Bài viết bởi Bác sĩ CKII Phạm Thị Tuyết Mai - Bác sĩ chuyên khoa II Phạm Thị Tuyết Mai - Khoa sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng
Đái tháo đường thai kỳ là một trong những tình trạng bệnh lý có thể gặp ở thai phụ trong thời gian mang thai. Theo đó, đái tháo đường thai kỳ có thể dẫn tới những mối nguy hại về sức khỏe cho cả mẹ và con. Do đó, tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe các bác sĩ sản khoa sẽ cân nhắc sản phụ nên sinh thường hoặc sinh mổ.
Đái tháo đường thai kỳ có thể gây nhiều biến cố cho cả mẹ lẫn thai đã được chứng minh từ lâu. Tuy nhiên, đái tháo đường thai kỳ ở mức độ nhẹ ảnh hưởng thế nào lên thai nhi và mẹ vẫn chưa được hiểu rõ. Định nghĩa về đái tháo đường thai kỳ trước đây không cho phép phân biệt mức độ nặng nhẹ. Theo đó, đái tháo đường thai kỳ có thể bao gồm từ rối loạn dung nạp glucose đến tăng đường huyết nặng và cách theo dõi sau sanh liệu có gì khác biệt hay không?
1. Đái tháo đường thai kỳ là gì?
Đái tháo đường thai kỳ còn được gọi là tình trạng rối loạn dung nạp đường xảy ra trong thai kỳ. Khoảng 5% thai phụ gặp phải rối loạn này và thường gặp vào 3 tháng giữa của thai kỳ.
- Để chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ vào tuần 24-28, thực hiện nghiệm pháp dung nạp glucose, bằng cách cho bệnh nhân nhịn đói nguyên đêm, sáng hôm sau thử một mẫu đường huyết đói và một mẫu đường huyết 2 giờ sau khi uống 75g Glucose.
- Đái tháo đường rõ nếu FPG ≥ 126mg/dL.
- Đái tháo đường thai kỳ nếu: ít nhất một mẫu đường huyết đói từ 92-125mg/dL, đường huyết 1 giờ sau uống 75g glucose ≥ 180mg/dL và hoặc đường huyết 2 giờ sau uống 75g glucose ≥ 153mg/dL
- Mọi thai phụ đã được chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ hoặc đái tháo đường thực sự trong suốt thai kỳ nên được theo dõi đường huyết tiếp tục sau sanh.
- Các bác sĩ sản khoa nên tầm soát sớm bệnh đái tháo đường thực sự (gồm đường huyết đói và HbA1c) cho các thai phụ có nguy cơ cao vào ngay lần khám thai đầu tiên. Đồng thời, toàn bộ các thai phụ đều nên kiểm tra đường huyết và tiến hành làm nghiệm pháp dung nạp glucose vào tuần thứ 24-28 của thai kỳ.
- Những phụ nữ đã được chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ hoặc đái tháo đường thực sự trong thai kỳ nên tiếp tục theo dõi đường huyết sau sinh.
Trắc nghiệm: Chỉ số tiểu đường thai kỳ nguy hiểm như thế nào đối với thai nhi?
Không chỉ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người mẹ, tiểu đường thai kỳ còn gây nguy hại đến sự phát triển của thai nhi. Cùng làm bài trắc nghiệm sau đây để hiểu rõ hơn về sự ảnh hưởng của tiểu đường thai kỳ đối với thai nhi như thế nào nhé!Nội dung trắc nghiệm được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ chuyên khoa I, Lê Hồng Liên , chuyên khoa Sản phụ khoa , Khoa Sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park
2. Tiểu đường thai kỳ có nguy hiểm không?
Đái tháo đường thai kỳ để lại hậu quả nặng nề cho cả mẹ và trẻ sơ sinh, làm tăng tỷ lệ bệnh tật và tử vong.
Theo đó, thai nhi của các sản phụ bị đái tháo đường thai kỳ có nguy cơ :
- Mắc các dị tật bẩm sinh: tim, hệ thần kinh, các mạch máu lớn, xương, tiết niệu.
- Tăng tỉ lệ tử vong chu sinh đặc biệt sau đẻ do hạ Glucose máu, canxi máu, do đẻ non.
- Thai to trên 4.000 gam hoặc thai kém phát triển.
- Đa ối hoặc thiếu ối.
- Sảy thai hoặc thai chết lưu.
- Sang chấn thai do thai to, đẻ khó
Các sản phụ bị đái tháo đường thai kỳ có nguy cơ :
- Tăng nguy cơ biến chứng cho mẹ như rối loạn chuyển hóa, nhiễm khuẩn, tổn thương mạch vành.
- Tiền sản giật, sản giật, rau bong non.
- Đẻ khó , sang chấn trong đẻ
- Băng huyết sau sinh do đờ tử cung.
- Tăng tỷ lệ nhiễm khuẩn
- Nguy cơ trở thành Tiểu đường type 2 sau này.
- Béo phì và tăng cân quá mức.
Điều trị đái tháo đường lúc có thai nhằm mục tiêu kiểm soát đường huyết tích cực và an toàn trong một khoảng hẹp, để đảm bảo an toàn cho cả sản phụ và thai nhi (Đường huyết lúc đói < 5,8mmol/l, đường huyết 1 giờ sau ăn 7,8mmol/l và 2 giờ sau ăn < 7,2mmol/l. Cũng không nên để mức đường huyết lúc đói thấp 3,4 mmol). Điều trị bao gồm chế độ dinh dưỡng điều trị và thuốc.
3. Tiểu đường thai kỳ có sinh thường được không ?
3.1 Thời điểm đẻ với sản phụ bị đái tháo đường thai kỳ
Dựa trên kết quả thăm khám, các bác sỹ sản khoa sẽ quyết định khi nào cho sản phụ bị đái tháo đường đẻ là tốt nhất.Trừ khi người mẹ hoặc thai nhi có biến chứng, thì thời điểm sinh tốt nhất là vào tuần thứ 38-41 để phòng ngừa một số biến chứng do đẻ sớm, nhất là suy hô hấp do phổi chưa trưởng thành. Tuy nhiên có thể cho đẻ trước tuần thứ 38 nếu phát hiện thấy thai to. Nếu quyết định cho sinh sớm trước tuần 37 thì phải xem xét đến sự phát triển phổi của thai nhi bằng xét nghiệm nước ối.
3.2 Nên đẻ thường hay đẻ mổ với sản phụ bị đái tháo đường
Nếu dự đoán được là phổi của thai đã trưởng thành thì việc chọn lựa cho sản phụ đẻ bằng con đường nào cũng được giống như các sản phụ không mắc đái tháo đường thai kỳ. Tuy nhiên nếu thăm khám lâm sàng và làm siêu âm thấy thai to thì cân nhắc mổ đẻ để tránh nguy cơ trẻ bị trật khớp vai hoặc chấn thương khi đẻ đường dưới.
Các sản phụ bị đái tháo đường thai kỳ nếu không có chỉ định sản khoa vẫn theo dõi sinh thường vì các nguy cơ cho người mẹ sẽ thấp hơn khi đẻ được đường dưới. Trong khi đang chuyển dạ vẫn cần tiếp tục theo dõi tim thai và điều chỉnh đường huyết. Đường huyết người mẹ trong cuộc đẻ nên được kiểm soát < 6,1 mmol/l, nếu để trên 8,3 mmol/l thì khả năng thai nhi bị thiếu oxy sẽ cao.
4. Các lưu ý khi sinh con với bà mẹ bị tiểu đường thai kỳ
Các nguy cơ có thể xảy ra ở trẻ sơ sinh trong tuần đầu sau đẻ với các sản phụ bị đái tháo đường thai kỳ. Cụ thể như sau:
Con của những sản phụ không được kiểm soát đường huyết tốt có nguy cơ cao bị suy hô hấp cấp do phổi chưa phát triển hoàn chỉnh, bệnh thường nặng và tỉ lệ tử vong khá cao. Trẻ bị suy hô hấp cấp thường thở rất nhanh trên 60 lần/ phút, khò khè, co kéo lồng ngực và cả bụng, tím tái... việc điều trị khá phức tạp nhưng ngày nay đã có 1 số phương pháp đạt kết quả tốt.
Hạ đường huyết
Trẻ sơ sinh có thể bị hạ đường huyết trong vòng 48 giờ đầu sau đẻ, đường huyết có khi thấp dưới 1,7 mmol/l. Nguyên nhân là do tình trạng tăng insulin máu vẫn còn tồn tại sau đẻ. Thường đứa trẻ bị hôn mê hơn là kích thích, và hạ đường huyết có thể phối hợp với ngừng thở, hoặc thở nhanh, tím, hoặc co giật. Phòng ngừa bằng cách cho uống nước đường hoặc cho qua sonde dạ dày sau đẻ khoảng 1 giờ, nếu biện pháp này không thành công thì cho truyền tĩnh mạch đường glucose.
Một số rối loạn khác là hạ canxi máu, tăng bilirubin máu (gây vàng da), đa hồng cầu và ăn kém.
Tất cả các bệnh nhân mắc bệnh đái tháo đường thai kỳ cần được điều trị tích cực nhằm kiểm soát tốt đường huyết trong suốt thời gian mang thai. Bên cạnh đó, thai nhi cần được theo dõi thường xuyên để có thể phát hiện được sớm các dị tật, các nguy cơ ảnh hưởng đến sự phát triển của thai, từ đó các thầy thuốc có kế hoạch can thiệp kịp thời và hiệu quả nhất.
Xem thêm : Hướng dẫn chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ