Theo Tổ chức Y tế Thế giới WHO, chứng thiếu máu chiếm 24,8% dân số toàn cầu và ảnh hưởng đến 1,62 tỷ người trên toàn thế giới. Trong hầu hết các trường hợp, tình trạng thiếu máu có thể điều trị được và việc điều trị cụ thể sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân cơ bản. Vậy thiếu máu nên uống thuốc gì?
1. Tổng quan về chứng thiếu máu
Giải thích theo cách dễ hiểu nhất thì tình trạng thiếu máu phản ánh sự thiếu hụt của hemoglobin hoặc các tế bào hồng cầu, làm ảnh hưởng đến quá trình cung cấp oxy đến các cơ, mô và các cơ quan khác.
Các triệu chứng dễ nhận thấy nhất của thiếu máu là:
- Mệt mỏi;
- Suy nhược cơ thể;
- Khó thở;
- Choáng váng;
- Chóng mặt.
Thông thường, hồng cầu được sản xuất bởi tế bào gốc tủy xương với sự hỗ trợ của các chất như: sắt, vitamin B12 và folate. Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng thiếu máu, mỗi nguyên nhân đều có các triệu chứng với cách điều trị riêng. Dưới đây là 3 nguyên nhân phổ biến nhất:
- Lượng tế bào hồng cầu bị phá hủy quá mức;
- Mất máu;
- Cơ thể không sản sinh đủ tế bào hồng cầu.
Ngoài ra, còn có các nguyên nhân khác gây thiếu máu như: Rối loạn di truyền, cơ thể giảm hấp thu hoặc tăng sử dụng, tăng thải trừ sắt, vitamin... Người mắc bệnh truyền nhiễm, bệnh gây thiếu máu (giun móc, trĩ...), một số dạng ung thư hay nhiễm độc dược phẩm, độc chất.
2. Thiếu máu nên uống thuốc gì?
2.1 Bổ sung sắt
“Thiếu máu chóng mặt nên uống thuốc gì?” là thắc mắc được nhiều người quan tâm. Thực tế, khi điều trị tình trạng thiếu máu do thiếu sắt, các bác sĩ sẽ chỉ định cho người bệnh bổ sung thêm lượng sắt bị thiếu hụt. Phần lớn bệnh nhân sẽ đáp ứng với hướng điều trị này. Chỉ một số ít trường hợp người bệnh không dung nạp với sắt đường uống, vẫn bị mất máu mà sắt đường uống không kịp bù thì sẽ được chỉ định bổ sung sắt qua đường tiêm.
Sắt sẽ hấp thu tốt nhất khi bụng đói hoặc dùng kèm vitamin C vì sắt cần môi trường axit để tăng khả năng hấp thụ. Bạn cũng có thể uống viên sắt với nước cam. Bổ sung lượng sắt cần thiết sẽ giúp cơ thể tiếp tục sản xuất đủ tế bào hồng cầu và hemoglobin.
2.2 Bổ sung Vitamin B12
Vitamin B12 (Cobalamin) thường được dùng để điều trị thiếu máu trong các trường hợp: Thiếu máu hồng cầu to, viêm đau dây thần kinh, dự phòng thiếu máu dinh dưỡng ở người phẫu thuật cắt dạ dày hoặc viêm ruột mạn tính. Chỉ định bổ sung vitamin B12 có thể áp dụng khi bệnh nhân có dấu hiệu huyết học và triệu chứng thần kinh bất thường như: cảm giác kiến bò/tê bì ở hai tay, chân.
Ngoài vitamin B12, người bệnh cũng cần bổ sung Folate (vitamin B9) trong các trường hợp điều trị và dự phòng thiếu máu, đặc biệt là thiếu máu hồng cầu to, bệnh nhân suy nhược, suy dinh dưỡng, phụ nữ có thai, cho con bú.
2.3 Bổ sung Acid folic
Tình trạng bị thiếu máu do thiếu acid folic cũng khá phổ biến và chủ yếu gặp ở phụ nữ mang thai, người nghiện rượu. Việc điều trị trong trường hợp này là bổ sung thêm acid folic. Thời gian điều trị thường kéo dài khoảng 4 tháng để đảm bảo các tế bào hồng cầu thiếu acid folic được thay thế hoàn toàn bằng các tế bào mới.
2.4. ESAs - Chất kích thích tạo hồng cầu cho người mắc bệnh thận
Erythropoietin (EPO) là 1 hormone được sản sinh tại thận và được ví như một “sứ giả hóa học” giúp ra tín hiệu tăng sinh tế bào hồng cầu cho tủy xương. Tuy nhiên nếu mắc các bệnh lý thận, mức EPO trong cơ thể sẽ giảm thấp khiến cho lượng hồng cầu suy giảm và gây ra tình trạng thiếu máu (gọi là thiếu máu do bệnh thận). Thuốc kích thích tạo hồng cầu (ESAs) sẽ được sử dụng trong trường hợp này và thay thế vai trò của EPO và giúp kích thích cơ thể sản sinh hồng cầu. Trong liệu trình sử dụng thuốc này, sắt cũng thường được bổ sung đồng thời để đảm bảo mang lại hiệu quả điều trị tối ưu. Lưu ý: chỉ dùng thuốc ESAs khi có chỉ định từ bác sĩ.
3. Lưu ý khi sử dụng thuốc điều trị thiếu máu
Bên cạnh công dụng điều trị thì việc sử dụng các thuốc điều trị thiếu máu cũng có thể mang đến một số tác dụng phụ (phổ biến nhất là đau bụng và táo bón). Ngoài ra:
- Bổ sung sắt có thể gây buồn nôn, nôn mửa và ợ chua.
- Bổ sung vitamin B12 có thể gây buồn nôn và nôn, chóng mặt đau đầu;
- Bổ sung acid folate đôi khi gây đầy hơi, buồn nôn, kém ăn và khó ngủ.
Để tránh các tác dụng phụ tiềm ẩn và tương tác thuốc không mong muốn, người bệnh nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi bắt đầu dùng thuốc hoặc điều trị thiếu máu theo bất cứ cách nào.
Bên cạnh đó, để hỗ trợ cho việc điều trị thì chế độ dinh dưỡng cũng rất quan trọng. Nếu bị thiếu máu do thiếu sắt, người bệnh nên tăng cường ăn các loại thịt đỏ, trứng, cá, sản phẩm từ đậu nành và nhiều loại rau lá xanh. Các loại trái cây, nước uống giàu vitamin C (nước cam, nước chanh...) có thể dùng cùng bữa ăn để tăng hấp thụ sắt. Ngược lại sữa, cà phê, trà làm giảm hấp thụ sắt nên chỉ dùng ở mức vừa phải và nên cách xa thời điểm uống sắt.
Đối với tình trạng thiếu máu do thiếu vitamin B12, người bệnh nên tăng cường ăn cá, thịt gia cầm, sữa và các chế phẩm từ sữa khác. Các thực phẩm giàu folate như: Đậu, các loại rau xanh lá đậm, cà chua, cam quýt...cũng nên được bổ sung vào khẩu phần ăn hàng ngày.