Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ chuyên khoa II Huỳnh Thị Hiên - Bác sĩ Sản phụ khoa - Khoa Sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang.
Chuột rút khi mang bầu là một cơn co thắt đột ngột và không tự nguyện của một hay nhiều nhóm cơ gây đau dữ dội ở đùi, bắp chân và chân. Tình trạng này thường xảy ra vào ban đêm, giữa các tháng giữa và cuối của thai kỳ. Có nhiều nguyên nhân gây chuột rút khi mang thai. Nhìn chung chuột rút khi mang thai không có hại nhưng có thể khiến bà bầu đau nhức, tạm thời không cử động được và ảnh hưởng đến giấc ngủ hàng ngày.
1. Nguyên nhân của chứng chuột rút khi mang thai là gì?
Hiện nay vẫn chưa có một nghiên cứu nào về nguyên nhân vì sao phụ nữ thường bị chuột rút khi mang thai. Trong lĩnh vực sản khoa, một số tác giả cho rằng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng chuột rút khi mang thai bao gồm:
- Vì cơ thể của người mẹ khi mang thai phải mang thêm một khối lượng gây quá tải. Tử cung lớn dần nên chèn vào tĩnh mạch chủ khiến máu không thể về tim, gây ứ trệ nhiều tại chi dưới cơ thể gây co cơ.
- Trọng lượng cơ thể của mẹ bầu ngày càng tăng trong thai kỳ, gây áp lực nhiều hơn tới các cơ bắp ở chân.
- Tử cung ngày càng to làm tăng áp lực lên các mạch máu chính, đưa máu từ chân lên tim và các dây thần kinh từ tủy sống đến chân. Các tĩnh mạch cung cấp máu cho tử cung cũng bị chèn ép gây cảm giác nặng nề, khó chịu.
- Mất nước khiến cơ thể bị rối loạn điện giải gây ra tình trạng chuột rút.
- Thiếu canxi, nhất là vào những tháng cuối thai kỳ, nhu cầu canxi của cơ thể càng tăng cao để có thể đáp ứng cho sự phát triển của thai nhi.
- Thiếu chất khoáng: Quá ít kali, canxi hoặc magiê trong chế độ ăn uống có thể góp phần gây ra chuột rút ở chân.
- Việc lạm dụng cơ bắp, mất nước, căng cơ hoặc đơn giản là giữ một vị trí trong một thời gian dài có thể gây ra chuột rút ở bắp chân khi mang thai.
2. Dấu hiệu chuột rút khi mang thai
Khi bị chuột rút trong quá trình mang thai, bà bầu có thể gặp phải những dấu hiệu sau:
- Chuột rút thường xuất hiện ngay khi vừa bắt đầu giấc ngủ.
- Chuột rút bắt đầu gây khó chịu từ tháng thứ ba của thai kỳ và các cơn đau ngày càng xuất hiện thường xuyên khi thai nhi lớn dần. Tình trạng này xảy ra cả ban ngày và trầm trọng hơn vào ban đêm.
- Chuột rút chân khi mang thai thường gặp ở vị trí bắp chân, đùi, bàn chân, đặc biệt là ở bắp chân. Ngoài ra, có thể gặp ở tay, thân mình. Riêng trong trường hợp chuột rút ở bụng cần chú ý, vì có khả năng sảy thai. Bên cạnh cơn đau đột ngột, sản phụ cũng có thể sờ thấy hoặc nhìn thấy một khối mô cứng bên dưới da.
- Trường hợp nếu thai phụ bị chuột rút kèm theo các triệu chứng như ra máu, đau mạnh ở bụng hay trên đỉnh vai, thân nhiệt tăng hoặc đau dữ đội ở phần bị đau, cần nhanh chóng đến các cơ sở y tế để được kiểm tra và điều trị kịp thời.
3. Triệu chứng cần lưu ý trong thai kỳ đối với các cơn đau có thể gây lầm với chuột rút ở cơ bụng
- Trong một giờ có hơn 6 cơn co thắt, là dấu hiệu cần cảnh giác.
- Các cơn đau không giảm dần theo thời gian, xuất hiện đồng thời với cơn chóng mặt, choáng váng hoặc chảy máu là dấu hiệu của thai ngoài tử cung. Ngoài ra, chảy máu cũng có thể là triệu chứng của nhau tiền đạo hoặc sẩy thai.
- Cần thận trọng với bất kỳ các cơn co thắt nào xảy ra liên tục khi đang mang thai, có tiền sử sinh non, thai ngoài tử cung hoặc cổ tử cung ngắn.
- Co thắt đi kèm với đau bụng dữ dội và buồn nôn hoặc sốt, rất có thể là triệu chứng của viêm ruột thừa, sỏi thận hoặc túi mật.
Trắc nghiệm: Tìm hiểu về tình trạng tê tay khi mang thai tháng cuối
Bà bầu bị tê chân tay thường không phải vấn đề nghiêm trọng đối với sức khỏe nhưng ảnh hưởng khá nhiều đến cuộc sống hàng ngày. Bài trắc nghiệm sau sẽ phần nào giúp mẹ bầu nhận biết cũng như có hướng xử trí thích hợp khi gặp phải tình trạng này.4. Cách khắc phục tình trạng chuột rút khi mang thai
Đa phần để khắc phục tình trạng chuột rút khi mang thai, thai phụ cần thay đổi chế độ ăn uống, nghi ngơi và vận động hợp lý .
- Đi bộ khi mang thai hàng ngày để các bắp chân thường xuyên được co duỗi và trước khi đi ngủ cũng nên co duỗi chân vài lần. Tránh ngồi và đứng ở một tư thế quá lâu, khi ngủ không nên gối quá cao.
- Dùng nước ấm pha một chút gừng và muối để ngâm chân trước khi đi ngủ sẽ giúp bà bầu ngủ ngon và phòng tránh được tình trạng chuột rút.
- Trong thực đơn hàng ngày, các mẹ bầu cần chú ý bổ sung thực phẩm giàu kali, magie, đặc biệt là canxi (thịt,cá, trứng, rau - củ - quả, đặc biệt là chuối, nho khô, lê...).
- Uống nhiều nước, tốt nhất nên bổ sung mỗi ngày từ 2 – 2,5 lít nước để hạn chế tình trạng mất nước.
- Nên dành thời gian để nghỉ ngơi. Luôn để tinh thần thoải mái, tránh căng thẳng.
- Tắm bằng nước ấm. Ngâm chân trong nước nóng được pha với ít muối và gừng để tránh bị chuột rút vào ban đêm.
- Khi nhận thấy bất cứ nghi ngại gì về dấu hiệu chuột rút trong lúc mang thai với cơn đau tiếp diễn kèm theo đau và sưng chân, chạm vào có cảm giác nóng xung quanh, cần đến ngay các cơ sở y tế để được sự trợ giúp kịp thời của các bác sĩ, tránh nguy cơ bị đông máu khi mang thai thay vì chuột rút. Riêng trong trường hợp chuột rút ở bụng cần chú ý vì có khả năng sảy thai.
5. Bị chuột rút khi mang thai cần làm gì?
Nếu bị chuột rút khi mang thai, người mẹ ngay lập tức duỗi chân thẳng ra, bắt đầu từ gót chân và sau đó nhẹ nhàng gập bàn chân vuông góc, các ngón chân cong lên về phía ống quyển (mặt trước cẳng chân). Dùng tay massage các bắp chân, đùi và làm nóng các cơ bắp bằng túi chườm nóng. Sau khi giải phóng bản thân khỏi tình trạng chuột rút, mẹ nên đứng dậy đi lại, một lúc sau sẽ thấy đỡ đau và dễ chịu hẳn.
Chuột rút là tình trạng khá thường gặp ở các bà bầu và phần lớn không gây ảnh hưởng tới mẹ và bé. Tuy nhiên, nếu bị chuột rút nhiều, kèm theo các dấu hiệu bất thường đã nêu trên, mẹ bầu cần tới ngay cơ sở y tế để được bác sĩ kiểm tra.
Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec mang đến Chương trình chăm sóc thai sản trọn gói cho các sản phụ ngay từ khi bắt đầu mang thai từ những tháng đầu tiên với đầy đủ các lần khám thai, siêu âm 3D, 4D định kỳ cùng các xét nghiệm thường quy để đảm bảo người mẹ luôn khỏe mạnh và thai nhi phát triển toàn diện.
Ngoài việc được thăm khám định kỳ, sản phụ cũng sẽ được tư vấn chế độ dinh dưỡng, tập luyện để mẹ có thể tăng cân hợp lý mà thai nhi vẫn hấp thu tốt các chất dinh dưỡng, sản phụ sẽ được tư vấn và kiểm tra sức khỏe dưới sự theo dõi sát sao của các Bác sĩ Sản khoa giàu kinh nghiệm, chuyên môn, giúp các bà mẹ có thêm kiến thức để bảo vệ sức khỏe trong thai kỳ cũng như giảm thiểu những biến chứng ảnh hưởng tới mẹ và con.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.