Nguy cơ mắc hội chứng chân không yên ở bà bầu

Giai đoạn mang thai là lúc mà cơ thể phụ nữ trải qua rất nhiều các biến đổi, từ hormone của cơ thể đến thay đổi về tuần hoàn, hô hấp và miễn dịch. Trong đó, hội chứng chân không yên ở bà bầu ảnh hưởng nhiều đến giấc ngủ và sức khỏe thai kỳ.

1. Hội chứng chân không yên là gì?

Theo một nghiên cứu vào ngày 27 tháng 9 năm 2001 cho thấy phụ nữ mang thai ngoài các triệu chứng nôn nghén, khó thở thì còn một tình trạng gây khó chịu và đôi khi gây đau cho sản phụ, ảnh hưởng đến giấc ngủ, đó là hội chứng chân không yên.

Hội chứng chân không yên (RLS) bao gồm các triệu chứng liên quan đến rối loạn vận động, làm cho sản phụ muốn di chuyển và vận động chân. Bên cạnh triệu chứng trên thì sản phụ còn có cảm giác khó chịu hoặc không thoải mái. Những người mắc hội chứng chân không yên đã mô tả các cảm giác chân của mình như kiến bò, ngứa ran hoặc đau và tê như kim châm, và đôi khi là cảm giác đau đớn. Một vài trường hợp ghi nhận hiện tượng giật cơ đột ngột.

Các triệu chứng thường nặng hơn vào buổi tối hoặc ban đêm gây ảnh hưởng trầm trọng đến giấc ngủ của sản phụ và hạn chế các cử động ở chân gây khó khăn trong việc đi lại.

2. Ảnh hưởng của hội chứng chân không yên

Hội chứng chân không yên ở bà bầu thường gặp ở những phụ nữ lớn tuổi. Tỷ lệ mắc bệnh tăng theo tuổi. Khoảng 5 - 10 % dân số gặp phải tình trạng này trong khi mang thai.

Theo một nghiên cứu của Mauro Manconi, MD, Đại học Vita-Salute ở Milan, Ý về “Mang thai và hội chứng chân không yên”. Nhóm nghiên cứu đã sử dụng một định nghĩa quốc tế được sửa đổi gần đây về tình trạng này, trong nghiên cứu nguyên nhân của RLS vẫn chưa được biết. Kết quả của nghiên cứu cho thấy có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến hội chứng này:

  • Trường hợp mang thai đầu tiên có liên quan đến hội chứng chân không yên được báo cáo vào năm 1940, với một số nghiên cứu khác xác nhận mối liên hệ này.
  • Gần 600 phụ nữ Ý đã tham gia vào cuộc nghiên cứu, họ được đánh giá hội chứng chân không yên ở bà bầu xuất hiện từ khi bắt đầu mang thai. Sau khi sinh xong, trong vòng 2 ngày thì những người phụ nữ này sẽ nói chuyện với một cặp bác sĩ thần kinh đã có giấy chứng nhận về Y học giấc ngủ .
  • Trong 6 tháng tiếp theo, các nhà nghiên cứu đã theo dõi những người mà bác sĩ chẩn đoán họ bị hội chứng chân không yên khi mang thai. Kết quả hơn 26% phụ nữ bị RLS. Trong đó, đa số là lần đầu tiên họ gặp phải tình trạng này. Gần 25% xảy ra các triệu chứng 1 lần mỗi tuần và gần 15% trên 3 lần mỗi tuần. Điều này làm cho sản phụ ngủ ít hơn, mất ngủ nhiều và dễ buồn ngủ quá mức vào ban ngày.

Nếu RLS gặp trong 3 tháng cuối thai kỳ là một yếu tố tiên lượng xấu, đặc biệt là trong tháng thứ bảy và thứ tám của thai kỳ. Hầu hội chứng chân không yên ở bà bầu sẽ biến mất sau khi sinh một tháng, chỉ có 7% sản phụ vẫn mắc hội chứng chân không yên.


Hội chứng chân không yên có thể ảnh hưởng tới sức khỏe bà bầu
Hội chứng chân không yên có thể ảnh hưởng tới sức khỏe bà bầu

3. Nguyên nhân gây nên hội chứng chân không yên

Một nguyên nhân có thể gây ra hội chứng chân không yên là chỉ số sắt dự trữ trong máu cũng như trong gan thấp hơn so với những phụ nữ không mắc hội chứng này. Trong suốt quá trình mang thai, sản phụ cần một lượng lớn sắt để cung cấp cho thai nhi. Ngoài ra, sản phụ còn bị mất sắt qua quá trình sinh do bị mất máu. Tuy nhiên, sau khi sinh 3 tháng thì lượng sắt được cải thiện và hội chứng chân không yên cũng mất đi.

Một giả thuyết khác đổ lỗi cho hormone là tác nhân gây ra RLS ở sản phụ. Các nhà nghiên cứu viết trên Tạp chí Neurology, cho rằng: “Sự cải thiện nhanh chóng và quan trọng của hội chứng chân không yên sau khi sinh nghiên về nguyên nhân nội tiết tố thay vì giả thuyết về sắt.” Trong quá trình mang thai thì các hormone thay đổi rất lớn, đặc biệt là hai hormone estrogenprogesterone, bên cạnh đó trong lúc mang thai có thêm sự gia tăng của một vài hormone khác như β-hCG.

Ngoài ra còn một vài nguyên nhân khác như: Di truyền, cơ thể tăng nhạy cảm trong lúc mang thai,...

4. Cách khắc phục hội chứng chân không yên ở bà bầu

Dựa vào một số nguyên nhân gây ra hội chứng chân không yên, nhiều tác giả đã đề cập đến một vài biện pháp khắc phục hội chứng chân không yên như sau:

4.1 Bổ sung sắt và axit folic đầy đủ

Nhu cầu sắt ở phụ nữ mang thai tăng gấp 3 đến 4 lần so với bình thường vì để tăng lượng máu và chất dinh dưỡng để cung cấp cho thai nhi. Cần bổ sung sắt trong khi mang thai theo chỉ định của bác sĩ. Bên cạnh đó cần cung cấp axit folic trước khi mang thai 3 tháng, do axit folic cần cho sự phát triển và hoàn thiện hệ thần kinh của thai nhi, ngoài ra acid folic còn giúp tạo ra các hồng cầu khỏe mạnh.

Nếu có các dấu hiệu thiếu sắt trong thai kỳ như: Mệt mỏi, chóng mặt, da nhợt nhạt thì cần đi khám ngay và đề nghị được xét nghiệm định lượng sắt, ferritin huyết thanh.

Cần bổ sung các chất trên theo đúng chỉ định của bác sĩ, tránh sử dụng quá liều gây ngộ độc và ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi.

4.2 Kiểm soát cân nặng hợp lý

Trước khi mang thai, nếu bạn đang trong tình trạng thừa cân, béo phì thì có nguy cơ mắc hội chứng chân không yên. Hãy chú ý điều chỉnh cân nặng của mình về mức hợp lý trước khi có ý định mang thai. Đơn giản nhất là thay đổi chế độ ăn uống và tập luyện thể dục thể thao.

Đối với việc giảm cân nhờ vào thay đổi chế độ ăn thì nên tham khảo ý kiến của chuyên gia dinh dưỡng, không nên ăn các thực phẩm thiếu chất hoặc bỏ bữa. Bởi vì điều này không giúp bạn giảm cân mà còn gây thiếu hụt dinh dưỡng trầm trọng, không đủ chất để bắt đầu quá trình mang thai. Tập luyện thể dục thể thao là biện pháp rất hữu ích để giảm cân.

4.3 Bổ sung các vi chất quan trọng khác

Các vitamin khác cũng có thể giúp giảm các triệu chứng của hội chứng chân không yên ở bà bầu. Mỗi ngày, bạn nên bổ sung 350mg magiê và 1200mg canxi.

Magiê giúp xây dựng, sửa chữa mô và ngăn ngừa nguy cơ chuyển dạ sớm trong thai kỳ. Canxi cần cho việc cung cấp cho thai nhi tạo ra xương, mầm răng và các cơ bắp, hỗ trợ phát triển hệ tim mạch, giúp duy trì tim thai ở mức bình thường.

Đối với sản phụ, canxi giúp sản phụ giảm bớt tình trạng đau nhức và chuột rút khi mang thai.

Một số thực phẩm cung cấp các vi chất nói trên là: Đu đủ, ngũ cốc, các loại đậu, thịt bò, trái cây họ cam chanh,...


Bà bầu mắc hội chứng chân không yên có thể bổ sung các vi chất cần thiết
Bà bầu mắc hội chứng chân không yên có thể bổ sung các vi chất cần thiết

4.4 Nghỉ ngơi hợp lý

Hội chứng chân không yên sẽ trầm trọng hơn nếu sức khỏe của bạn suy giảm hoặc rơi vào trạng thái stress. Vì vậy, cần có một chế độ nghỉ ngơi hợp lý, ngủ bù để đảm bảo truy trì đủ thời gian ngủ, cũng như thực hiện một số biện pháp giúp dễ ngủ hơn.

  • Đi ngủ và thức dậy đúng giờ;
  • Cố gắng hạn chế tiếp xúc với ánh sáng trước khi ngủ khoảng 1 giờ: tránh sử dụng điện thoại, đọc sách bằng đèn trước khi ngủ;
  • Tránh thức uống có caffeine và đường;
  • Tránh vận động quá sức trước khi ngủ;
  • Ngủ trong phòng thoáng mát, yên tĩnh;

Ngoài ra, ngâm chân bằng nước nóng trước khi ngủ có thể cải thiện được hội chứng chân không yên ở bà bầu. Trước khi đi ngủ, bạn cần chuẩn bị một thau nước nóng khoảng 40 - 50 độ C để ngâm chân, ngâm trong vòng 15 – 20 phút. Có thể là nước sạch đun sôi hoặc nước thảo dược. Tuy nhiên cần lưu ý công dụng của các vị thảo dược để lựa chọn thích hợp, phù hợp với tình trạng sức khỏe của bản thân. Tốt nhất nên tham khảo ý kiến của bác sĩ điều trị trước khi lựa chọn các vị thuốc thêm vào nước ngâm chân của mình. Tuyệt đối không được dùng các loại nước có tính kích thích mạnh và ăn mòn.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết tham khảo: webmd.com

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe