Nghệ vốn là một loại gia vị quen thuộc trong các công thức nấu ăn của mọi gia đình. Việc tiêu thụ nghệ trong chế độ ăn uống hàng ngày có thể mang đến nhiều lợi ích sức khỏe, bao gồm cải thiện hệ tiêu hoá, giúp giảm đau do viêm khớp và tăng cường hệ miễn dịch. Ngoài ra, nhiều người cũng sử dụng nghệ để ngăn ngừa và điều trị cho các vấn đề về gan.
1. Giá trị dinh dưỡng của củ nghệ
Nghệ là một loại thảo mộc thông dụng, có nguồn gốc từ rễ của cây Curcuma longa, một loại cây lâu năm thuộc họ gừng, được tìm thấy chủ yếu ở Ấn Độ, Nam Á và Trung Mỹ. Củ nghệ có màu vàng đậm và hương vị đặc trưng riêng, thường được sử dụng để làm thuốc nhuộm cũng như gia vị trong chế biến món cà ri.
Chiết xuất từ thân rễ của nghệ có chứa dầu dễ bay hơi và curcuminoid (bao gồm curcumin, demethoxycurcumin và những chất khác). Đây đều là những thành phần có tác dụng chống viêm và chống oxy hoá vô cùng hiệu quả, giúp điều trị cho một số vấn đề về tiêu hoá như tiêu chảy, rối loạn tiêu hoá, chứng khó tiêu, nhiễm trùng đường hô hấp trên và các bệnh về gan.
Ngoài ra, nghệ và curcumin cũng đang được đánh giá tích cực là các chất chống viêm và chống ung thư hiệu quả, giúp điều trị được bệnh tiểu đường và tăng lipid máu, cũng như điều trị các bệnh gan (bao gồm cả gan nhiễm mỡ không do rượu (NASH)).
2. Ăn nghệ có tốt cho gan không?
Việc tiêu thụ nghệ trong cuộc sống hàng ngày đang nhận được nhiều sự chú ý vì khả năng chống oxy hoá của nó. Tác dụng chống oxy hóa của nghệ dường như mạnh mẽ đến mức nó có thể ngăn ngừa gan của bạn khỏi những tổn thương do độc tố gây ra. Điều này đặc biệt có lợi đối với những người đang sử dụng một số loại thuốc mạnh cho bệnh tiểu đường hoặc các tình trạng sức khoẻ khác có thể làm tổn thương gan nếu sử dụng lâu dài.
Cả nghệ và curcumin được coi là an toàn khi sử dụng và không gây bất kỳ tổn thương gan nào vì chúng được hấp thụ kém qua đường uống. Nó được đánh giá là một liệu pháp điều trị cho tổn thương gan cấp tính và mãn tính. Tuy nhiên, chúng ta sẽ cần nhiều nghiên cứu hơn nữa để chứng minh về tính hiệu quả và độ an toàn khi sử dụng nghệ.
3. Một số công dụng tích cực khác từ củ nghệ
Bên cạnh khả năng cải thiện chức năng gan, việc sử dụng nghệ còn mang đến nhiều lợi ích sức khỏe tuyệt vời khác, bao gồm:
- Chống viêm: Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng, nghệ có khả năng giảm viêm hiệu quả. Khả năng chống viêm này có thể làm giảm mức độ đau trầm trọng ở khớp do viêm khớp gây ra. Các chuyên gia chăm sóc sức khỏe khuyến cáo những người mắc bệnh viêm khớp nên bổ sung nghệ dưới dạng viên nang 400 – 600 miligam (mg) tối đa 3 lần/ngày để giảm thiểu tình trạng viêm.
- Giảm đau: Nghệ cũng được sử dụng như một loại thuốc giảm đau hiệu quả. Loại gia vị này có thể làm thuyên giảm các cơn đau do viêm khớp gối, và mức độ hoạt động của nó cũng tương tự như thuốc ibuprofen (Advil). Các bác sĩ khuyến cáo những bệnh nhân viêm khớp nên uống khoảng 800 mg nghệ ở dạng viên nang vào mỗi ngày để xoa dịu các cơn đau do bệnh gây ra.
- Giúp giảm đáng kể nguy cơ mắc ung thư: Chất curcumin có trong nghệ được coi là một phương pháp điều trị đầy hứa hẹn cho các bệnh ung thư, bao gồm ung thư tuyến tiền liệt, ung thư tuyến tụy và đa u tuỷ.
- Hỗ trợ hệ tiêu hoá: Nghệ cũng đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc tiêu hoá thức ăn. Do đặc tính chống oxy hoá và chống viêm mạnh mẽ, nghệ có thể góp phần giúp hệ tiêu hoá khoẻ mạnh hơn. Trong nền Y học cổ truyền Ấn Độ, nghệ được sử dụng như một bài thuốc chữa bệnh tiêu hoá. Hiện nay, y học phương Tây cũng đã bắt đầu nghiên cứu về cách nghệ giúp chống viêm ruột và tính thấm ruột. Thậm chí, củ nghệ còn được coi là một phương pháp điều trị cho hội chứng ruột kích thích.
4. Một số tác dụng phụ tiêu cực của nghệ
Bên cạnh những lợi ích sức khỏe tích cực, việc tiêu thụ nghệ đôi khi cũng mang đến một số tác dụng phụ không mong muốn, bao gồm:
- Gây đau dạ dày: Mặc dù một số thành phần trong nghệ giúp hỗ trợ sức khoẻ tiêu hoá nhưng chúng có thể gây kích ứng nếu sử dụng với một số lượng lớn. Nghệ kích thích dạ dày tiết ra nhiều axit dịch vị hơn. Mặc dù điều này giúp ích cho quá trình tiêu hoá của một số người, tuy nhiên nó thực sự có thể gây ra các triệu chứng khó chịu liên quan đến tiêu hoá đối với những người khác.
- Gây loãng máu: Đặc tính thanh lọc của nghệ cũng có thể khiến bạn dễ chảy máu hơn. Do đó, những người đang sử dụng thuốc chống đông máu như warfarin (Coumadin) nên tránh tiêu thụ quá nhiều nghệ.
- Kích thích các cơn co thắt: Nhiều người nhận thấy rằng việc tiêu thụ những món ăn chứa nghệ, chẳng hạn như cà ri, có thể kích thích chuyển dạ ở phụ nữ mang thai. Mặc dù có rất ít dữ liệu lâm sàng để chứng minh cho điều này, nhưng các nghiên cứu đã chỉ ra rằng nghệ có thể làm thuyên giảm các triệu chứng khó chịu của hội chứng tiền kinh nguyệt (PMS). Tốt nhất, phụ nữ mang thai nên tham khảo sự tư vấn từ bác sĩ trước khi sử dụng bất kỳ chất bổ sung hoặc thực phẩm nào chứa nghệ.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: ncbi.nlm.nih.gov, medicalnewstoday.com