Chế độ ăn ít Carb có thể tốt cho người bệnh tiểu đường loại 2

Chế độ ăn ít carb được biết đến từ lâu giúp giảm cân hiệu quả, phân bố mỡ hài hòa hơn cũng như giảm liều lượng thuốc điều trị cần sử dụng. Hơn thế nữa, một nghiên cứu gần đây cho thấy chế độ ăn ít carb trong thời gian ngắn có thể giúp bệnh nhân mắc tiểu đường loại 2 thuyên giảm bệnh tốt hơn.

1. Nội dung nghiên cứu về chế độ ăn ít Carb cho người bệnh tiểu đường loại 2

Nghiên cứu này được công bố vào thứ Tư trên tạp chí The BMJ, cho thấy nếu tuân thủ nghiêm ngặt chế độ ăn ít carb trong 6 tháng sẽ giúp thuyên giảm bệnh với tỷ lệ cao hơn hẳn so với những bệnh nhân tiểu đường loại 2 còn lại.

Chế độ ăn ít carb thường khó thực hiện trong thời gian dài, và lợi ích từ chế độ ăn này thường giảm dần sau 1 năm. Mặc dù những nghiên cứu nêu bật những lợi ích đáng kể của chế độ ăn ít carb trong thời gian ngắn, nhưng vẫn cần nghiên cứu thêm để hiểu rõ hơn về tác động lâu dài đối với giảm cân, lượng đường trong máu và chất lượng cuộc sống.

Chế độ ăn ít carb được cho giúp tỷ lệ thuyên giảm cao hơn. Điều này là do những người mắc bệnh tiểu đường loại 2 không dung nạp được carbohydrate. Khi họ ăn quá nhiều có thể làm tăng lượng đường trong máu và dẫn đến phải dùng liều insulin hoặc thuốc điều trị tiểu đường cao hơn.

Để hiểu rõ hơn về tác động của chế độ ăn ít carb, các nhà nghiên cứu đã phân tích dữ liệu từ 23 thử nghiệm lâm sang, có 1.357 bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường loại 2 tham gia. Những người tham gia được yêu cầu tuân thủ chế độ ăn kiêng ít carb hoặc chế độ ăn kiêng rất ít carb trong ít nhất 12 tuần. Chế độ ăn ít carb có 26% calo hàng ngày đến từ carbohydrate. Chế độ ăn rất ít carb, 10% calo hàng ngày là từ carbohydrate.

Sau 6 tháng và 12 tháng, bệnh nhân được đánh giá lại về tình trạng sức khỏe, tinh thần, lượng đường trong máu, mức hiệu quả của giảm cân, chất lượng cuộc sống và các tác dụng phụ đối với sức khỏe. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng những bệnh nhân áp dụng chế độ ăn ít carb có tỷ lệ thuyên giảm bệnh cao hơn sau 6 tháng so với những người không tuân thủ nghiêm ngặt chế độ ăn ít carb. Trong một phép so sánh với các chế độ ăn kiêng khác, chế độ ăn ít carb được cho là tăng 32% tỷ lệ thuyên giảm bệnh tiểu đường.

Những người theo chế độ ăn ít carb cũng giảm cân, nồng độ chất béo trong cơ thể thấp hơn và giảm liều lượng sử dụng thuốc.

Tiến sĩ Minisha Sood, Chuyên gia Nội tiết tại Bệnh viện Lenox Hill - New York, cho biết, bà thường khuyến cáo bệnh nhân tiểu đường loại 2 nên áp dụng chế độ ăn kiêng ít carb. Bà cho biết theo thời gian, lợi ích từ việc ăn kiêng ở những người không tuân thủ sẽ giảm dần. Tuy nhiên, ở những bệnh nhân có thể kiên trì và tiếp tục phương pháp dinh dưỡng này, lợi ích mà nó mang lại được kéo dài.

Một điều cần biết là những người mắc bệnh tiểu đường loại 2 không dung nạp carbohydrate. Khi lượng carbohydrate giảm xuống, gánh nặng mà cơ thể họ chịu đựng khi phải sản xuất quá mức insulin để đối phó với những carbohydrate đó cũng giảm xuống. Giảm lượng carb nạp vào cơ thể có thể giúp cải thiện mức đường huyết cùng với các vấn đề khác liên quan đến tình trạng không dung nạp carbohydrate hoặc kháng insulin.

2. Điều cần biết trước khi thay đổi sang chế độ ăn ít carb

Không có một chế độ ăn kiêng nào dành cho tất cả mọi người, và chế độ quá khắt khe thường khiến mọi người từ bỏ chế độ ăn kiêng. Tiến sĩ Sood thường khuyên bệnh nhân nên bắt đầu với một bữa ăn một lần. Ví dụ, hãy bắt đầu từ bữa tối trước, lập mục tiêu giảm lượng carb nạp vào khoảng 50% bằng cách thay đổi các loại carbohydrate chứa nhiều tinh bột, không lành mạnh sang các nguồn tốt cho sức khỏe như ngũ cốc hoặc đậu lành mạnh. Sau đó là bữa sáng, bữa trưa và bữa phụ. Khuyên dùng các loại rau không chứa tinh bột và trái cây có chỉ số đường huyết thấp như quả mọng, các loại hạt tốt cho sức khỏe như quinoa, khoai lang, gạo lứt và đậu lăng cũng là những nguồn cung cấp carbohydrate có lợi.

Nên tránh dùng đồ ngọt và thực phẩm đã qua chế biến. Các chất béo lành mạnh, chẳng hạn như các loại hạt, bơ, sốt trái bơ (guacamole), sốt hummus và ô liu nên được đưa vào thực đơn. Các sản phẩm sữa không đường và thực phẩm đóng gói giàu protein như trứng, pho mát, thịt gia cầm và cá cũng được khuyên dùng. Người bệnh sẽ cảm thấy năng lượng tràn trề hơn sau 2 tuần, có thể giảm cân hoặc không, nhưng tâm trạng tốt hơn, tình trạng sức khỏe chung cũng ổn hơn.

3. Nhật ký thức ăn giúp định hướng đúng đắn

  • Tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc chuyên gia

Khi bắt đầu chế độ ăn ít carb, người bệnh cần tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc chuyên gia uy tín chuyên về bệnh tiểu đường và dinh dưỡng. Việc theo dõi đường huyết và được theo dõi bởi chuyên gia để điều chỉnh thuốc đúng thời điểm vô cùng quan trọng. Theo chuyên gia, nếu chưa đủ kiến thức và được hướng dẫn rành mạch, người bệnh không nên tự ăn kiêng.

  • Không phải bất kì loại carb nào cũng tác động lên đường máu như nhau

Thay vì chọn một chế độ ăn kiêng hạn chế, hãy hướng đến một chế độ ăn ít carb, nhiều chất xơ lành mạnh và cân bằng. Do những thay đổi lớn trong chế độ ăn, người bệnh rất có nguy cơ bị thiếu hụt dinh dưỡng. Vì vậy, người bệnh cần được hỗ trợ lập kế hoạch ăn kiêng phù hợp, đa dạng, phù hợp sở thích ăn uống, lối sống, văn hóa và thói quen sử dụng thực phẩm.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: healthline.com

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe