Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Vũ Huy Bình - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.
Khác với lồng ruột ở trẻ thường không rõ nguyên nhân, lồng ruột ở người lớn hầu hết nguyên nhân do u, nhiều nhất là u ở ruột non và đại tràng, ngoài ra còn do manh tràng di động, viêm hồi manh tràng mạn, viêm hạch mạc treo, có túi thừa meckel.
1. Trường hợp điển hình người lớn mắc lồng ruột
Lồng ruột ở người lớn là bệnh vô cùng ít gặp. Khác với lồng ruột ở trẻ nhỏ, việc điều trị có thể dùng phương pháp bơm hơi tháo lồng hoặc phẫu thuật, còn ở người lớn thì chỉ phẫu thuật mới giải quyết dứt điểm nguyên nhân gây bệnh và tránh nguy cơ tái phát.
2. Điều trị lồng ruột ở người lớn chỉ có phẫu thuật
Tới 90% trường hợp trẻ em bị lồng ruột không rõ nguyên nhân, còn ở người lớn thì ngược lại, hơn 90% bệnh có nguyên nhân do u, u ở ruột non và đại tràng là chủ yếu. Một số trường hợp khác lồng ruột do có túi thừa meckel, viêm hạch mạc treo viêm hồi manh tràng mạn, manh tràng di động.
Các u gây lồng ruột ở người lớn hầu hết là ung thư, do đó bắt buộc phải phẫu thuật điều trị kết hợp với các phương pháp khác. Theo kinh nghiệm trong chẩn đoán và điều trị, hầu hết các trường hợp u ở ruột non là lành tính, còn u đại tràng thường là ác tính.
Nếu u gây lồng ruột do polyp trong hội chứng Peutz-Jeghers thì bệnh nhân có có các biến chứng chảy máu, hay tái phát, thậm chí có thể bị lồng cùng ở nhiều đoạn khác nhau một lúc. Các trường hợp viêm hạch lao, viêm hồi - manh tràng mạn tính, viêm hạch không đặc hiệu thường gây tăng và rối loạn nhu động ruột, dẫn đến lồng ruột.
Căn cứ vào nguyên nhân, vị trí lồng ruột và các thương tổn mà bác sĩ sẽ đưa ra 3 phương pháp mổ khác nhau gồm:
- Tháo lồng (cố định manh tràng),
- Cắt nửa đại tràng
- Cắt đoạn ruột kèm khối lồng
Việc lựa chọn các phương pháp phẫu thuật cũng phụ thuộc vào điều kiện bệnh nhân, khả năng gây mê hồi sức và kinh nghiệm của bác sĩ.
Nếu lồng ruột ở người lớn được phát hiện sớm, khi khối lồng chưa bị hoại tử và viêm phúc mạc thì phẫu thuật có chuẩn bị hoặc mổ cấp cứu sẽ có hiệu quả cao. Phẫu thuật vừa giúp điều trị lồng ruột vừa loại bỏ nguyên nhân gây bệnh.
Nếu u ở manh tràng hoặc đại tràng phải thì có hoặc không cắt bỏ nửa đại tràng phải, tùy theo sức khỏe, điều kiện của người bệnh thì có thể nối hay đưa hai đầu ra ngoài, sau đó mổ lại nối thì sau.
Nếu bệnh nhân có u ở đại tràng trái thì cần cắt nửa đại tràng trái có khối u rồi đưa hai đầu ra ngoài để làm hậu môn nhân tạo. Nếu do u ruột non thì cắt bỏ đoạn ruột lồng cùng khối u. Còn trường hợp lồng ruột do đa polyp sẽ tháo lồng (nếu chưa hoại tử) rồi mở ruột cắt bỏ polyp, còn khối lồng bị hoại tử, nghi ngờ bị hoại tử thì phải cắt đoạn ruột ngay.
Ở các trường hợp lồng hồi-manh-đại tràng hoặc lồng đại-đại tràng thì sẽ cắt đoạn ruột lồng, không tháo, thường cắt nửa đại tràng phải hoặc trái phụ thuộc vị trí và thành ruột thương tổn.
Những người có tổn thương lành tính trong ruột non và đại tràng thì sẽ cắt đoạn ruột non hay nửa đại tràng để ngừa lồng ruột tái phát. Với bệnh nhân bị lồng ở góc hồi-manh tràng không phải do u thì chỉ cần tháo lồng, cắt ruột thừa và cố định manh tràng, đoạn cuối hồi tràng.
Nếu lồng ruột do dính, viêm thì phải gỡ dính, tháo lồng và điều trị nguyên nhân. Nếu viêm do u lao ở góc hồi-manh tràng thì cần cắt nửa đại tràng phải kết hợp điều trị lao. Lồng ruột ở người lớn do túi thừa meckel kèm khối lồng (khối lồng hoại tử hoặc sắp hoại tử) thì sẽ nối lại.
Như vậy, mặc dù tỉ lệ không cao song người lớn cũng có thể bị lồng ruột, hơn nữa bệnh chỉ có thể điều trị bằng phẫu thuật loại bỏ nguyên nhân.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.