Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Huỳnh Bảo Toàn - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang.
Ngón tay cò súng là bệnh do viêm dây chằng vòng cố định gân gấp ngón tay. Tình trạng viêm tiến triển gây đau khi gấp duỗi các ngón này, đồng thời việc cử động bị gián đoạn bởi “hiện tượng bật” tại một vị trí nhất định của ngón, thường ở khớp giữa ngón tay (khớp liên đốt gần).
1. Ngón tay cò súng là gì? Nguyên nhân gây bệnh
Ngón tay cò súng hay còn gọi là ngón tay bật, là bệnh khiến cho ngón tay bị cứng cố định ở một tư thế. Bệnh chủ yếu tác động đến lớp mô xung quanh gân ngón tay gọi là bao gân. Gân là các mô sợi dày gắn cơ với xương. Viêm bao gân dẫn đến gân không chuyển động một cách trơn tru, làm cho ngón tay bị khóa tại chỗ.
Mọi độ tuổi đều có thể bị bệnh ngón tay cò súng nhưng bệnh thường thấy ở những người trên 45 tuổi và ở nữ nhiều hơn nam. Bệnh được cho là nguy cơ nghề nghiệp của nha sĩ, thợ may và thợ mổ gia súc. Trên bệnh nhân mắc một số bệnh lý sau, cũng tăng tỷ lệ bị ngón tay cò súng như:
- Đái tháo đường
- Hội chứng ống cổ tay
- Viêm gân De Quervain
- Suy giáp
- Viêm khớp dạng thấp
- Gút
- Bệnh thận mạn.
Bệnh ngón tay cò súng xảy ra khi vỏ bao gân của ngón tay bị kích thích và viêm. Trong đó, gân có nhiệm vụ là các dải xơ nối kết cơ với xương. Mỗi gân cơ được bao quanh bởi một lớp vỏ bảo bảo vệ. Điều này ảnh hưởng đến chuyển động trượt bình thường của gân cơ ở trong vỏ bao. Ngoài ra, vỏ bao gân bị kích thích kéo dài sẽ tạo nên sẹo, dày và xơ hóa càng làm cho chuyển động của gân thêm khó khăn.
2. Bệnh ngón tay cò súng ở trẻ em
Khi chơi cùng với trẻ, hay quan sát bàn tay của trẻ nhỏ, các bậc phụ huynh phát hiện ngón tay của bé cử động không trơn tru, hay bị “khựng” lại hoặc nặng hơn là ngón tay của bé hoàn toàn không duỗi ra được, ngón tay luôn co lại ở tư thế như hình ảnh “cò súng”. Có thể bé đã bị tật ngón tay cò súng hay ngón tay bật, kẹt gân.
Tình trạng ngón tay cò súng trẻ em xảy ra khi hoạt động của gân gấp với bao gân và ròng rọc bị cản trở. Thông thường ở trẻ em đó là sự xuất hiện vô căn những nốt dày lên trên sợi gân ngang vị trí khớp bàn ngón, khác với tình trạng viêm mãn tính gân – bao gân ở người lớn.
Bệnh lý này ở trẻ em thường được phát hiện ở trẻ từ 3 tháng – 3 năm tuổi, thường xuất hiện ở ngón cái (khoảng 80%) và có thể ở cả 2 tay (khoảng 25%). Phụ huynh là người trực tiếp phát hiện và được chẩn đoán xác định sau khi thăm khám lại từ bác sĩ.
Bệnh lý có 4 giai đoạn, ở giai đoạn 3 và 4, cử động ngón tay đã khó khăn, khi bé cầm nắm đồ vật, ngón tay không trở về tư thế duỗi thẳng, phụ huynh phải mở ra, đôi khi gây đau cho bé.
3. Triệu chứng của bệnh ngón tay cò súng
Triệu chứng thường gặp đầu tiên là hiện tượng ngón tay bật nhẹ không đau hoặc đơn giản chỉ là cảm giác khó chịu mỗi khi cử động ngón tay. Khi bệnh tiến triển sẽ có hiện tượng bật, âm thanh bật, ấn đau tại khớp bàn ngón hoặc liên đốt gần ở phía lòng bàn tay.
Bệnh ngón tay cò súng thường có các dấu hiệu sau:
- Ngón tay thường bị cố định, kẹt hoặc khóa trong tư thế gập khi vận động ngón tay.
- Cần phải có ai đó kéo thẳng hoặc bẻ về vị trí cũ.
- Đau xảy ra trên vùng gân và thường đau nhiều hơn khi vận động.
- Ngoài ra cũng có thể xuất hiện sưng.
- Người lớn bệnh ngón tay cò súng thường bị ở ngón giữa còn trẻ em thường bị ở ngón cái.
Bệnh được phân loại thành 4 cấp độ:
- Cấp độ 1: đau mặt lòng và khó chịu ở ròng rọc, gân gấp ngón tay.
- Cấp độ 2: bị vướng ngón tay.
- Cấp độ 3: bị khóa ngón tay, chỉ có thể cử động thụ động.
- Cấp độ 4: bị khóa cố định ngón tay, không thể cử động.
Khi gặp phải những dấu hiệu của ngón tay cò súng tốt nhất là bạn hãy tới gặp bác sĩ chuyên phẫu thuật tay, người có kinh nghiệm trong việc giải quyết các vấn đề của ngón tay, cổ tay và bàn tay. Các bác sĩ phẫu thuật tay được trang bị đầy đủ các kiến thức và kỹ năng để xử lý mọi cấp độ của bệnh ngón tay cò súng.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.