Người bị bệnh tiểu đường có ăn được socola không?

Sống chung với bệnh tiểu đường có nghĩa là bạn phải nhận thức rõ về lượng thức ăn, đồ uống của mình và tác động của thực phẩm tới lượng đường trong máu. Một câu hỏi mà nhiều người băn khoăn là bệnh nhân tiểu đường có ăn được socola không?

1. Lợi ích và hạn chế của việc ăn socola

Nhiều người cho rằng nếu bị tiểu đường thì bạn không thể ăn đồ ngọt hoặc socola. Tuy nhiên, điều này không đúng. Bạn vẫn có thể ăn những thực phẩm này với số lượng nhỏ nhưng với điều kiện là chúng cần phải là một phần của lối sống và chế độ ăn uống lành mạnh.

1.1 Lợi ích

Ngoài việc thỏa mãn cảm giác thèm ăn thì việc ăn socola có thể mang lại một số lợi ích cho sức khỏe, đặc biệt là socola đen.

Tiểu đường có ăn được socola? Bằng cách chọn socola đen chất lượng cao với thành phần 70% cacao, bạn có thể nếm thử socola với hương vị mạnh, từ đó bạn sẽ ăn ít hơn. Đồng thời, việc kiểm tra nhãn sản phẩm cũng giúp bạn biết được hàm lượng carbohydrate trong socola để điều chỉnh mức độ insulin, giúp bạn có thể thưởng thức món ăn vặt ngọt ngào này. Bạn cũng nên trao đổi với bác sĩ về việc bản thân mình có thể thêm socola vào chế độ ăn một cách điều độ hay không.

Socola đen có chứa một nhóm hóa chất thực vật được gọi là flavonoid, giúp giảm kháng insulin và cải thiện độ nhạy insulin. Bên cạnh đó, socola đen cũng có thể làm giảm đông máu. Ngoài ra, flavonoid trong socola đen cũng có tác dụng cải thiện chức năng nội mô, làm giảm sức đề kháng insulin, giảm rủi ro các nguy cơ về tim mạch trong tương lai.

1.2 Hạn chế

Không phải mọi loại socola đều giống nhau. Socola sữa và socola trắng không có lợi ích cho sức khỏe như socola đen. Ăn các loại thực phẩm như bánh socola hoặc bánh quy socola sẽ không mang lại lợi ích như một miếng socola đen. Bên cạnh đó, việc ăn quá nhiều socola có thể gây ra các vấn đề về lượng đường trong máu và gây tăng cân.

2. Xây dựng chế độ ăn uống phù hợp cho bệnh nhân tiểu đường

Khi bạn bị tiểu đường, một chế độ ăn uống cân bằng đóng vai trò quan trọng. Nó không chỉ là một phần của lối sống lành mạnh tổng thể mà còn là một phần của kế hoạch điều trị. Cùng với hoạt động thể chất thường xuyên, việc duy trì một chế độ ăn uống cân bằng, lành mạnh giúp bạn giữ mức đường huyết bình thường và giữ cho cân nặng ổn định. Cân nặng hợp lý giúp kiểm soát lượng đường trong máu, giảm nguy cơ biến chứng tiểu đường.

Các cách giúp kiểm soát bệnh tiểu đường:

  • Theo dõi chế độ ăn uống;
  • Tập luyện thể chất thường xuyên;
  • Dùng thuốc tiểu đường đúng theo chỉ định của bác sĩ.

Một chế độ ăn uống cân bằng thường bao gồm: Rau, trái cây, các loại ngũ cốc, thịt nạc, sữa ít béo. Ngoài ra, chế độ ăn cho người tiểu đường nên bao gồm các chất béo có lợi cho tim như: Dầu oliu, các loại hạt, cá, trái bơ,... Người bệnh nên hạn chế chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa cùng các loại ngũ cốc chế biến như gạo trắng và thực phẩm có chỉ số đường huyết cao.

3. Công thức chế biến socola lành mạnh hơn

Với câu hỏi người bị tiểu đường có ăn được socola, đáp án là có. Đáp án cho câu hỏi tiểu đường thai kỳ có được ăn socola không cũng là có. Miễn là bạn cần tiêu thụ loại thực phẩm này với lượng vừa phải. Bên cạnh đó, khi bạn thực sự muốn ăn socola hoặc món gì khác có hương vị socola thì hãy áp dụng các cách làm giúp món ăn vặt này tốt cho sức khỏe hơn. Đó là:

  • Bánh socola: Nếu bạn thích làm bánh, hãy thử làm bánh socola không chứa gluten. Loại bánh này chỉ chứa chất xơ, giúp điều hòa lượng đường trong máu mà vẫn có hương vị socola;
  • Bánh Brownie: Bạn có thể làm và nếm thử những chiếc bánh Brownie giàu chất xơ, không chứa gluten. Chúng giàu protein và chất dinh dưỡng, có vị ngọt nhẹ, phù hợp với người bị tiểu đường;
  • Bơ đậu phộng và socola: Nếu bạn thích sự kết hợp này, hãy thử làm bánh bơ đậu phộng và socola;
  • Bánh quy: Đôi khi, bạn chỉ cần ăn những chiếc bánh quy socola đơn thuần. Và bánh quy socola không chứa gluten giàu chất xơ sẽ giúp bạn được thưởng thức hương vị socola mà không e ngại tới nguy cơ gây hại cho sức khỏe.

4. Vì sao người bị tiểu đường nên thay đổi lối sống?

Giữ mức đường huyết trong phạm vi khỏe mạnh chính là một phần quan trọng trong việc kiểm soát bệnh tiểu đường. Cùng với thuốc, việc xây dựng một chế độ ăn uống và tập luyện phù hợp có thể hữu ích với người bệnh. Tất cả những điều này sẽ kết hợp với nhau, giúp người bệnh có sức khỏe tốt, ngăn ngừa những biến chứng do bệnh tiểu đường.

Ăn kiêng và tập thể dục giúp:

  • Ổn định lượng đường trong máu, hàm lượng cholesterol và huyết áp;
  • Giữ cân nặng cân đối hoặc giúp bạn giảm cân;
  • Ngăn ngừa hoặc trì hoãn một số biến chứng của bệnh đái tháo đường;
  • Cung cấp cho cơ thể nhiều năng lượng hơn;
  • Cải thiện lưu thông máu;
  • Đốt cháy thêm calo;
  • Cải thiện tâm trạng của bạn.

Chế độ ăn uống của người bệnh tiểu đường có thể phụ thuộc vào insulin hoặc các thuốc chữa bệnh khác. Bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ về các vấn đề như: Thời điểm ăn uống phù hợp, lượng carbohydrate có thể tiêu thụ, kế hoạch bữa ăn hợp lý như thế nào,...

Nếu bạn đang vật lộn với việc không biết nên ăn uống điều độ như thế nào hoặc gặp khó khăn trong việc kiểm soát cân nặng, lượng đường trong máu,... thì bạn nên trao đổi với bác sĩ. Thay đổi lối sống không phải là việc dễ dàng. Tuy nhiên, bạn không nhất thiết phải làm điều đó một mình mà có thể nhờ tới các bác sĩ, chuyên gia dinh dưỡng. Họ sẽ tư vấn cho bạn cách ăn uống thích hợp, kết hợp các loại thực phẩm bạn yêu thích (như socola, đồ ngọt) vào chế độ ăn một cách lành mạnh.

Với băn khoăn tiểu đường có ăn được socola không, câu trả lời là có, miễn là bạn tiêu thụ nó ở mức vừa phải (nên ưu tiên socola đen). Đồng thời, bạn nên xem xét tới lối sống của mình (gồm chế độ ăn uống và tập luyện). Nếu đang tìm cách đưa socola vào chế độ ăn uống, bạn nên trao đổi với bác sĩ để được tư vấn.

Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe