ các nguyên nhân gây loãng xương kể trên, ta có thể tổng hợp những người dễ bị mắc bệnh này bao gồm:

  • Người có tiền sử gia đình mắc bệnh loãng xương.
  • Người trên 70 tuổi.
  • Phụ nữ sinh từ 3 con trở lên, phụ nữ trong giai đoạn tiền mãn kinh và mãn kinh.
  • Người thấp bé, nhẹ cân.
  • Người có nghề nghiệp ít vận động và không tập luyện thể dục thể thao.
  • Người mắc một số bệnh lý như cường giáp, suy thận, cắt dạ dày-ruột, cắt buồng trứng,...
  • Người sử dụng một số loại thuốc kéo dài như corticosteroid, thuốc chống động kinh, thuốc lợi tiểu,...
  • Người có chế độ dinh dưỡng thiếu canxi, vitamin D, và các vi chất khác.
  • Người có thói quen hút thuốc lá, uống nhiều rượu, cafe, trà đặc,...

3. Các phương pháp điều trị bệnh loãng xương

3.1 Không điều trị bằng thuốc

Một trong những nguyên nhân gây loãng xương là sự thiếu hụt canxi. Vì vậy, người bệnh nên bổ sung các loại thực phẩm giàu canxi theo nhu cầu của cơ thể và tránh uống rượu bia, hút thuốc lá. Ngoài ra, bệnh nhân cũng nên kiểm soát cân nặng, tránh tình trạng thừa cân hoặc thiếu cân.

Bệnh nhân nên vận động cơ thể thường xuyên để tăng sự dẻo dai cho cơ bắp. Ngoài ra, người bệnh cũng cần cẩn trọng trong sinh hoạt để phòng tránh té ngã.

Nếu gặp khó khăn trong di chuyển, bệnh nhân có thể sử dụng các dụng cụ và nẹp chỉnh hình để giảm áp lực lên cột sống, đầu xương, và xương vùng hông.

3.2 Điều trị bằng thuốc

Trong quá trình điều trị bệnh loãng xương, người bệnh cần bổ sung đủ lượng canxi khoảng 1.000 – 1.200 mg/ngày và lượng vitamin D cần thiết khoảng 800 – 1000 IU/ngày cho cơ thể. Ngoài ra, bác sĩ có thể chỉ định sử dụng các loại thuốc chống hủy xương như sau:

  • Alendronate: Fosamax plus hoặc Fosamax 5600 (1 viên/tuần).
  • Zoledronic acid được truyền qua tĩnh mạch với liều lượng là 5mg/100ml mỗi năm. Thuốc chống chỉ định đối với trường hợp người bệnh bị suy thận nặng hoặc rối loạn nhịp tim.
  • Calcitonin thường được chỉ định với người bệnh gãy xương hoặc đau do loãng xương, liều lượng khoảng 50 – 100 IU/ngày, thường kết hợp với nhóm bisphosphonate.
  • Chất điều hòa chọn lọc thụ thể estrogen (SERM), Raloxifene (Evista) thường sẽ được chỉ định đối với nữ giới sau mãn kinh, liều lượng sử dụng 60 mg/ngày.

Ngoài ra, cũng có những nhóm thuốc khác cũng thường được sử dụng trong điều trị loãng xương bao gồm:

  • Strontium ranelate (Protelos): Thuốc tăng cường sự tạo xương và ức chế hủy xương.
  • Deca-Durabolin và Durabolin: Thúc đẩy quá trình đồng hóa.

3.3 Điều trị biến chứng

Những biến chứng do loãng xương có thể gây đau hoặc gãy xương tùy theo từng mức độ của bệnh. Vì thế, để điều trị các biến chứng do loãng xương gây ra cần áp dụng nhiều phương pháp khác nhau.

Điều trị cơn đau: Phác đồ điều trị dựa vào bậc thang giảm đau của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) kết hợp với việc sử dụng Calcitonin.

Điều trị gãy xương: Một số phương pháp được áp dụng để điều trị gãy xương như đeo nẹp, bơm xi măng vào thân đốt sống, hoặc thay đốt sống nhân tạo. Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể cân nhắc phẫu thuật thay xương hoặc thay khớp nếu cần thiết.

3.4 Điều trị lâu dài

Bên cạnh những phương pháp trên, để tăng hiệu quả của quá trình điều trị, người bệnh cần thực hiện các biện pháp sau:

  • Tuân thủ nghiêm các chỉ định của bác sĩ suốt thời gian điều trị.
  • Thực hiện kiểm tra mật độ xương định kỳ để đánh giá kết quả điều trị.
  • Điều trị loãng xương cần thời gian lâu dài, thường trong khoảng 3 - 5 năm. Sau đó, bác sĩ sẽ đánh giá lại tình trạng bệnh để xem xét hướng điều trị tiếp theo.

4. Làm gì để phòng tránh bệnh loãng xương?

Để phòng tránh loãng xương, bệnh nhân cần chú ý đến các vấn đề chính sau:

  • Chế độ dinh dưỡng đầy đủ: Đảm bảo cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng cho cơ thể.
  • Tập luyện thể dục thể thao thường xuyên.
  • Loại bỏ lối sống không lành mạnh: Không hút thuốc lá, hạn chế tối đa việc uống rượu, cafe, hay trà đặc.
  • Kiểm tra sức khỏe định kỳ để phát hiện và điều trị bệnh sớm (nếu có).

Như vậy, có rất nhiều nguyên nhân gây loãng xương. Một số nguyên nhân không thể kiểm soát được, nhưng cũng có nhiều nguyên nhân có thể kiểm soát. Kiểm soát tốt các nguyên nhân đó chính là biện pháp phòng bệnh loãng xương hiệu quả nhất mà người bệnh có thể thực hiện. 

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng. 

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe