Bài được viết bởi Dược sĩ Hoàng Trà Linh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.
Tiêm tĩnh mạch là một trong những kỹ thuật tiêm cơ bản và được thực hành phổ biến tại bệnh viện. Đây là đường đưa thuốc trực tiếp vào máu, vì thế thuốc được hấp thu hoàn toàn và phát huy tác dụng một cách nhanh chóng.
1. Mục đích của tiêm tĩnh mạch là gì?
Với đường tiêm tĩnh mạch, thuốc được đưa trực tiếp vào hệ tuần hoàn do đó tiêm tĩnh mạch được sử dụng với các mục đích chính bao gồm các trường hợp cần sự can thiệp nhanh của thuốc, các thuốc không dùng được bằng các đường đưa thuốc khác hoặc người bệnh không thể dùng thuốc bằng các đường khác. Cụ thể chỉ định của đường tiêm tĩnh mạch bao gồm như sau:
- Trường hợp người bệnh cấp cứu hay người bệnh được chỉ định những thuốc mong muốn có tác dụng nhanh khi đưa vào cơ thể như: thuốc gây mê, gây ngủ, chống xuất huyết, trụy mạch...
- Những thuốc gây hoại tử các mô, gây đau, thậm chí gây loét ép nếu tiêm dưới da hay bắp thịt như calciclorua, hay thuốc bị phá hủy hoặc hấp thu kém bởi đường tiêu hóa như kháng sinh amicillin.
- Máu, huyết tương, các dung dịch keo như: Dextran, Subtosan... và các loại huyết thanh trị liệu
- Trường hợp người bệnh không thể uống thuốc được: người bệnh hôn mê, bị nôn ói nhiều, chuẩn bị phẫu thuật, tâm lý không hợp tác.
2. Vì sao cần tiêm tĩnh mạch chậm?
Tiêm tĩnh mạch chậm là đưa thuốc theo đường tĩnh mạch trong thời gian từ 3 – 5 phút. Trừ một số trường hợp có chỉ định đặc biệt (ví dụ: cấp cứu loạn nhịp tim với adenosine tiêm tĩnh mạch nhanh), tiêm tĩnh mạch chậm được khuyến cáo trong đa phần các trường hợp để đảm bảo:
- Điều dưỡng thực hiện thuốc có thời gian quan sát người bệnh và vị trí tiêm thuốc để phát hiện sớm những phản ứng bất lợi, đặc biệt là các biểu hiện của sốc phản vệ như mày đay, ban ngứa, choáng, tụt huyết áp, tím tái, đổ mồ hôi... để xử lý kịp thời.
- Hạn chế các phản ứng kích ứng tại chỗ gây viêm tĩnh mạch, sưng đau vị trí tiêm, đặc biệt là đối với các thuốc có độ hòa tan thấp.
- Đối với các thuốc tiêm có chứa tá dược propylen glycol, nếu tiêm tĩnh mạch nhanh có thể gây hạ huyết áp, trụy tim mạch hoặc ức chế hệ thần kinh trung ương.
- Đối với một số thuốc tiêm, nếu tiêm tĩnh mạch nhanh có thể gây ra các tác dụng không mong muốn như: tiêm tĩnh mạch nhanh Clonidin có nguy cơ xảy ra tăng huyết áp nghịch thường; hay Digoxin nếu tiêm tĩnh mạch nhanh có thể gây co thắt mạch máu toàn thân và động mạch vành; hay không khuyến cáo tiêm nhanh Flumazenil do có thể gây ra các triệu chứng cai thuốc của benzodiazepin như: cơn lo âu, nhịp tim nhanh, choáng váng, vã mồ hôi...
3. Các lưu ý/hướng dẫn để tiêm tĩnh mạch an toàn
Việc tiêm sai chỉ định hoặc sai kỹ thuật có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng, thậm chí gây nguy hiểm tới tính mạng người bệnh. Do vậy khi thực hiện thuốc tiêm tĩnh mạch cần phải tuân thủ đúng theo y lệnh của bác sĩ và quy trình thao tác chuẩn về kỹ thuật tiêm.
Một số lưu ý khi thực hiện tiêm tĩnh mạch:
- Không được tiêm tĩnh mạch các thuốc dạng hỗn dịch, thuốc dầu, các chất gây kết tủa protein huyết tương, các chất gây tan máu hoặc độc với cơ tim.
- Không được tiêm tĩnh mạch ở những vị trí bị nhiễm trùng, bỏng.
- Theo dõi sát người bệnh trước, trong và sau quá trình tiêm bao gồm các phản ứng dị ứng như nổi mẩn đỏ, mày đay..., các sự cố như tắc kim, phồng vị trí tiêm, tắc mạch... Đặc biệt cần nhận biết và xử trí kịp thời nếu người bệnh có biểu hiện sốc phản vệ.
Khách hàng có thể trực tiếp đến hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc để thăm khám hoặc liên hệ hotline tại đây để được hỗ trợ.