Một số xét nghiệm sàng lọc các loại ung thư phổ biến

Ung thư vẫn là một trong các bệnh nan y mà chúng ta phải cảnh giác cao trong cuộc sống hiện đại. Xét nghiệm sàng lọc ung thư giúp phát hiện chẩn đoán ung thư trước khi bệnh nhân có triệu chứng lâm sàng của bệnh. Việc sàng lọc thường xuyên có thể giúp phát hiện sớm một số loại ung thư khi khối u còn nhỏ, chưa xâm lấn di căn và do đó có thể dễ dàng điều trị khỏi. Dưới đây là các xét nghiệm sàng lọc ung thư đối với từng loại ung thư cụ thể.

1. Ung thư vú

Ung thư vú là loại ung thư thường gặp nhất và là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở phụ nữ.

Các biện pháp tầm soát sớm ung thư vú gồm:

  • Khám lâm sàng tuyến vú: Cần đảm bảo cho toàn bộ tuyến vú được thăm khám, kể cả phần đuôi của tuyến ở gần nách. Bác sĩ sẽ hướng dẫn người bệnh cách tự khám vú tại nhà. Việc tự khám vú nếu được thực hiện đúng cách có thể giúp phát hiện sớm một bướu vú để có những tiên lượng tốt hơn;
  • Chụp nhũ ảnh: Là phương pháp chụp X-quang đặc biệt cho hình ảnh chi tiết của tuyến vú, có thể thấy những điểm vôi hóa rất nhỏ. Nhũ ảnh đóng vai trò quan trọng trong tầm soát ung thư vú. Phụ nữ trên 40 tuổi được khuyến cáo nên chụp nhũ ảnh mỗi 1-2 năm một lần;
  • Siêu âm tuyến vú: Đặc biệt hữu ích ở bệnh nhân có cấu trúc mô vú đặc. Siêu âm sẽ giúp phân biệt rõ một tổn thương dạng nang với một tổn thương dạng đặc. Ngoài ra, với siêu âm người phụ nữ sẽ không bị nguy cơ nhiễm tia X, thích hợp cho phụ nữ đang mang thai cần tầm soát và phụ nữ trẻ để giảm ảnh hưởng của tia X đến cơ thể.

Ung thư vú là loại ung thư thường gặp nhất và là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở phụ nữ
Ung thư vú là loại ung thư thường gặp nhất và là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở phụ nữ

2. Ung thư đại trực tràng

Ung thư đại trực tràng thường có những dấu hiệu của bệnh lành tính. Do vậy, căn bệnh này chỉ được phát hiện khi đã ở giai đoạn cuối, gây ra nhiều tỷ lệ tử vong cao. Những người ở độ tuổi từ 50 – 75 có nguy cơ mắc ung thư đại trực tràng cao hơn. Dưới 50 tuổi cũng có nguy cơ mắc, tuy nhiên thường mắc ở những người có yếu tố di truyền gia đình.

Sàng lọc ung thư đại trực tràng bằng một số xét nghiệm sau:

  • Nội soi đại tràng sigma ống mềm mỗi 5 năm/lần, hoặc nội soi đại tràng mỗi 10 năm/lần, hoặc chụp đại tràng cản quang kép mỗi 5 năm/lần, hoặc chụp CT đại tràng (nội soi đại tràng ảo) mỗi 5 năm/lần;
  • Tiến hành xét nghiệm máu tiềm ẩn trong phân (Fecal Occult Blood Test - FOBT) hoặc xét nghiệm hóa miễn dịch phân (Fecal Immunochemical Test) mỗi năm một lần hoặc xét nghiệm DNA trong phân (Stool DNA test);
  • Nếu một trong các xét nghiệm trên dương tính thì cần tiến hành nội soi đại tràng;
  • Một số người có tiền sử gia đình có nguy cơ cao bị polyp hoặc ung thư đại trực tràng nên được sàng lọc thường xuyên hơn.

Trắc nghiệm: Thử hiểu biết của bạn về bệnh ung thư

Ung thư là nguyên nhân gây tử vong hàng thứ 2 trên thế giới. Thử sức cùng bài trắc nghiệm sau đây sẽ giúp bạn có thêm kiến thức về yếu tố nguy cơ cũng như cách phòng ngừa bệnh ung thư.

Bài dịch từ: webmd.com

3. Ung thư cổ tử cung


Xét nghiệm Thinprep Pap là phương pháp sàng lọc ung thư cổ tử cung đang được sử dụng rộng rãi hiện nay
Xét nghiệm Thinprep Pap là phương pháp sàng lọc ung thư cổ tử cung đang được sử dụng rộng rãi hiện nay

Ung thư cổ tử cung là loại ung thư đứng hàng thứ hai sau ung thư vú ở phụ nữ. Việt Nam và nhiều nước trên thế giới đã đưa vào sử dụng tiêm phòng vắc xin HPV để phòng tránh ung thư cổ tử cung ở phụ nữ. Đây là phương pháp hiệu quả nhất hiện nay trong việc phòng ngừa ung thư. Sàng lọc ung thư cổ tử cung nên được bắt đầu ở phụ nữ ≥ 21 tuổi, không nên tiến hành ở phụ nữ < 21 tuổi.

Xét nghiệm Thinprep Pap là phương pháp xét nghiệm sàng lọc ung thư cổ tử cung đang được sử dụng rộng rãi hiện nay. Qua xét nghiệm này các tế bào ở cổ tử cung sẽ được đánh giá từ đó có thể tìm ra những tế bào bất thường có nguy cơ gây ung thư cổ tử cung. Sau khi đã phát hiện tế bào bất thường, bác sĩ sẽ tiến hành soi cổ tử cung và sinh thiết chẩn đoán chính xác.

  • Phụ nữ từ 21 - 29 tuổi nên được tiến hành xét nghiệm PAP test mỗi 3 năm. Xét nghiệm HPV không nên được tiến hành ở các phụ nữ ở nhóm tuổi này trừ khi có kết quả PAP test bất thường;
  • Phụ nữ từ 30 - 65 tuổi nên được kiểm tra PAP test và xét nghiệm HPV mỗi 5 năm hoặc làm PAP test mỗi 3 năm;
  • Phụ nữ > 65 tuổi có kết quả kiểm tra định kỳ bình thường không nên tiếp tục xét nghiệm sàng lọc ung thư cổ tử cung. Khi đã kết thúc việc sàng lọc thì không nên bắt đầu lại. Phụ nữ có tiền sử tiền ung thư cổ tử cung (cervical pre-cancer) nên được tiếp tục sàng lọc ít nhất 20 năm sau khi chẩn đoán, thậm chí sàng lọc cả khi đã > 65 tuổi;
  • Không nên tiến hành sàng lọc ở các phụ nữ sau khi đã cắt toàn bộ tử cung do nguyên nhân không liên quan đến ung thư cổ tử cung và không có tiền sử ung thư cổ tử cung hoặc tiền ung thư;
  • Phụ nữ đã được tiêm phòng vắc-xin HPV vẫn nên được sàng lọc theo khuyến cáo ở độ tuổi của mình.

4. Ung thư phổi

Ung thư phổi là loại ung thư phổ biến nhất ở nam giới và là nguyên nhân gây tử vong cao nhất ở cả hai giới.

  • Sàng lọc ung thư phổi không được khuyến cáo ở người có nguy cơ bị ung thư phổi mức độ ít – trung bình;
  • Nên được thực hiện ở người có nguy cơ cao bị ung thư phổi: Tuổi từ 55 – 74, có tiền sử hút thuốc mỗi năm trên 30 bao, đang hút thuốc hoặc đã bỏ thuốc được < 15 năm;
  • Phương pháp sàng lọc ung thư phổi sớm đang được sử dụng hiện nay là chụp X-quang phổi định kỳ cho người có độ tuổi từ 55 – 74;
  • Những người hút thuốc lá trên 30 bao/năm nên đi chụp X-quang phổi định kỳ;
  • Phương pháp chụp cắt lớp vi tính tia xạ thấp đang được trở thành xu hướng lựa chọn để sàng lọc ung thư phổi.

Ung thư phổi là loại ung thư phổ biến nhất ở nam giới và là nguyên nhân gây tử vong cao nhất ở cả hai giới
Ung thư phổi là loại ung thư phổ biến nhất ở nam giới và là nguyên nhân gây tử vong cao nhất ở cả hai giới

5. Ung thư tiền liệt tuyến

Ung thư tiền liệt tuyến là căn bệnh gây tử vong cao ở nam giới. Bệnh này nếu được phát hiện ở giai đoạn sớm có khả năng chữa khỏi cao.

Phương pháp sàng lọc ung thư tiền liệt tuyến sớm là thăm khám trực tiếp bằng tay để đánh giá tuyến tiền liệt, kiểm tra các đặc hiệu của tiền liệt tuyến. Khi có dấu hiệu bất thường, bác sĩ sẽ siêu âm qua trực tràng, chụp cộng hưởng từ để chẩn đoán chính xác tính chất khối u.

Tóm lại, xét nghiệm sàng lọc ung thư sớm được coi là biện pháp hoàn hảo trong việc phát hiện và điều trị kịp thời các loại ung thư, giúp giảm chi phí điều trị và nhất là giảm tỷ lệ tử vong ở người bệnh.

Hiện Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec đang cung cấp các Gói Sàng lọc ung thư với những ưu điểm vượt trội:

  • Đội ngũ bác sĩ chuyên môn cao, giàu kinh nghiệm.
  • Hợp tác chuyên môn toàn diện với các bệnh viện trong nước, quốc tế.
  • Điều trị, chăm sóc người bệnh toàn diện, phối hợp đa chuyên khoa theo hướng cá thể hóa từng người bệnh.
  • Có đầy đủ các phương tiện chuyên môn để chẩn đoán xác định bệnh và xếp giai đoạn trước điều trị: Nội soi, CT scan, PET-CT scan, MRI, chẩn đoán mô bệnh học, xét nghiệm gen - tế bào,...
  • Có đầy đủ các phương pháp điều trị chủ đạo bệnh ung thư: phẫu thuật, trị xạ, hóa chất, ghép Tế bào gốc...

Để được tư vấn chi tiết về các Gói Sàng lọc ung thư tại Vinmec, Quý khách có thể liên hệ với các hệ thống Bệnh viện, Phòng khám Vinmec trên toàn quốc TẠI ĐÂY.

XEM THÊM:

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe