Ngủ rũ là điển hình cho một dạng rối loạn thần kinh gây ra những biểu hiện như buồn ngủ quá mức vào ban ngày và có thể ngủ bất cứ lúc nào không thể cưỡng lại được. Chứng ngủ rũ hiện nay chưa biết do nguyên nhân cụ thể nào dẫn tới và cũng chưa có biện pháp điều trị đặc hiệu và hiện chỉ có những biện pháp nhằm cải thiện tình trạng bệnh.
1. Chứng ngủ rũ là gì? Có phải do rối loạn thần kinh?
Chứng ngủ rũ (Narcolepsy) là một dạng điển hình của rối loạn thần kinh kéo dài liên quan đến việc giảm khả năng điều chỉnh chu kỳ ngủ và thức. Chứng này đặc trưng bởi việc buồn ngủ quá độ vào ban ngày và ngủ gật đột ngột không cưỡng thể lại được. Thông thường những người mắc chứng ngủ rũ thường khó có thể tỉnh táo được trong khoảng thời gian dài bất kể đang trường hợp nào như làm việc hay giải trí. Do đó nó có thể gây ra nhiều biến chứng ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống và tiềm ẩn nguy cơ tai nạn.
Đôi khi trong một số trường hợp, chứng chứng ngủ rũ còn đi kèm với mất trương lực cơ đột ngột thời gian ngắn. Nghĩa là mất hoàn toàn khả năng kiểm soát đột ngột hoạt động của các cơ, tình trạng mất trương lực cơ thường được gây ra khi bệnh nhân có một cảm xúc mãnh liệt như khi có một tin xấu hay tin tốt đột ngột.
Như vậy, chứng ngủ rũ là một dạng rối loạn thần kinh, mà hiện nay vẫn chưa biết nguyên nhân gây ra bệnh. Do chưa rõ nguyên nhân nên hiện vẫn chưa có biện pháp điều trị đặc hiệu, tuy nhiên thay đổi tích cực lối sống có thể giúp người bệnh kiểm soát được các triệu chứng. Ngoài ra, bệnh nhân cần thêm sự trợ giúp từ gia đình, bạn bè, đồng nghiệp, giáo viên để đối phó với chứng ngủ rũ.
2. Nguyên nhân gây ra chứng ngủ rũ
Nguyên nhân chính xác gây ra chứng ngủ rũ hiện nay vẫn chưa được tìm ra. Người ta nhận thấy hầu hết người mắc chứng ngủ rũ có nồng độ chất hypocretin trong dịch não tủy thấp. Trong đó chất hypocretin là một chất quan trọng được tiết ra từ vùng dưới đồi của não giúp điều chỉnh sự tỉnh táo của chúng ta và chu kỳ giấc ngủ. Hiện nguyên nhân chính xác làm giảm xuất chất hypocretin ở vùng dưới đồi vẫn chưa được xác định, nhưng các chuyên gia nghi ngờ rằng đó là do phản ứng miễn dịch.
Trong một số trường hợp, có khoảng 10% chứng bệnh này có liên quan đến yếu tố gia đình, gen di truyền đóng vai trò quan trọng.
3. Triệu chứng của chứng ngủ rũ
Các triệu chứng đầu tiên của chứng ngủ rũ thường bắt đầu xuất hiện từ khi người bệnh 10 tuổi tới năm 25 tuổi. Những triệu chứng này nặng dần lên trong vài năm đầu, sau đó kéo dài tình trạng này cả đời, nếu không được điều trị để cải thiện bệnh. Các triệu chứng đó bao gồm:
- Ngủ nhiều vào ban ngày
Những người mắc chứng ngủ rũ có thể xuất hiện cơn buồn ngủ và ngủ bất kỳ lúc nào, bất kì nơi đâu và không thể dự đoán trước được. Cơn buồn ngủ đến bất chợt dù lúc đó bệnh nhân đang làm việc hay nghỉ ngơi mà không thể cưỡng lại được
Ngủ nhiều vào ban ngày thường là triệu chứng xuất hiện đầu tiên và ảnh hưởng nhất tới bệnh nhân, làm người bệnh khó tập trung và không thể làm việc hiệu quả.
- Giảm hay mất trương lực cơ đột ngột
Dấu hiệu này không xảy ra thường xuyên, có thể thấy từ triệu chứng nói lắp đến yếu hoàn toàn các cơ và có thể kéo dài từ vài giây tới vài phút. Mất trương lực cơ không thể kiểm soát được và xuất hiện khi cảm xúc mãnh liệt, thường là những cảm xúc tích cực như cười đùa hoặc phấn khích, đôi khi là cảm xúc tiêu cực sự sợ hãi, bất ngờ hoặc giận dữ.
Tùy vào từng đối tượng mà thời gian hay mức độ của tình trạng giảm hay mất trương lực cơ như thế nào. Nhưng không phải ai cũng xuất hiện tình trạng mất trương lực cơ.
- Bóng đè
Bệnh nhân không thể di chuyển được vì ngủ thiếp đi hoặc ngay sau khi thức dậy, tình trạng này thường diễn ra rất ngắn từ vài giây đến vài phút nhưng lại rất đáng sợ, làm cho người bệnh sợ hãi. Người bệnh trong lúc bị bóng đè cảm thấy như bị đuổi hoặc rơi xuống vực sâu hoặc như có vật gì đè nặng lên ngực, cố gắng vùng vẫy để thoát ra mà không thể cử động được chân tay hay cơ thể. Tuy có thể nhận thức được tình trạng này và nhớ lại sau đó, nhưng lại không thể kiểm soát được chuyện đang xảy ra với mình.
Tình trạng bóng đè được hiểu là một kiểu liệt tạm thời thường xảy ra trong giấc ngủ mắt chuyển động nhanh (REM), đó là khoảng thời gian mà đa số giấc mơ trong chu kỳ ngủ.
Tuy nhiên không phải ai bị bóng đè cũng đều mắc chứng ngủ rũ. Nhiều người không có chứng ngủ rũ cũng đã từng trải qua vài lần bị bóng đè, nhất là khi còn nhỏ, ít gặp hơn ở người lớn khỏe mạnh.
- Các đặc điểm khác
Ngoài những triệu chứng chính thì người mắc chứng ngủ rũ có thể gặp phải những dấu hiệu khác như:
- Những người mắc chứng ngủ rũ có thể mắc các rối loạn giấc ngủ khác như chứng ngưng thở khi ngủ, người bệnh ngưng thở khi ngủ suốt đêm và đây là dấu hiệu rất nguy hiểm.
- Hội chứng chân không yên, thậm chí người bệnh có thể mất ngủ về đêm. Những người mắc chứng ngủ rũ còn có thể đập tay, đá chân hoặc la hét khi họ mơ.
- Vài người có thể vẫn tiếp tục hoạt động lúc ngủ diễn ra trong thời gian ngắn. Nhưng khi thức dậy lại không thể nhớ được những gì mình vừa làm.
Các triệu chứng của bệnh ngủ rũ sẽ ngày càng nặng hơn và sẽ không tự mất đi. Chính vì vậy, người bệnh nên đi điều trị bệnh sớm để có thể khắc phục và giảm bớt các triệu chứng này.
4. Những tác hại của chứng ngủ rũ
Chứng ngủ rũ không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe của người bệnh nhưng ảnh hưởng nhiều đến chất lượng sống và tiềm ẩn nhiều nguy cơ nguy hiểm khi tham gia giao thông hoặc làm việc nguy hiểm cần tập chung.
Tình trạng này làm giảm năng suất làm việc và học tập. Những người khác có thể nghĩ rằng họ là người lười biếng. Ảnh hưởng tới các mối quan hệ xã hội và khả năng tình dục. Ngủ rất nhiều có thể làm giảm ham muốn tình dục hoặc có thể ngủ quên khi đang quan hệ tình dục.
Cơn buồn ngủ có thể gây nguy hiểm cho những người mắc chứng ngủ rũ. Nguy cơ gặp tai nạn giao thông ở những người này tăng lên khi họ bất ngờ ngủ gục khi lái xe. Họ cũng có thể bị đứt tay và bỏng nếu ngủ gật khi đang nấu ăn hoặc bị ngã nếu làm việc trên cao.
Những người mắc chứng ngủ rũ có xu hướng bị thừa cân béo phì. Cân nặng tăng lên có thể có liên quan tới việc dùng thuốc điều trị, ít vận động, ăn nhiều, giảm hypocretin hoặc kết hợp các yếu tố trên lại.
5. Một số biện pháp khắc phục chứng ngủ rũ
Hiện nay vẫn chưa có biện pháp điều trị chứng ngủ rũ đặc hiệu. Tuy nhiên có thể cải thiện triệu chứng bằng các biện pháp như:
- Lập thời gian biểu và thực hiện đúng: Đi ngủ và thức dậy đúng giờ, cùng khoảng thời gian mỗi ngày.
- Nghỉ ngơi đầy đủ: Nên ngủ một giấc ngắn khoảng 20 – 30 phút trong ngày.
- Không sử dụng thuốc là hay những sản phẩm chứa nicotin và rượu bia.
- Tập thể dục thường xuyên ít nhất 5 lần/tuần, có thể tập Yoga, thái cực quyền, dưỡng sinh rất hữu ích.
- Ngoài các biện pháp thay đổi lối sống thì có thể dùng một số loại thuốc như thuốc kích thích thần kinh, thuốc chống trầm cảm...
Chứng ngủ rũ là một điển hình của rối loạn thần kinh mạn tính, mà nguyên nhân gây bệnh chưa được biết rõ. Việc điều trị giúp hạn chế sự phát triển của bệnh và cải thiện chất lượng cuộc sống. Tránh những tác hại ảnh hưởng nghiêm trọng tới cuộc sống và nguy cơ tai nạn.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.