Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Néang Chanh Ly - Bác sĩ Sản phụ khoa - Khoa Sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc
Ở trong độ tuổi sinh sản, hệ thống tim mạch của phụ nữ được bảo vệ bởi các hormon sinh dục nữ đặc biệt là estrogen. Tuy nhiên, khi đến giai đoạn mãn kinh, các hormone này sẽ suy giảm nhanh chóng làm nguy cơ tim mạch ở phụ nữ mãn kinh tăng cao hơn. Vì vậy, vấn đề phòng bệnh, phát hiện bệnh sớm và điều trị kịp thời là ưu tiên hàng đầu.
1. Tác dụng của estrogen đối với hệ tim mạch
Từ lúc dậy thì cho đến trước giai đoạn mãn kinh, cơ thể người phụ nữ tiết ra một loại nội tiết tố nữ, gọi là estrogen - “hormone kỳ diệu” bởi vì nó tạo ra những đặc trưng của giới tính nữ. Bên cạnh tác dụng giúp phái nữ phát triển hoàn thiện về hình thái và chức năng sinh lý thì nó còn tác động tới nhiều cơ quan khác của cơ thể, giúp bảo vệ hệ tim mạch, các tế bào thần kinh, tham gia điều hòa hoạt động của các cơ quan trong cơ thể.
Đối với hệ tim mạch, estrogen đóng vai trò như một “chiến binh” bảo vệ thành động mạch, điều hòa quá trình vận chuyển ion trong lòng mạch, đặc biệt là tăng đưa oxy vào trong tế bào. Nhờ vậy nó giúp ngăn ngừa xơ vữa động mạch do ức chế quá trình oxy hóa các lipoprotein tỷ trọng thấp trong máu. Chúng ta đều biết cơ chế gây ra xơ vữa động mạch là do sự tích tụ mỡ trong lòng mạch gây xơ và chít hẹp lòng mạch, nguy hiểm hơn nếu mảng xơ vữa nứt ra sẽ tạo thành huyết khối và gây tắc mạch, đặc biệt là mạch máu não và thần kinh. Estrogen sẽ giải quyết vấn đề này do nó ngăn cản sự tạo huyết khối.
Tác động tiếp theo của estrogen là giảm nguy cơ tăng huyết áp do giảm sức căng cơ trơn thành mạch, giúp giãn mạch. Chính vì vậy mà trong giai đoạn mãn kinh khi hàm lượng estrogen suy giảm thì phụ nữ sẽ gia tăng các nguy cơ về bệnh lý tim mạch.
2. Nguy cơ tim mạch ở phụ nữ mãn kinh
Hàm lượng estrogen ở phụ nữ đạt nồng độ đỉnh ở giai đoạn dậy thì, sau đó giảm và duy trì ổn định trong giai đoạn trưởng thành. Đến giai đoạn thai nghén thì do tác động của hoàng thể thai kỳ và nhau thai mà estrogen tăng cao hơn và duy trì cho đến lúc sinh. Sau tuổi 30 hormone này sẽ giảm dần, theo nghiên cứu cứ 10 năm sẽ giảm từ 15%, đến khi 55 tuổi chỉ còn 10% so với giai đoạn trưởng thành.
Ở giai đoạn mãn kinh, buồng trứng giảm hoạt động, hệ trục hạ đồi – tuyến yên – buồng trứng sản xuất hormon estrogen ít hơn hẳn và cuối cùng là ngừng chế tiết. Đây chính là nguyên nhân gây nên các thay đổi trong giai đoạn mãn kinh mà nhiều chị em lo lắng như: rối loạn kinh nguyệt, thúc đẩy nhanh quá trình lão hóa, giảm ham muốn tình dục.
3. Triệu chứng tim mạch ở phụ nữ mãn kinh
3.1 Mệt mỏi và giảm khả năng gắng sức
Phụ nữ dễ cảm thấy mệt hơn so với lúc trước. Ban đầu mệt khi đi nhanh về sau thậm chí không đủ sức đứng thẳng, đi lại phải gắng sức nhiều. Thường cảm thấy mệt toàn thân.
3.2 Khó thở
Khó thở ban đầu sẽ xuất hiện với các hoạt động gắng sức như đi bộ đường dài, tập luyện thể dục thể thao. Ngồi nghỉ ngơi thì sẽ hết triệu chứng, tuy nhiên nếu khó thở làm cản trở cuộc sống hàng ngày của bạn, khiến bạn không thể tự mặc áo quần, quét dọn nhà cửa hay khó thở khi nằm là một dấu hiệu cảnh báo mà bạn nên đi khám ngay để được tư vấn và điều trị kịp thời.
3.3 Đau vùng thượng vị
Cơn đau này dễ làm bạn nhầm tưởng với các bệnh lý của dạ dày - tá tràng. Tuy nhiên, khác với bệnh lý dạ dày bình thường, đau thượng vị nguyên nhân do bệnh tim mạch chỉ cảm thấy đau âm ỉ và cảm giác đầy bụng, không đau thành cơn và đau không tăng lên khi đói hay khi dùng thực phẩm cay và nóng.
3.4 Đau vùng hàm và cổ
Đau hai bên quai hàm, đau vùng cổ là triệu chứng thường gặp ở các bệnh nhân được chẩn đoán bệnh lý tim mạch trong độ tuổi mãn kinh.
3.5 Đau lan ra cánh tay, đặc biệt là cánh tay trái
Thông thường bệnh nhân sẽ thấy cảm giác hồi hộp, cảm giác đè nén vùng trước ngực. Sau đó cơn đau này lan ra cánh tay trái trái ở mặt trong lan đến tận các ngón tay.
4. Chế độ ăn uống kiểm soát bệnh tim mạch
- Hạn chế thức ăn chứa chất béo, chất béo bão hòa chiếm tối đa 10% năng lượng cung cấp.
- Hạn chế muối, lượng muối < 5g/ngày.
- Tăng ăn thực phẩm giàu chất xơ như bột yến mạch, táo, chuối, bánh mì, các loại rau xanh...
- Ăn cá 1-2 bữa mỗi tuần (nhất là những loại cá nhiều dầu)
- Hạn chế các loại thức uống chứa cồn và các thức uống ngọt, nhiều đường.
5. Chế độ tập luyện
Nếu bạn đang trong tình trạng béo phì, đặc biệt là béo bụng thì nguy cơ tử vong toàn thể cao hơn đối với những bệnh nhân cân nặng bình thường. Vì vậy cần có chế độ ăn uống để giảm cân nặng, và chế độ luyện tập phù hợp
Đi bộ nhẹ nhàng buổi sáng hoặc tối từ 15-30 phút mỗi ngày. Tập các bài thể dục nhẹ nhàng, hoặc lựa chọn tập yoga.
Hạn chế các hoạt động gắng sức, bưng vác các vật nặng.
6. Kiểm soát huyết áp
Tăng huyết áp là một yếu tố nguy cơ phổ biến gây ra bệnh tim mạch cho phụ nữ giai đoạn mãn kinh. Cần hạn chế muối, thể dục điều độ và theo dõi huyết áp thường xuyên bằng máy đo huyết áp tại nhà hoặc khám tại các trạm y tế phường, xã. Nếu huyết áp tâm thu của bạn trên 140mmHg thì cần đến khám ngay để điều trị kịp thời.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.