Nên làm gì khi bị đau trĩ để giảm cơn đau?

Bệnh trĩ biểu hiện rất nhiều triệu chứng, trong đó bệnh nhân bị đau do bệnh trĩ mãn tính rất thường gặp. Vậy người bệnh cần làm gì khi bị đau trĩ?

1. Triệu chứng của bệnh trĩ là gì?

Các triệu chứng của trĩ phụ thuộc vào từng giai đoạn bệnh. Bệnh nhân có búi trĩ nằm trong trực tràng đa phần sẽ không có bất kỳ triệu chứng nào đáng chú ý, đôi khi động tác rặn khi đi cầu sẽ kích thích búi trĩ bên trong và gây chảy máu. Đến giai đoạn búi trĩ sa ra ngoài lỗ hậu môn thì bệnh nhân sẽ gặp nhiều triệu chứng khó chịu hơn, trong đó có đau do trĩ là phổ biến nhất.

Một số dấu hiệu khi búi trĩ sa ra ngoài hậu môn:

  • Cảm giác ngứa ngáy quanh hậu môn, thậm chí một số trường hợp có biểu hiện kích ứng;
  • Bệnh nhân bị đau do bệnh trĩ mãn tính với mức độ thay đổi, từ đau nhẹ cho đến đau dữ dội, đặc biệt là khi đi vệ sinh;
  • Cảm giác nóng rát;
  • Phát hiện cục u hoặc khối sưng phồng, có màu xanh hoặc không;
  • Hiện diện máu trên giấy vệ sinh hoặc trong bồn cầu khi đại tiện;
  • Nghiêm trọng hơn là tình trạng máu chảy thành giọt hoặc bắn thành tia.

2. Đau do trĩ kéo dài bao lâu?

Tùy vào mức độ nghiêm trọng của bệnh, các biện pháp can thiệp và cách bệnh nhân thay đổi lối sống mà các dấu hiệu của bệnh trĩ có thể kéo dài rất lâu hoặc nhanh chóng biến mất. Với trĩ ở mức độ nhẹ, bệnh nhân chỉ cần thay đổi chế độ ăn bằng cách tăng cường bổ sung chất xơ, uống nhiều nước, kết hợp luyện tập thể dục và thay đổi một số thói quen đơn giản thì các triệu chứng của trĩ, bao gồm dấu hiệu đau do trĩ, sẽ hết sau vài ngày mà không cần những can thiệp y tế đặc biệt.

Trường hợp búi trĩ nội phát triển to hơn hoặc sa ra ngoài lỗ hậu môn, bệnh nhân cần nhập viện điều trị nên các triệu chứng bệnh cần nhiều thời gian hơn để hồi phục hoàn toàn.

Đối với trĩ ngoại, các búi trĩ thường có kích thước lớn nên đòi hỏi thời gian điều trị lâu hơn. Đặc biệt khi búi trĩ ngoại xuất hiện huyết khối thì triệu chứng đau do trĩ sẽ rất nghiêm trọng, cực kỳ khó chịu và khó can thiệp. Những bệnh nhân này cần nhanh chóng đến gặp bác sĩ để có biện pháp điều trị sớm nhằm tránh xảy ra biến chứng.

Một điểm đáng lưu ý là bệnh nhân bị đau do bệnh trĩ mãn tính hay bất kỳ triệu chứng nào khác dù biến mất thì vẫn có khả năng tái phát. Theo bác sĩ, các trường hợp trĩ tái phát xảy ra chủ yếu khi điều trị tại nhà và ít gặp hơn ở những người thực hiện phẫu thuật loại bỏ búi trĩ.

3. Làm gì khi bị đau trĩ?

Các triệu chứng của bệnh trĩ rất khó chịu và ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh, đặc biệt là những bệnh nhân bị đau do trĩ. Vì vậy rất nhiều bệnh nhân thắc mắc và mong muốn tìm câu trả lời cho cần làm gì khi bị đau trĩ.

3.1. Ngồi trên đệm mềm

Những bệnh nhân mắc bệnh trĩ nếu làm công việc phải ngồi nhiều nên hạn chế ngồi trực tiếp lên mặt ghế gỗ, đá hoặc bề mặt cứng khác. Thay vào đó hãy chuẩn bị một tấm đệm mềm và đặt lên ghế ngồi, từ đó sẽ hạn chế phần nào tình trạng đau do trĩ. Đồng thời, người bệnh nên thường xuyên giặt đệm và vệ sinh ghế ngồi để hạn chế vi khuẩn tích tụ gây bội nhiễm.

Bên cạnh ngồi trên đệm mềm, những bệnh nhân bị đau do bệnh trĩ mãn tính nên lưu ý lựa chọn quần lót và quần ngoài bằng chất liệu mềm mại, thông thoáng như cotton, đũi, lụa... Đồng thời hạn chế mặc quần jeans hay quần bằng chất liệu vải cứng, có nhiều nếp gấp để hạn chế cọ sát vào búi trĩ gây đau và chảy máu.

3.2. Tư thế đi vệ sinh đúng

Tư thế khi đi đại tiện rất quan trọng cho người bị bệnh trĩ, cụ thể bệnh nhân nên ngồi bồn cầu thay cho nhà vệ sinh ngồi xổm, tư thế luôn giữ thẳng lưng, không chống tay vào đầu gối mà đặt tay lên đùi để nâng đỡ phần thân trên. Nếu gặp khó khăn trong quá trình đại tiện, có thể dạng hai chân sang hai bên, hơi nghiêng người về phía trước để duy trì đường cong phần lưng dưới. Trường hợp tư thế trên khiến bệnh nhân mất thăng bằng thì hãy đặt một chiếc ghế hoặc tấm gỗ nhỏ dưới chân để việc đi vệ sinh được dễ dàng hơn.

3.3. Kem dưỡng ẩm

Trường hợp búi trĩ sưng viêm gây đau và khô có thể xử trí bằng cách bôi kem dưỡng ẩm nhằm mục đích làm dịu. Các chuyên gia chuyên ngành Y, Đại học Harvard, khuyến cáo người bệnh sử dụng tăm bông thấm một chút kem dưỡng ẩm thoa vào vị trí đau do trĩ để cải thiện cảm giác khó chịu. Lưu ý, bệnh nhân trĩ nên lựa chọn những sản phẩm dưỡng ẩm cho không có chất tạo màu, tạo mùi và ưu tiên làm từ các thành phần tự nhiên để hạn chế tình trạng kích ứng.

3.4. Chườm đá lạnh

Nhiệt độ thấp của đá lạnh khi chườm vào búi trĩ sẽ làm cảm giác đau giảm đi nhanh chóng, tuy nhiên chỉ áp dụng khi búi trĩ không chảy máu. Bệnh nhân chỉ cần đặt vài viên đá lạnh vào khăn bông (đã được tiệt trùng) và tiến hành chườm lên búi trĩ sưng viêm từ 15-20 phút thì cơn đau do trĩ sẽ dịu đi nhanh chóng. Sau đó, hãy nằm nghiêng để nghỉ ngơi trong 10 phút rồi tiến hành các bước tương tự thêm một lần nữa.

4. Một số lời khuyên để ngừa bệnh trĩ

Thay đổi chế độ ăn uống và thói quen sinh hoạt hàng ngày nghe có vẻ đơn giản nhưng rất hiệu quả trong việc phòng ngừa bệnh trĩ cũng như giảm nguy cơ tái phát, cụ thể như sau:

  • Chế độ ăn mỗi ngày đảm bảo bổ sung 20-40gr chất xơ nhằm duy trì chức năng tiêu hóa khỏe mạnh và chống táo bón. Một số thực phẩm giàu chất xơ hay được sử dụng là quả bơ, mâm xôi, táo, lê, chuối, việt quất, dâu tây, cà rốt, củ dền, khoai lang, bông cải xanh, các loại đậu, yến mạch, diêm mạch, hạt chia, hạnh nhân...;
  • Đảm bảo bổ sung 1.5-2 lít nước mỗi ngày để quá trình tiêu hóa diễn ra thuận lợi và hạn chế táo bón;
  • Tập thể dục thường xuyên là một cách giúp hệ tiêu hóa khỏe mạnh và tạo thói quen đại tiện đều đặn hơn;
  • Những người thừa cân béo phì nên xem xét các biện pháp giảm cân nhằm giảm áp lực lên các tĩnh mạch ở trực tràng và hậu môn;
  • Hạn chế đứng hoặc ngồi quá lâu, đặc biệt là thói quen ngồi lâu khi đại tiện.

Hầu hết bệnh nhân mắc bệnh trĩ đều không nặng và hoàn toàn có thể tự khỏi nếu chấp nhận thay đổi một số thói quen và duy trì một chế độ ăn tốt cho cơ quan tiêu hóa. Tình trạng đau do trĩ mặc dù khó chịu và gây nhiều bất tiện trong cuộc sống hàng ngày nhưng nếu bệnh nhân áp dụng các biện pháp kể trên thì dấu hiệu này sẽ nhanh chóng cải thiện.

Xem thêm: Hướng dẫn chẩn đoán bệnh trĩ

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe