Chậm phát triển tâm thần không phải là một bệnh mà là một khiếm khuyết về sự phát triển của trí não. Trẻ thường bị hạn chế những kỹ năng sinh hoạt hàng ngày, cũng như chỉ số thông minh thấp hơn người bình thường.
1. Chậm phát triển tâm thần
Chậm phát triển tâm thần là một khuyết tật của sự phát triển trí não, trẻ bị chậm phát triển có trí thông minh thấp hơn so với bình thường, chỉ số IQ nhỏ hơn 70 và các kỹ năng sinh hoạt hằng ngày cũng bị hạn chế.
Chậm phát triển tâm thần vận động thường giới hạn hoặc chậm phát triển trong một số kỹ năng như: vận động, giao tiếp, chơi, kỹ năng xã hội,... Trẻ gặp nhiều khó khăn trong việc học tập và tiếp thu kiến thức. Do đó, những trẻ này thường mất nhiều thời gian hơn để tập nói, tập đi đứng và học cách tự chăm sóc bản thân trong các nhu cầu hàng ngày như ăn uống, vệ sinh cá nhân, mặc quần áo,...
Trẻ chậm phát triển tâm thần là một khiếm khuyết rủi ro ngoài ý muốn và đi kèm với chậm phát triển trí tuệ. Do đó, trẻ cần nhận được sự cảm thông, tình thương và tôn trọng của gia đình và cộng đồng. Trẻ cần nhận được sự đảm bảo về mặt y tế, giáo dục, xã hội như những trẻ bình thường khác. Nếu được hỗ trợ giáo dục, hướng dẫn phù hợp thì trẻ sẽ phát triển được những kỹ năng cần thiết cho cuộc sống và giảm bớt được gánh nặng cho gia đình và xã hội.
2. Phân loại mức độ chậm phát triển tâm thần
Chậm phát triển tâm thần được chia thành 4 mức độ bao gồm:
- Nhẹ: trẻ có IQ từ 50 đến 69. Hầu hết trẻ chậm phát triển thuộc nhóm mức độ nhẹ, chiếm khoảng 85%. Các bé có thể học đến lớp 6 và có thể sống tự lập với sự hỗ trợ của gia đình, cộng đồng.
- Trung bình: trẻ có IQ từ 35 – 49. Có khoảng 10% trẻ chậm phát triển thuộc nhóm này. Trẻ có thể tự chăm sóc bản thân nếu được hướng dẫn, trẻ cần đến những trường học đặc biệt để được học các kỹ năng cần thiết để chung sống với cộng đồng.
- Nặng: trẻ có IQ từ 20 – 34. Chỉ có khoảng 2 – 3% trẻ chậm phát triểnthuộc nhóm này. Trẻ cần đến các trường học đặc biệt để được học về các kỹ năng cơ bản để có thể tự chăm sóc bản thân và phát triển một số kỹ năng cần thiết khác.
- Rất nặng: trẻ có IQ dưới 20. Có khoảng 1 – 2 % trẻ chậm phát triển thuộc nhóm này. Trẻ thường bị tổn thương thần kinh và cần được theo dõi và giúp đỡ thường xuyên.
Để đánh giá mức độ chậm phát triển tâm thần người ta thường dựa vào việc đánh giá thương số trí tuệ IQ, trẻ bị chậm phát triển tâm thần có thương số trí tuệ IQ thấp. Việc đo thương số trí tuệ được thực hiện bởi các chuyên gia về tâm lý hoặc tâm thần. Có nhiều loại trắc nghiệm đã được các chuyên gia sử dụng để đánh giá sự phát triển tâm thần như trắc nghiệm raven, unit,...
3. Triệu chứng
Trẻ chậm phát triển tâm thần thường được phát hiện ở tuổi khi đến trường, gặp khó khăn trong quá trình học tập và có những biểu hiện bất thường về hành vi. Trẻ chậm phát triển có thể có một số biểu hiện như sau:
- Chậm phát triển vận động: trẻ chậm biết lật, ngồi, bò và đi đứng.
- Chậm biết nói hoặc khó khăn khi nói.
- Khó nhớ được các sự việc.
- Kém hiểu biết về các quy luật xã hội căn bản.
- Không ý thức được hậu quả về các hành vi của mình
- Khó khăn khi tự phục vụ những nhu cầu cơ bản như: tự ăn uống, vệ sinh cá nhân.
- Khó khăn trong suy nghĩ hợp tình hợp lý.
- Quá năng động, kém tập trung, hung dữ, chống đối, tự gây thương tích cơ thể.
- Tâm trạng lo âu, trầm cảm
- Rối loạn giấc ngủ.
4. Điều trị chậm phát triển tâm thần
Trẻ bị chậm phát triển sẽ được học tập trong chương trình giáo dục và huấn luyện đặc biệt. Nội dung học của trẻ tại trường chuyên biệt tập trung vào việc giúp trẻ phát triển các kỹ năng:
- Giao tiếp
- Tự chăm sóc như tự tắm rửa, ăn uống, thay quần áo, đánh răng, đi vệ sinh,...
- Học hiểu các kiến thức tổng quát về sức khỏe và an toàn cá nhân căn bản;
- Giúp các công việc ở nhà như quét nhà, rửa chén bát, sắp bàn
- Tập giao tiếp xã hội, học hiểu các quy luật ứng xử thông thường
- Học đọc, viết và làm các phép tính đơn giản
- Khi trẻ trưởng thành sẽ được học các nghề nghiệp đơn giản và tạo việc làm ổn định cho trẻ.
Ngoài ra, cha mẹ cần dành nhiều thời gian gần gũi, giúp đỡ con trong các sinh hoạt hàng ngày. Để đạt được kết quả tốt cần có sự hợp tác chặt chẽ giữa cơ sở y tế, trường học và gia đình nhằm đưa đến cho trẻ sự chăm sóc tối ưu trong nhiều lĩnh vực.Tóm lại, chậm phát triển tâm thần là một khiếm khuyết về sự phát triển của trí não. Trẻ thường bị hạn chế những kỹ năng sinh hoạt hàng ngày, cũng như chỉ số thông minh thấp hơn người bình thường. Vì vậy, trẻ cần nhận được sự giúp đỡ nhiều hơn những trẻ khác, việc chăm sóc trẻ cần đòi hỏi sự kiên nhẫn và phù hợp với mức độ của trẻ. Những gia đình có con chậm phát triển có thể tham khảo ý kiến chuyên gia tâm lý, bác sĩ tâm thần để có biện pháp chăm sóc trẻ tốt hơn.