Tiểu ra máu là một bệnh lý thường gặp trên lâm sàng với nhiều nguyên nhân khác nhau. Bệnh đặc trưng bởi tình trạng xuất hiện máu trong nước tiểu. Tình trạng này có thể quan sát được bằng mắt thường. Tùy theo mức độ và nguyên nhân gây bệnh, tiểu ra máu có thể được điều trị bằng phương pháp dùng thuốc hoặc cải thiện chế độ ăn uống sinh hoạt. Vậy nên ăn gì để chữa tiểu ra máu?
1. Nguyên nhân gây tiểu ra máu
Tiểu ra máu hay đái máu là tình trạng máu xuất hiện trong nước tiểu, có thể ở đầu bãi, giữa bãi hoặc cuối bãi tùy theo từng trường hợp bệnh nhân cụ thể và nguyên nhân gây bệnh.
Trên lâm sàng, tiểu ra máu có 2 loại khác nhau là đái máu đại thể (nhìn thấu máu trong nước tiểu bằng mắt thường) và đái máu vi thể (không nhìn được bằng mắt thường, phát hiện có các tế bào máu trong nước tiểu khi làm xét nghiệm tế bào học).
Tiểu máu do nhiều nguyên nhân gây nên và được chia thành 4 nhóm nguyên nhân chính:
- Thứ nhất, đái máu do bị chấn thương: tổn thương xảy ra có thể ở vùng bàng quang, niệu đạo, niệu quản hay thận đều có thể dẫn đến đái máu.
- Thứ 2, đái máu do các bệnh lý tại thận: như sỏi thận, lao thận, viêm cầu thận cấp, lao thận...
- Thứ 3, đái máu do các bệnh lý phần niệu đạo hay tuyến tiền liệt: sỏi niệu đạo, viêm niệu đạo, polyp niệu đạo, ung thư tiền liệt tuyến...
- Thứ 4: tiểu ra máu do bị các bệnh lý ở bàng quang: sỏi bàng quang, viêm bàng quang, khối u bàng quang...
2. Nên ăn gì để chữa tiểu ra máu?
Ăn gì để chữa tiểu ra máu hay ăn gì tốt cho thận đều là những câu hỏi được rất nhiều người quan tâm. Bên cạnh việc sử dụng thuốc điều trị, chế độ dinh dưỡng là một yếu tố quan trọng đối với sức khỏe người bệnh. Dưới đây là một số thực phẩm bạn nên ăn khi bị tiểu máu:
- Tỏi: Đây là một loại thực phẩm có tính kháng khuẩn mạnh, được sử dụng trong điều trị y khoa như một vị dược liệu. Trong tỏi có chứa nhiều hoạt chất có khả năng hỗ trợ tiêu diệt một số loại vi khuẩn gây bệnh, trong đó có vi khuẩn gây viêm đường tiết niệu. Tỏi đen có tác dụng rất tốt trong việc kiểm soát huyết áp, giúp tăng cường đề kháng cho cơ thể.
- Dấm táo: có chứa nhiều loại enzyme khác nhau, lượng kali trong dấm táo giúp ức chế sự phát triển của vi khuẩn E.coli trong cơ thể. Hoạt chất Axit axetic trong giấm táo giúp thúc đẩy sự phát triển của các vi khuẩn có lợi, đồng thời tiêu diệt các vi khuẩn có hại cho cơ thể. Uống 2 muỗng dấm táo pha với mật ong và nước cốt chanh mỗi ngày rất tốt cho sức khỏe.
- Men vi sinh: là những sản phẩm có chứa probiotic, cung cấp các vi khuẩn có lợi cho cơ thể, rất tốt cho đường ruột, giúp ngăn ngừa và cải thiện các triệu chứng của viêm đường tiết niệu hay các bệnh lý viêm nhiễm khác, nhất là ở phụ nữ. Nhóm thực phẩm giàu probiotic: sữa chua không đường, nấm thủy sâm, kim chi...
- Bổ sung các loại hoa quả và rau xanh: Trong các loại thực phẩm này có chứa nhiều vitamin và chất xơ giúp hỗ trợ cho hoạt động của hệ miễn dịch. Mặt khác, nhóm thực phẩm này giúp gia tăng lượng nước tự nhiên cho cơ thể, rất có lợi cho quá trình hỗ trợ đào thải độc tố ra ngoài, giảm và phòng ngừa các triệu chứng viêm đường tiết niệu.
- Nhóm thực phẩm giàu vitamin C như cam, bưởi, chanh, ổi: Giúp tăng đề kháng, thanh nhiệt cho cơ thể và hỗ trợ quá trình thải độc. Sắt là một nguyên tố quan trọng trong việc tạo máu và việc bổ sung vitamin C thường xuyên là con đường đẩy nhanh khả năng hấp thu sắt của cơ thể.
- Nam việt quất: Đây không chỉ là loại quả ngon mà còn chứa hàm lượng cao chất proanthocyanidin. Hoạt chất này giúp ngăn chặn sự liên kết giữa vi khuẩn E.coli với các tế bào trong hệ tiết niệu, từ đó giảm nguy cơ gây viêm đường tiết niệu. Đồng thời, việt quất cũng có tác dụng tốt trong việc tăng cường hệ thống miễn dịch, chống oxy hóa.
- Bổ sung tối thiểu 2 lít nước mỗi ngày: Đây là một trong những yếu tố quan trọng để có một sức khỏe tốt. Việc cung cấp đủ nước cho cơ thể không chỉ giúp đảm bảo thể tích hệ tuần hoàn mà còn hỗ trợ cho quá trình đào thải các chất ra ngoài theo đường nước tiểu.
Một vài món cháo có thể giúp cải thiện tình trạng đi tiểu ra máu như cháo hoa cúc, cháo nấu với rễ cỏ tranh, canh rau muống hay canh nấu từ quả hồng khô...
Ngoài những thực phẩm trên, đối với bệnh nhân bị tiểu ra máu cần lưu ý:
- Không được nhịn tiểu.
- Đảm bảo vệ sinh vùng kín đúng cách để tránh bị viêm nhiễm nặng hơn.
- Nên kiêng quan hệ tình dục trong thời gian điều trị. Đối với những bệnh lý viêm nhiễm khu vực gần bộ phận sinh dục, khuyến cáo nên điều trị đồng thời cả 2 vợ chồng.
Trong quá trình điều trị cần cẩn trọng về việc sử dụng thuốc tránh thai do có thể gây tương tác với một số thuốc điều trị.
3. Những thực phẩm không nên ăn khi bị tiểu ra máu
Một số đồ ăn có thể làm tăng tình trạng bệnh lý tiểu ra máu nên cần tránh trong quá trình điều trị như:
- Các loại thức uống có ga, rượu bia và các chất kích thích không chỉ gây hại cho sức khỏe tổng quan mà còn khiến bệnh nhân bị tiểu ra máu nặng hơn. Cà phê là loại đồ uống có chứa nhiều caffein gây kích thích làm tăng hoạt động của bàng quang, không tốt cho quá trình điều trị, đặc biệt ở những bệnh nhân có bệnh lý về bàng quang.
- Đồ ăn nhanh, những món cay nóng có chứa nhiều dầu mỡ và những chất béo không tốt cho quá trình lành bệnh.
- Ăn mặn là một trong những thói quen ăn uống không tốt của rất nhiều người. Một chế độ ăn mặn thường xuyên có thể làm tăng sự tích lũy của natri trong cơ thể, đặc biệt trong hệ tiết niệu làm gia tăng nguy cơ mắc các bệnh về đường tiết niệu, làm tình trạng bệnh tiến triển xấu hơn. Nhóm đồ ăn mặn có thể hạn chế trong thời gian điều trị đái máu như tôm, cua, sò, hến...
Hy vọng những thông tin trong bài viết trên đã giúp bạn giải đáp thắc mắc ăn gì để chữa tiểu ra máu? Tiểu ra máu tuy không phải là một tình trạng bệnh lý quá nguy kịch nhưng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người bệnh. Ngoài việc dùng thuốc điều trị theo chỉ định của bác sĩ, hãy thiết lập cho bản thân một chế độ ăn uống sinh hoạt hợp lý, lành mạnh và khoa học để tăng cường sức khỏe và hỗ trợ cho quá trình điều trị được hiệu quả tốt nhất.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.