Bài viết được viết bởi Bác sĩ Lê Thu Hương - Bác sĩ nội trú - Phục hồi chức năng, Trung tâm Y học tái tạo - Bệnh viện Đa khoa quốc tế Vinmec Times City
Ở phụ nữ thời kỳ mang thai, bí tiểu không phải là tình trạng xảy ra phổ biến. Theo các nghiên cứu trên thế giới, tình trạng này xảy ra ở khoảng 0,47% phụ nữ mang thai. Dù ở thời điểm nào của thai nghén cũng có thể bị bí tiểu, nhưng tình trạng này thường gặp nhất ở phụ nữ từ tuần thứ 9 – 16 của thai kỳ. Cụ thể, tỷ lệ thai phụ bị bí tiểu cấp trong tam cá nguyệt thứ nhất này chiếm đến 2/3 so với các thời kỳ khác.
1. Đại cương
Bí tiểu là tình trạng không bài xuất được nước tiểu trong bàng quang.
Có 2 loại bí tiểu: bí tiểu cấp (AUR) diễn ra đột ngột, tồn tại thời gian ngắn rồi hết và bí tiểu mạn tính diễn ra từ từ tăng dần, tồn tại trong thời gian dài. Bình thường tình trạng bí tiểu hay xảy ra ở nam giới lớn tuổi, nhưng cũng gặp ở phụ nữ.
Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, nhóm phụ nữ mang thai lần đầu và nhóm phụ nữ trên 35 tuổi có khả năng bị bí tiểu khi mang thai cao hơn hẳn các nhóm khác.
Bí tiểu trong thời kỳ mang thai có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe như nhiễm khuẩn tiết niệu, sỏi tiết niệu, hoặc nghiêm trọng hơn có thể dẫn đến suy thận, vỡ bàng quang, sảy thai, đẻ non, suy dinh dưỡng thời kỳ bào thai. Vì vậy, tình trạng này cần phải được kiểm soát rất chặt chẽ.
2. Nguyên nhân của bí tiểu khi mang thai
Nguyên nhân do giải phẫu cơ thể và thay đổi giải phẫu trong thời kỳ mang thai.
Tử cung ngả sau: 11-15% bệnh nhân bí tiểu trong thai kỳ có tử cung ngả sau và 1,4% phụ nữ có tử cung ngả sau bị bí tiểu cấp trong thai kỳ. Trong giai đoạn này, ở các người bệnh có tử cung vòi trứng ngược, ngả sau, cổ bàng quang có thể bị chèn ép do cổ tử cung bị lệch. Vào khoảng tuần thai thứ 14, tư thế tử cung vòi trứng thường tự quay lên vị trí cao hơn, làm giải phóng sự chèn ép vào cổ bàng quang, từ đó, bí tiểu sẽ hết và bệnh nhân sẽ có thể đi tiểu lại bình thường.
Các yếu tố như viêm dính vùng chậu, bất thường khung chậu bẩm sinh, u xơ thành sau tử cung, lạc nội mạc tử cung, nạo phá thai cũng gây ảnh hưởng đến AUR do làm cản trở tử cung vào ổ bụng.
Sa sinh dục, thoát vị bàng quang, tử cung là các nguyên nhân cũng khá thường gặp gây bí tiểu ở phụ nữ, và có thể gặp trong thời kỳ mang thai, đặc biệt khi thai lớn. Không giống như nhóm nguyên nhân trên, bí tiểu do các nguyên nhân này khó có thể tự hết, mà càng ngày càng nặng, đòi hỏi phải có các biện pháp can thiệp điều trị nguyên nhân mới có thể giải quyết được vấn đề bí tiểu.
Nhiễm khuẩn tiết niệu, viêm nhiễm ở vùng cơ quan sinh dục dưới cũng là các yếu tố nguy cơ của bí tiểu.
- Dùng thuốc: có một số thuốc gây bí tiểu như các thuốc kháng cholinergic (như thuốc chống loạn thần, chống trầm cảm, một số thuốc điều trị bệnh hô hấp), các loại opioid, thuốc mê, thuốc chủ vận alpha – adenoceptor, NSAIDs, benzodiazepin, thuốc giãn cơ và thuốc đối kháng kênh calci...
- Các nguyên nhân khác: tổn thương thần kinh, thoát vị đĩa đệm, u vùng tiểu khung... đều có thể gặp
Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec mang đến Chương trình chăm sóc thai sản trọn gói cho các sản phụ ngay từ khi bắt đầu mang thai từ những tháng đầu tiên với đầy đủ các lần khám thai, siêu âm 3D, 4D định kỳ cùng các xét nghiệm thường quy để đảm bảo người mẹ luôn khỏe mạnh và thai nhi phát triển toàn diện.
Sản phụ sẽ được tư vấn và kiểm tra sức khỏe dưới sự theo dõi sát sao của các Bác sĩ Sản khoa giàu kinh nghiệm, chuyên môn, giúp các bà mẹ có thêm kiến thức để bảo vệ sức khỏe trong thai kỳ cũng như giảm thiểu những biến chứng ảnh hưởng tới mẹ và con.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.