Một số vấn đề cơ bản về đau thắt lưng ở người lớn

Bài viết của Thạc sĩ, Bác sĩ Trương Văn Trí - Trưởng Đơn nguyên Phẫu thuật thần kinh chức năng - Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park

Đau thắt lưng là tình trạng vô cùng phổ biến, thường xảy ra ở người lớn và người trong độ tuổi trung niên. Vậy khi bị đau thắt lưng, chúng ta phải làm gì?

1. Lưng có cấu tạo như thế nào?

Lưng được cấu tạo bởi các cơ quan như sau:

  • Đốt sống: Một chồng các đốt xương xếp lên nhau giống như chồng các đồng xu. Mỗi đốt sống này có một lỗ ở trung tâm, khi xếp chồng lên nhau thì các lỗ này tạo thành một ống rỗng (gọi là ống sống) bảo vệ tủy sống.
  • Đĩa đệm: Các sụn đĩa đệm nằm giữa các đốt sống có tác dụng như gối đệm và cho phép cột sống chuyển động.
  • Tủy sống và các dây thần kinh: Tủy sống là “đường cao tốc” của các dây thần kinh, kết nối não với phần còn lại của cơ thể. Nó chạy qua các đốt sống, các dây thần kinh phân nhánh từ tủy sống và đi vào giữa các đốt sống. Từ đó chúng kết nối với tay, chân và các cơ quan. (Đây là lý do tại sao các vấn đề ở lưng có thể gây ra đau chân hoặc các vấn đề về bàng quang.)
  • Cơ, gân và dây chằng: Cơ, gân và dây chằng được gọi chung là “mô mềm” của lưng. Các mô mềm này hỗ trợ lưng và giúp giữ các bộ phận khác lại với nhau.

2. Đau thắt lưng như thế nào thì cần đến gặp bác sĩ?

Đau thắt lưng thực chất không phải là điều gì đó quá tồi tệ, bởi hầu hết mọi người đều bị đau lưng vào một thời điểm nào đó trong cuộc đời. Đau thắt lưng có thể làm chúng ta hoảng sợ, nhưng ngay cả khi có biểu hiện đau nghiêm trọng thì nó cũng thường tự hết trong vòng vài tuần, rất hiếm khi đau lưng mà cần đến chăm sóc hoặc phẫu thuật khẩn cấp. Tuy nhiên, bạn hãy đến gặp bác sĩ hoặc y tá nếu bạn bị đau lưng và có một trong các vấn đề sau:

  • Bị ngã hoặc bị chấn thương ở lưng gần đây
  • Bị tê hoặc yếu chân
  • Rối loạn đại tiện, tiểu tiện
  • Sụt cân không rõ nguyên nhân
  • Bị sốt hoặc cảm thấy không khỏe
  • Dùng thuốc steroid, chẳng hạn như prednisone, thường xuyên
  • Bị đái tháo đường hoặc các vấn đề sức khỏe gây suy yếu hệ thống miễn dịch
  • Có tiền sử ung thư hoặc loãng xương

Bạn cũng nên đi khám nếu:

  • Đau lưng nhiều đến nỗi bạn không thể thực hiện các công việc đơn giản
  • Đau lưng không cải thiện trong vòng 4 tuần

3. Nguyên nhân gây đau thắt lưng là gì?

Đau thắt lưng có thể do nhiều nguyên nhân. Trong hầu hết các trường hợp, bác sĩ không tìm được nguyên nhân chính xác. Đau lưng có thể xảy ra nếu bạn căng cơ - đây thường là nguyên nhân gây nên “cơn đau lưng cấp tính”, có thể được hiểu là cơn đau xuất hiện đột ngột sau hoạt động thể chất như: nâng vật nặng hoặc cúi lưng xuống.

Đau lưng cũng có thể xảy ra nếu bạn có:

  • Đĩa đệm bị tổn thương, phồng hoặc rách
  • Viêm khớp ảnh hưởng đến các khớp của cột sống
  • Mọc gai xương trên đốt sống gây chèn ép dây thần kinh lân cận
  • Trượt đốt sống
  • Hẹp ống sống
  • U hoặc nhiễm trùng (khả năng này rất hiếm gặp)

4. Đau thắt lưng có nên đi chụp phim không?

Hầu hết mọi người không cần làm xét nghiệm hình ảnh như chụp X-quang, chụp CT hoặc MRI. Đa số các trường hợp đau lưng sẽ tự khỏi sau vài tuần. Các bác sĩ thường không yêu cầu làm xét nghiệm hình ảnh, trừ khi có các dấu hiệu bất thường.

Nếu bác sĩ không yêu cầu xét nghiệm hình ảnh thì bạn cũng không cần lo lắng. Bác sĩ vẫn có thể biết được nhiều điều về vấn đề của bạn thông qua thăm khám và hỏi bệnh.

Vậy chỉ thông qua nói chuyện, làm thế nào bác sĩ có thể biết được vấn đề của tôi?

Các triệu chứng của bạn cho bác sĩ biết rất nhiều về nguyên nhân gây ra cơn đau của bạn. Ví dụ:

  • Nếu cơn đau của bạn bắt đầu sau khi bạn làm một việc gì đó cụ thể, chẳng hạn như nâng một vật nặng hoặc xoay vặn lưng thì có thể bạn bị căng cơ.
  • Nếu cơn đau lan xuống mặt sau của 1 bên đùi, đó có thể là dấu hiệu của 1 trong các dây thần kinh đi xuống chân của bạn đang bị chèn ép bởi một đĩa đệm phồng hoặc rách.
  • Nếu cơn đau của bạn lan dọc xuống cả hai chân, đó có thể là dấu hiệu cho thấy bạn bị hẹp ống sống. Điều này thường là do sự phát triển các gai đốt sống trên cột sống của bạn.

5. Điều trị đau lưng như thế nào?

Hầu hết những người bị đau thắt lưng không có vấn đề sức khỏe nghiêm trọng và có thể thử các phương pháp điều trị đơn giản như:

  • Duy trì hoạt động tích cực: Điều tốt nhất bạn nên làm là duy trì hoạt động tích cực nhất có thể. Những người bị đau thắt lưng hồi phục nhanh hơn nếu họ thường xuyên vận động. Nếu cơn đau của bạn nghiêm trọng, bạn có thể cần nghỉ ngơi trong 1 hoặc 2 ngày, nhưng điều quan trọng là bạn phải đi lại và vận động càng sớm càng tốt. Mặc dù bạn nên tránh khuân vác nặng và chơi thể thao khi lưng bị đau, nhưng hãy cố gắng tiếp tục thực hiện các hoạt động sinh hoạt hàng ngày.
  • Dùng nhiệt: Sử dụng đai quấn nóng có thể giúp giảm đau lưng. Cẩn thận tránh cài đặt nhiệt độ quá cao có thể gây bỏng da.
  • Thuốc: Trước tiên, bạn có thể thử các loại thuốc giảm đau mà bạn có thể mua mà không cần đơn của bác sĩ. Trong nhiều trường hợp, các bác sĩ đề nghị trước hết nên thử dùng một loại thuốc chống viêm không steroid - NSAID). NSAID bao gồm ibuprofen (biệt dược: Advil, Motrin) và naproxen (biệt dược: Aleve). Những thuốc này có thể hoạt động tốt hơn acetaminophen (biệt dược: Tylenol) trong trị đau lưng. Nếu thuốc không cần kê đơn không có hiệu quả, hãy cho bác sĩ hoặc y tá của bạn biết. Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể chỉ định thuốc giãn cơ.

Tuy nhiên, hãy nhớ rằng thuốc giãn cơ thường không được sử dụng ở những người trên 65 tuổi. Ở những người lớn tuổi, những loại thuốc này có thể gây ra các tác dụng phụ như khó tiểu hoặc lú lẫn.

Một số phương pháp điều trị có thể giúp bạn cảm thấy tốt hơn trong một thời gian ngắn, bao gồm:

  • Nắn cột sống: Nhân viên vật lý trị liệu hoặc chuyên gia nắn khớp thực hiện các thao tác di chuyển hoặc “điều chỉnh” các khớp ở lưng của bạn
  • Châm cứu: Các thầy thuốc y học cổ truyền dùng những chiếc kim cực nhỏ để chặn tín hiệu đau.
  • Mát-xa: Chuyên viên mát-xa xoa bóp các cơ và các mô mềm khác ở lưng của bạn.

Mặc dù đau lưng thường hết trong vòng vài tuần, nhưng một số người bị đau lâu hơn. Trong trường hợp này, có thể sử dụng các phương pháp điều trị bổ sung:

  • Tự chăm sóc: Điều này liên quan đến việc nhận thức được nỗi đau của bản thân bạn. Mặc dù bạn nên nghỉ ngơi khi cần thiết, nhưng điều quan trọng là bạn phải vận động nhiều nhất có thể. Những việc như chườm nóng và làm các động tác kéo giãn nhẹ nhàng cũng có thể giúp bạn cảm thấy dễ chịu hơn.
  • Vật lý trị liệu: Nhân viên vật lý trị liệu sẽ hướng dẫn bạn các động tác kéo giãn và chuyển động để giúp tăng cường sức mạnh cơ bắp của bạn. Mục đích chính là để giảm đau nhưng cũng góp phần giúp bạn trở lại các hoạt động thường ngày. Những môn thể thao bạn có thể thử bao gồm đi bộ, bơi lội hoặc đạp xe. Một số người cũng cho rằng thái cực quyền hoặc yoga có thể giúp giảm đau lưng. Hãy tìm kiếm các hoạt động bạn yêu thích có thể giúp bạn duy trì hoạt động tích cực.
  • Giảm căng thẳng: Một số người thấy việc thư giãn và thiền định cũng có thể giúp giảm đau lưng. .

Nếu tình trạng đau lưng khiến bạn cảm thấy lo lắng hoặc chán nản, hãy nói chuyện với bác sĩ hoặc y tá. Có những phương pháp điều trị khác có thể giúp giải quyết những vấn đề này.

Một số người thắc mắc liệu tiêm thuốc có thể giúp giảm đau lưng hay không? Trong vài trường hợp, bác sĩ có thể đề nghị tiêm thuốc để phong bế vùng đau lưng hoặc để giảm tình trạng viêm. Tuy nhiên, phương pháp này chỉ có tác dụng trong một số tình huống cụ thể.

đau thắt lưng bên trái hay đau thắt lưng bên phải thì chỉ một số ít người cần phải phẫu thuật để điều trị đau lưng.

Để tránh bị tái phát đau lưng trở lại thì điều tốt nhất bạn có thể làm là duy trì trạng thái hoạt động của bản thân. Thực hiện các bài tập để tăng cường sức mạnh và kéo giãn lưng có thể giúp cải thiện triệu chứng. Bạn cũng có thể:

● Học cách nhấc đồ vật bằng chân thay vì cúi lưng.

● Tránh ngồi hoặc đứng ở một vị trí quá lâu.

Đau thắt lưng có thể khiến bạn khó chịu và lo lắng, nhưng việc duy trì hoạt động tích cực và thực hiện các bài tập sẽ làm giảm nguy cơ bị đau lưng tái phát.


Cấu tạo của lưng con người
Cấu tạo của lưng con người


Đau thắt lưng có thể do các vấn đề về cơ, dây chằng, đĩa đệm, xương (đốt sống), hoặc dây thần kinh. Thông thường, đau lưng là do căng cơ hoặc bong gân liên quan đến các cơ hoặc dây chằng. Những vấn đề này không phải lúc nào cũng có thể nhìn thấy trên xét nghiệm hình ảnh, chẳng hạn như chụp MRI hoặc CT.

Đau thắt lưng là tình trạng vô cùng phổ biến, tuy nhiên không phải trường hợp nào tình trạng này cũng nguy hiểm. Hy vọng những thông tin trong bài viết trên đã giúp bạn hiểu hơn về tình trạng đau lưng, nếu có bất kỳ thắc mắc nào bạn hãy liên hệ với bác sĩ để được thăm khám và hỗ trợ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe