Điều trị suy thận mạn tính giai đoạn cuối hiện tại có 3 phương pháp là chạy thận nhân tạo, ghép thận, thẩm phân phúc mạc. Người bệnh có thể lựa chọn bất kỳ phương pháp điều trị nào, phù hợp với sức khỏe, điều kiện kinh tế của gia đình. Tuy nhiên nếu người bệnh được ghép thận thì chất lượng cuộc sống tốt hơn hoặc người bệnh được chạy thận vẫn sống được lâu dài. Vậy người bệnh nên chạy thận nhân tạo hay ghép thận?
1. Chạy thận và ghép thận là gì?
Người bệnh nếu có đủ điều kiện sức khỏe, tinh thần và kinh tế nên chạy thận hay ghép thận? Cả 2 phương pháp điều trị trên đã cải thiện rất nhiều cuộc sống của những người bệnh bị suy thận mạn giai đoạn cuối.
Chạy thận là phương pháp điều trị áp dụng trên người bệnh bị suy thận giai đoạn cấp (ngộ độc) hoặc suy thận mạn giai đoạn cuối, khi thận không còn hoặc mất gần hết chức năng lọc bỏ chất cặn bã ra ngoài cơ thể. Đây là phương pháp lọc máu bên ngoài cơ thể qua một loại máy lọc máu nhân tạo.
Khi bắt đầu điều trị, người bệnh sẽ được đặt hai cây kim vào cánh tay, mỗi kim được gắn với một ống mềm được nối với máy lọc máu. Máy lọc máu sẽ bơm máu qua bộ lọc và cũng đưa máu trở lại cơ thể của người bệnh. Trong cả quá trình, máy lọc sẽ kiểm tra huyết áp, kiểm soát mức độ nhanh của máu khi chảy qua bộ lọc, lượng chất lỏng được đào thải ra khỏi cơ thể.
Bộ lọc gồm 2 phần, 1 phần cho máu và 1 phần cho dịch lọc, chúng được ngăn cách với nhau qua một lớp màng mỏng. Lớp màng này có tác dụng giữ lại những tế bào máu, protein, những chất quan trọng khác cũng như loại bỏ những chất thải như ure hay creatinin, kali, các chất lỏng thừa khác ra khỏi máu.
Mục đích chính của phương pháp ghép thận nhân tạo là khôi phục chức năng của cơ quan thận nhằm đáp ứng nhu cầu lọc bỏ và đào thải của cơ thể. Ghép thận là ghép vào cơ thể người bị bệnh quả thận mới khỏe mạnh nhằm thay thế chức năng hoạt động của quả thận cũ đã suy yếu.
Trong quá trình phẫu thuật, bác sĩ sẽ không cắt quả thận cũ, trừ trường hợp cần thiết. Quả thận mới được ghép vào thường nằm tại vùng bụng dưới, hố chậu phía trước bên cơ thể. Thông thường, người bệnh chỉ được nhận ghép một quả thận mới. Tuy nhiên, vẫn gặp tình huống người bệnh có thể cần phải ghép 2 thận. Để đảm bảo thận mới hoạt động tốt, người bệnh cần lưu ý những vấn đề khác nhau trước và sau khi thực hiện can thiệp phương pháp điều trị này như việc dùng loại thuốc ức chế miễn dịch phòng ngừa cơ thể thải ghép, đào thải mô mới.
2. Chỉ định của phương pháp chạy thận và ghép thận
2.1. Khi nào người bệnh cần điều trị phương pháp chạy thận?
Người bệnh được bác sĩ chỉ định chạy thận dựa trên tình trạng sức khỏe tổng quát, qua đánh giá chức năng thận, những dấu hiệu và triệu chứng, chất lượng cuộc sống của người bệnh. Đôi khi người bệnh cũng có thể quyết định việc có nên chạy thận hay không.
- Thông thường, chạy thận được chỉ định khi người bệnh bị suy thận mạn tính giai đoạn cuối có mức lọc cầu thận đã giảm xuống rất thấp (dưới 15ml/ph/1.73 m2) hoặc người bệnh bị suy thận cấp do ngộ độc với những triệu chứng như buồn nôn hoặc nôn, sưng tấy, mệt mỏi. Lúc này, bác sĩ sử dụng chỉ số tỷ lệ lọc cầu thận ước tính (eGFR) để đánh giá mức độ chức năng thận.
- Phép đo chức năng thận có thể giúp bác sĩ lập kế hoạch điều trị cho người bệnh, bao gồm cả thời điểm bắt đầu chạy thận.
2.2. Chỉ định của phương pháp ghép thận và các điều kiện bắt buộc
Phương pháp ghép thận được chỉ định cho người bệnh bị bệnh thận mạn giai đoạn cuối (ESRD) khi chức năng hoạt động của quả thận chỉ còn dưới 10%. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng không phải người bệnh nào muốn ghép thận đều có thể áp dụng giải pháp này. Để có thể lựa chọn, trước hết người bệnh cần đáp ứng những điều kiện sau:
- Có quả thận hiến tặng cho người bệnh phù hợp.
- Người bệnh có đủ sức khỏe để có thể trải qua cuộc đại phẫu ghép tạng thận.
- Người bệnh chịu được chế độ dùng thuốc nghiêm ngặt, suốt đời.
- Tài chính gia đình ổn định để chi trả chi phí phẫu thuật, đơn thuốc sau này.
Bên cạnh đó, người bệnh có bất kỳ bệnh nền nào dưới đây sẽ được bác sĩ kiểm tra lại vì có thể ảnh hưởng đến kết quả của ca phẫu thuật ghép thận. Các bệnh nền bao gồm:
- Ung thư (đang được điều trị hoặc có tiên lượng sống cuộc đời ngắn).
- Nhiễm khuẩn nặng (như nhiễm lao, nhiễm trùng xương, bệnh viêm gan...). Tuy nhiên nếu người bệnh được điều trị khỏi hay ổn định có thể vẫn ghép thận được.
- Những bệnh về tim mạch (như suy tim nặng) hoặc gan như bệnh xơ gan, ung thư gan. Trong trường hợp này, người bệnh có thể sẽ được ghép gan trước, sau đó ghép thận sau.
3. Lợi ích của các phương pháp chạy thận, ghép thận
Mỗi phương pháp chạy thận hay ghép thận sẽ đem lại những lợi ích khác nhau đối với từng người bệnh cụ thể.
3.1. Lợi ích khi người bệnh chạy thận nhân tạo
Chạy thận nhân tạo có thể giúp cơ thể người bệnh kiểm soát được huyết áp, duy trì sự cân bằng thích hợp của chất lỏng, những khoáng chất khác nhau như natri, kali trong cơ thể. Thông thường, phương pháp chạy thận nhân tạo nên được bắt đầu điều trị tốt nhất là trước khi thận ngừng hoạt động mà gây ra những biến chứng đe dọa tính mạng.
3.2. Lợi ích khi người bệnh được ghép thận
Nhìn chung, hiện tại ghép thận có thể xem là giải pháp tối ưu cho người bệnh bị suy giảm chức năng thận nghiêm trọng, đem lại hy vọng về cuộc sống tốt đẹp hơn.
Người bệnh sau ghép thận không phải đến bệnh viện hàng ngày hoặc cách ngày để lọc máu theo định kỳ nữa, chế độ ăn của người sau ghép thận cũng không khắt khe như người đang chạy thận nhân tạo.
Đây là một phương pháp điều trị phức tạp với nhiều quy định riêng chặt chẽ nên người bệnh cần tuân thủ đúng. Tuy nhiên, thận mới ghép vào vẫn có nguy cơ bị bệnh nên cần được chăm sóc tốt ngay khi ghép thông qua lối sống thường ngày.
4 Những lưu ý sau khi người bệnh được ghép thận hoặc chạy thận
Các lưu ý với người bệnh chạy thận:
- Ngoài các biến chứng tắc nghẽn mạch máu, hạ huyết áp, mất máu thì người bệnh cũng dễ gặp phải những tác dụng không mong muốn do quá trình chạy thận gây ra, cần thời gian vài tháng có thể thích nghi được. Trong thời gian chạy thận, người bệnh cần uống thuốc đúng, đủ liều theo chỉ dẫn và tuân thủ theo kế hoạch ăn uống nghiêm ngặt, theo sự chỉ dẫn và tư vấn từ bác sĩ có chuyên khoa.
- Người bệnh cần cân bằng lượng nước bổ sung hàng ngày vào cơ thể (nước uống, nước canh, phở... và nước thải như nước tiểu, sự ra mồ hôi), các thực phẩm người chạy thận cần hạn chế dùng trong quá trình điều trị như muối, thức ăn nhiều photphat, thức ăn giàu sắt...
- Người bệnh cần chăm sóc những dụng cụ: lỗ rò, mảnh ghép và ống thông theo hướng dẫn từ bác sĩ để đảm bảo sự hoạt động tốt trong cả quá trình chạy thận.
- Khi người bệnh chạy thận thấy có bất cứ vấn đề nào về vấn đề sức khỏe hay vị trí đặt lỗ rò, ống thông, hãy đến gặp bác sĩ, cần tuân thủ những chỉ định và nhớ các lời khuyên của bác sĩ chuyên môn.
Người được ghép thận cần nhiều thời gian một vài tháng tới nửa năm mới có thể phục hồi cơ thể hoàn toàn. Tuy nhiên cuộc sống sau ghép thận của người bệnh được cải thiện rất nhiều. Người bệnh được ghép thận cần lưu ý các vấn đề sau:
- Mặc dù người bệnh không cần phải tuân theo chế độ ăn uống chặt chẽ như người chạy thận nhân tạo nhưng người bệnh đã ghép thận cũng cần lưu ý về vấn đề ăn uống dinh dưỡng của mình.
- Bên cạnh việc ăn uống, việc thường xuyên rèn luyện thể chất tập thể thao cũng giúp nâng cao sức khỏe, người sau ghép thận có thể lựa chọn các hình thức vận động đơn giản, hiệu quả như đi bộ, bơi lội, đạp xe...Cần tham khảo ý kiến bác sĩ điều trị trước khi bắt đầu luyện tập là cần thiết.
Trên đây là thông tin bài viết người bệnh “nên chạy thận hay ghép thận nhân tạo”. Mỗi phương pháp điều trị bệnh suy thận đều có những lợi ích, biến chứng và những chỉ định điều trị riêng. Tùy thuộc vào điều kiện sức khỏe cũng như kinh tế bản thân, người bệnh được chỉ định điều trị theo phương pháp nào phù hợp nhằm cải thiện cuộc sống cũng như kéo dài thêm thời gian sống của chính người bệnh.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.