Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa II Bùi Minh Phúc - Khoa sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.
Nghiệm pháp lọt ngôi chỏm là phương pháp đánh giá cuộc sinh khi khung chậu giới hạn, trọng lượng thai nhi bình thường hoặc khi khung chậu bình thường nhưng thai nhi lại khá to. Với mục đích thai nhi có thể sinh được qua đường âm đạo hay phải phẫu thuật lấy thai.
1. Ngôi chỏm là gì?
Ngôi chỏm là ngôi mà thai nhi nằm xuôi, trục của thai nhi song song với trục tử cung. Có đặc điểm đầu thai nhi ở dưới, đầu cúi tốt. Ngôi chỏm chiếm đa số khoảng 95% trong tổng số các cuộc sinh đẻ. Mốc của ngôi là xương chẩm. Ngôi chỏm thường lọt theo 2 đường kính chéo trái và chéo phải. Trong đó khoảng 90% là lọt theo đường kính chéo trái.
Ngôi chỏm có 6 kiểu thế lọt bao gồm:
- Chẩm chậu trái trước;
- Chẩm chậu trái ngang;
- Chẩm chậu trái sau;
- Chẩm chậu phải trước;
- Chẩm chậu phải ngang;
- Chẩm chậu phải sau.
Có 2 kiểu thế sổ thai đó là chẩm cùng và chẩm vệ. Sự bình chỉnh của ngôi chỏm: ngôi chỏm bình chỉnh tốt phụ thuộc và các điều kiện về sản phụ, thai nhi và phần phụ của thai.
2. Nghiệm pháp lọt ngôi chỏm
2.1 Nghiệm pháp lọt ngôi chỏm
Nghiệm pháp lọt ngôi chỏm là phương pháp đánh giá cuộc sinh khi khung chậu của mẹ có giới hạn, trọng lượng của thai nhi bình thường hoặc khi khung chậu bình thường nhưng thai nhi lại khá to. Mục đích nhằm đưa ra quyết định là thai nhi có thể sinh ra qua đường âm đạo hay phải mổ lấy thai.
Nghiệm pháp lọt ngôi chỏm cần được thực hiện ở nơi có khả năng giải phẫu lấy thai, phương tiện hồi sức sơ sinh tốt. Nhằm đảm bảo an toàn cho mẹ và em bé nếu nghiệm pháp lọt ngôi chỏm thất bại, tránh những biến chứng xảy ra như sa dây rau, suy thai, dọa vỡ tử cung,...
Điều kiện để thực hiện nghiệm pháp lọt ngôi chỏm bao gồm:
- Thai nhi phải nằm trong tư thế ngôi chỏm: đây là điều kiện tiên quyết;
- Có sự chuyển dạ thực sự: ở người con rạ cổ tử cung mở trên 4cm, ở người con so cổ tử cung mở trên 5cm;
- Cơn co tử cung tốt, cứ 10 phút thì có 4-5 cơn co. Nếu cơn co tử cung không tốt phải tăng co bằng oxytocin, nhỏ tĩnh mạch;
- Phải theo dõi cẩn thận để phát hiện kịp thời những biến chứng xảy ra trong khi làm biện pháp lọt như: sa dây rốn, thai suy, cơn co tử cung dồn dập hoặc dọa vỡ tử cung.
2.2 Chỉ định và chống chỉ định
Chỉ định thực hiện nghiệm pháp lọt ngôi chỏm trong những trường hợp:
- Khung chậu giới hạn, thai bình thường;
- Khung chậu bình thường, thai to;
- Khung chậu hẹp, thai nhỏ.
Chống chỉ định:
- Thai suy;
- Ngôi thai không phải ngôi chỏm;
- Có sẹo mổ tử cung cũ.
2.3 Các bước tiến hành
2.3.1 Kiểm tra
Kiểm tra lại xem chỉ định đã đúng chưa: tình trạng người mẹ (khung chậu, độ mở cổ tử cung), tình trạng thai nhi, ước lượng trọng lượng và tim thai. Hồ sơ bệnh án đầy đủ các xét nghiệm và thăm dò cần thiết.
2.3.2 Bấm ối
Bấm ối là động tác đầu tiên với mục đích cho ngôi hướng vào eo trên, cho nước ối ra từ từ, và xé rộng. Ngay sau khi chọc ối phải đánh giá số lượng màu sắc nước ối và sự tiến triển của ngôi. Nếu bấm ối có nước ối xanh chứng tỏ thai đã suy, ngừng nghiệm pháp lọt chỉ định mổ lấy thai. Đồng thời, kiểm tra tình trạng thai nhi qua tim thai, kiểm tra lại ngôi, kiểu, thế xem có thuận lợi để tiếp tục làm nghiệm pháp hay không.
2.3.3 Theo dõi
Theo dõi cơn co tử cung và tim thai bằng monitoring hoặc trên lâm sàng đo cơn co tử cung, và nghe tim thai. Sau khoảng 20 phút bấm ối:
- Nếu cơn co tử cung tăng dần đều phù hợp với các giai đoạn chuyển dạ, nhịp tim thai trong giới hạn bình thường thì theo dõi cho đẻ qua đường âm đạo.
- Nếu cơn co tử cung bị rối loạn thì cần điều chỉnh, nếu không kết quả ngừng nghiệm pháp chỉ định mổ lấy thai.
- Nếu cơn co tử cung yếu, truyền oxytocin với liều lượng hợp lý, tăng dần phụ thuộc vào sự đáp ứng của tử cung.
Theo dõi tình trạng tim thai nếu tim thai bình thường tiếp tục theo dõi nghiệm pháp, nếu tim thai suy cần hồi sức, nếu hồi sức không kết quả thì chỉ định mổ lấy thai.
Theo dõi độ mở của cổ tử cung và độ lọt của ngôi thai:
Độ mở cổ tử cung tiến triển tốt, độ lọt của ngôi diễn ra thuận lợi và tim thai ổn định, tiếp tục theo dõi.
2.3.4 Thời gian làm nghiệm pháp
Thời gian làm nghiệm pháp lọt ngôi chỏm trung bình là 3 - 4 tiếng, và tối đa 6 - 8 tiếng để tránh nguy cơ nhiễm trùng ối và có thể suy thai. Tuy nhiên trên lâm sàng cũng có thể linh động về mặt thời gian. Tùy thuộc vào từng trường hợp để có biện pháp xử trí khác nhau.
- Nếu thời gian làm nghiệm pháp đã được 6 giờ nhưng chỉ 30 phút hoặc 1 giờ nữa có thể kết thúc được cuộc đẻ bằng đường dưới mà nguy cơ xảy ra cho mẹ và thai nhi là không có thì có thể tiếp tục làm nghiệm pháp.
- Nếu 2-3 giờ đồng hồ thực hiện nghiệm pháp hoặc thậm chí là vừa bấm ối mà có xuất hiện những dấu hiệu như suy thai thì phải dừng ngay làm nghiệm pháp.
Tóm lại, nghiệm pháp lọt ngôi chỏm là phương pháp đánh giá cuộc sinh khi khung chậu giới hạn, trọng lượng thai nhi bình thường hoặc khi khung chậu bình thường nhưng thai nhi lại to. Với mục đích thai nhi có thể sinh được qua đường âm đạo hay phải phẫu thuật lấy thai. Sau sinh, sản phụ sẽ được chăm sóc và theo dõi đặc biệt để phòng ngừa biến chứng và có biện pháp xử trí kịp thời.
Nghiệm pháp này đòi hỏi bác sĩ cần có những phán đoán chính xác về tình trạng sản phụ và có những phản ứng nhanh, xử lý kịp thời trước diễn biến của cuộc sinh để tránh những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.
Video đề xuất:
Hướng dẫn tắm cho trẻ sơ sinh an toàn, đúng cách
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.