Người bảo vệ tương lai các em nhỏ mắc ung thư xương

ThS.BS Nguyễn Trần Quang Sáng - Trưởng khoa Phẫu thuật U xương và Phần mềm Trung tâm Chấn thương chỉnh hình & Y học thể thao, Bệnh viện ĐKQT Vinmec Times City - cũng là bác sĩ điều trị và phẫu thuật chính đại phẫu khối u khổng lồ dài trên 20cm ở vị trí hiếm gặp của nam sinh 19 tuổi. Sau ca bệnh đặc biệt đầy cảm xúc này, bác sĩ đã dành thời gian trò chuyện với mong muốn cộng đồng, đặc biệt là các vị phụ huynh sẽ nhìn nhận rõ hơn về bệnh ung thư xương, căn bệnh có thể hủy hoại cả tương lai của những đứa trẻ chỉ mới chớm vào độ tuổi dậy thì.


ThS.BS CKII Nguyễn Trần Quang Sáng đã có hơn 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực chấn thương chỉnh hình, trong đó chuyên sâu về điều trị ung thư xương
ThS.BS CKII Nguyễn Trần Quang Sáng đã có hơn 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực chấn thương chỉnh hình, trong đó chuyên sâu về điều trị ung thư xương

“Áp lực và khó khăn nhất là phải cắt bỏ chi cho những bệnh nhân còn cả một chặng đường tương lai rất dài phía trước.”

- Thưa bác sĩ, làm việc trong lĩnh vực ung thư xương, những khó khăn và áp lực mà bác sĩ thường xuyên đối mặt là gì?

Với tôi, khó khăn và áp lực nhất là khi phải phẫu thuật cắt chi cho bệnh nhân. Đặc biệt bệnh nhân thường chỉ là những em nhỏ tuổi vị thành niên, vẫn đang trong vòng tay bảo bọc của cha mẹ. Việc phải cắt bỏ chi đồng nghĩa với việc các cháu sẽ không thể nào chạy nhảy, hoạt động tự do và có thể phải khép lại rất nhiều cánh cửa trong tương lai. Đây là viễn cảnh vô cùng đau đớn không chỉ đối với bệnh nhân, gia đình bệnh nhân mà còn đối với chúng tôi, những người làm việc trong lĩnh vực y tế, buộc phải thực hiện điều đó vì không còn lựa chọn khác để đảm bảo tính mạng người bệnh.

- Được biết, bác sĩ là người chịu trách nhiệm chính trong ekip điều trị và phẫu thuật cho nam sinh 19 tuổi có khối u 20cm. Bác sĩ có thể chia sẻ lại cảm giác của mình trong lần đầu gặp bệnh nhân còn quá trẻ nhưng lại mắc ca bệnh hiểm nguy đến thế?

Mặc dù đã gặp nhiều trường hợp bệnh nhân trẻ tuổi nhưng khi đối diện với bạn nam 19 tuổi cùng khối u 20cm mà bạn ấy phải chịu đựng, chắc chắn rằng không chỉ tôi mà các đồng nghiệp khác đều cảm thấy xót xa. Tôi càng bất ngờ hơn khi người bệnh đã khám nhiều nơi nhưng các trung tâm y tế khác đều không phát hiện ra khối u lớn đến thế. Bệnh nhân không hề biết về bệnh tình của mình và những khó khăn, nguy hiểm đang chờ đợi sắp tới. Ở tuổi 19, mọi thứ dường như chỉ vừa mới bắt đầu. Vì thế, toàn bộ ekip rất quyết tâm tìm phương án điều trị tối ưu nhất để can thiệp thành công, giảm thiểu di chứng và bảo tồn các chức năng sinh hoạt bình thường cho người bệnh.

- Bác sĩ có thể giải thích rõ hơn vì ca bệnh này phức tạp và hiếm gặp chưa từng có?

Mọi người có thể hình dung khối u như một thai nhi 9 tháng tuổi bám chặt vào phần tiểu khung xương chậu của bệnh nhân. Thai nhi này được bao bọc bởi hệ thống mạch máu vô cùng phức tạp cùng các bộ phận quan trọng như hệ tiêu hóa, tiết niệu, cột sống... Lúc này, chúng tôi đối mặt với hai trường hợp đều rất hung hiểm. Nếu không phẫu thuật, “bào thai” sẽ chèn lên các dây thần kinh tọa bên trái và các bộ phận quan trọng trên, gây tê bì teo cơ chân trái, khiến chân trái người bệnh mất đi hoàn toàn chức năng và chắc chắn sớm đe dọa đến tính mạng. Nếu tiến hành phẫu thuật khối u, chỉ một sơ suất nhỏ cũng có thể gây tổn thương tới các cơ quan lân cận. Đặc biệt, hệ thống mạch dễ tổn thương và tính chất khối u chảy máu nhiều, bệnh nhân có thể mất hơn 10 lít máu trong quá trình mổ, từ đó tử vong vì mất máu trước cả khi tử vong do ung thư.

- Sau tất cả, ca phẫu thuật đã thành công tốt đẹp, bệnh nhân đã sớm ổn định sức khỏe và được xuất viện chỉ một tuần sau cuộc đại phẫu. Bác sĩ có thể chia sẻ lại cảm xúc của mình sau khi đã thành công chữa trị một ca bệnh đặc biệt như vậy?

Sau khi phẫu thuật thành công và chứng kiến bệnh nhân xuất viện, tôi cảm thấy mình thật sự may mắn. May mắn là vì trong cuộc đời làm chuyên môn, tôi đã có cơ hội tiếp cận ca bệnh hiếm và phối hợp đa chuyên khoa với các chuyên gia, bác sĩ đầu ngành cả trong và ngoài nước. May mắn thứ hai là vì Vinmec hiện là đơn vị y tế đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam sở hữu công nghệ in 3D giúp chúng tôi có thể biết tường tận vị trí, hình dạng khối u và lên kế hoạch can thiệp chính xác. Chính hai điều này đã thúc đẩy và củng cố sự quyết tâm để tôi cùng các đồng sự tạo nên kỳ tích này.

Người bảo vệ tương lai các em nhỏ mắc ung thư xương

“Có một thực tế khắc nghiệt, 80% bệnh nhân ung thư xương là trẻ vị thành niên, từ 10 -14 tuổi.”

- Thưa bác sĩ, ung thư xương có phổ biến ở trẻ em, trẻ vị thành niên hay không? Điều này có đáng báo động không thưa bác sĩ?

Có một thực tế khắc nghiệt, 80% bệnh nhân ung thư xương là trẻ vị thành niên, từ 10 -14 tuổi. Ở độ tuổi này, các tế bào tạo ra xương đang trong thời kỳ phát triển. U xương sẽ xuất phát từ những lỗi ngẫu nhiên, không thể dự đoán trong DNA của các tế bào này. Vì thế, chúng ta hoàn toàn không thể ngăn ngừa ung thư xương. Tuy nhiên, nếu nhận biết và điều trị kịp thời, trẻ mắc ung thư xương vẫn có thể bảo toàn chi và hồi phục khỏe mạnh, sinh hoạt như người bình thường. Vậy nên việc phát hiện sớm ung thư xương là yếu tố quan trọng, thậm chí là sống còn để điều trị bệnh và hạn chế tối đa di chứng.

- Theo bác sĩ, phụ huynh cần lưu ý những dấu hiệu nào để có thể phát hiện sớm ung thư xương ở trẻ?

Những triệu chứng ban đầu của ung thư xương thường nhầm lẫn với các rối loạn phát triển xương trưởng thành nên bệnh nhân thường được chẩn đoán ở giai đoạn muộn, ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả điều trị. Vì vậy, nếu phát hiện trẻ có bất kỳ các dấu hiệu nào sưng đau bất thường kéo dài của xương khớp, đặc biệt là các cơn đau nửa đêm gần sáng, bố mẹ nên ngay lập tức cho trẻ đến các trung tâm chuyên sâu về ung thư xương có các bác sĩ chuyên môn cao để chẩn đoán.

- Bác sĩ muốn gửi thông điệp gì đến các bậc cha mẹ và cộng đồng về việc tầm soát ung thư xương ở trẻ em và vị thành niên?

Tại Việt Nam hay cả trên thế giới, ung thư xương là bệnh lý hiếm chỉ chiếm 1% các bệnh ung thư. Do vậy không có quá nhiều trung tâm chuyên sâu về điều trị ung thư xương tại Việt Nam, dẫn đến dễ bỏ qua triệu chứng bệnh khi thăm khám - như trường hợp của bạn nam 19 tuổi bên trên. Vì thế, các bố mẹ nên thường xuyên đưa con em mình đi kiểm tra sức khỏe định kỳ tại đơn vị y tế có chuyên môn sâu và thăm khám ngay khi có những dấu hiệu bất thường.

Khi biết con bị ung thư xương hay u xương, các bậc phụ huynh không nên chạy theo thầy lang hoặc nghe chỉ dẫn từ người khác, tránh điều trị sai dẫn đến hậu quả rất nặng nề. Đã có rất nhiều trường hợp đau lòng xảy ra khi bệnh nhân đắp thuốc nam, thuốc lào... không những không khỏi được bệnh mà còn khiến bệnh trầm trọng hơn. Rất nhiều trường hợp đến khám với chúng tôi khi khối u đã to bằng quả bưởi, có trường hợp to như quả dưa hấu do ở nhà tự điều trị đắp thuốc. Những trường hợp này cơ hội bảo tồn chi thể thấp, bệnh nhân thường đối diện với phẫu thuật cắt cụt.

Người bảo vệ tương lai các em nhỏ mắc ung thư xương

- Xin cảm ơn bác sĩ vì đã dành thời gian chia sẻ. Hy vọng thông điệp tầm soát ung thư xương sớm cho trẻ em và trẻ vị thành niên của bác sĩ sẽ lan tỏa đến tất cả các bậc phụ huynh để ung thư xương không còn là nỗi lo với những mầm non tương lai của đất nước.

ThS.BS CKII Nguyễn Trần Quang Sáng, hiện là Trưởng khoa Phẫu thuật U xương & Phần mềm Trung tâm Chấn thương chỉnh hình & Y học thể thao, Bệnh viện ĐKQT Vinmec Times City, có hơn 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Chấn thương chỉnh hình và Ung thư xương.

ThS.BS CKII Nguyễn Trần Quang Sáng cùng với đội ngũ của GS.TS.BS Trần Trung Dũng nghiên cứu ứng dụng phẫu thuật bảo tồn chi trong điều trị ung thư cơ xương khớp đầu tiên tại Việt Nam và đạt được nhiều thành quả như ứng dụng công nghệ 3D trong phẫu thuật ung thư xương, phẫu thuật bảo tồn chi trong bệnh lý ung thư sử dụng hệ thống khớp nhân tạo, khớp tăng trưởng, ghép xương đồng loại và đặc biệt tiêu diệt tế bào ung thư xương bằng dung dịch Nitơ lỏng, sau đó ghép xương trở lại cơ thể. Đây là những bước tiến lớn đặc biệt giá trị và ý nghĩa với bệnh nhân ung thư xương Việt Nam.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe